Phụ nữ Thủ đô - Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Bài cuối: Phát huy vai trò “bà đỡ” của tổ chức Hội
(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ. Từ đó, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hiện thực hóa ý tưởng, sản phẩm sáng tạo
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, dám nghĩ, dám làm và vượt qua khó khăn, bà Cao Thị Thủy, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) đã khởi nghiệp thành công mô hình trồng lúa chất lượng cao. Năm 2023, với sản phẩm “Phát triển vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ thông minh và sản xuất gạo chất lượng cao”, bà Thủy vinh dự là một trong 10 phụ nữ Thủ đô được Hội LHPN Hà Nội tôn vinh ý tưởng, sản phẩm sáng tạo và là một trong những tấm gương phụ nữ điển hình trong tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn hiện nay.
Bà Cao Thị Thủy cho biết: Bản thân xuất phát từ một phụ nữ, một nông dân chính hiệu ở vùng quê chuyên sản xuất, gieo trồng những cánh đồng lúa rộng hàng trăm ha. Trước đây, người dân tại địa phương vẫn thường trồng lúa theo quy trình truyền thống, đơn giản và làm theo thời vụ khiến năng suất trồng lúa đạt hiệu quả chưa cao. Cũng vì thế, đã có nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ không còn mặn mà với ruộng đồng nữa. Nhìn ruộng đồng bỏ hoang phí, năm 2017, bà đã quyết tâm mạnh dạn thành lập HTX với mong muốn tập hợp chị em cùng nhau sản xuất lúa chất lượng cao.
Thật đáng mừng, bà đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ từ huyện đến Thành phố cũng như sự quan tâm của huyện Ứng Hòa đã “tiếp sức” để mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao chất lượng cho hạt gạo, HTX do mình làm chủ, bà Thủy đã áp dụng một quy trình sản xuất lúa chuẩn VietGAP. Đồng thời, bà còn mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao, gieo trồng bằng máy bay không người lái, đầu tư hàng tỉ đồng để mua sắm hệ thống máy móc hiện đại, đặc biệt là dây chuyền công nghệ sơ chế và chế biến gạo chất lượng cao với sàng tạp chất, máy xay, máy sát, máy chà bóng và máy tách tấm, máy đóng gói... để thay thế cho hệ thống máy móc truyền thống cũ. Bằng phương pháp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, HTX đã tạo ra sản phẩm gạo chất lượng.
Để hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, với mô hình “Phụ nữ khởi sự kinh doanh” tại nhà hội viên Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 2, số 4 và chi hội phụ nữ tổ dân phố số 7 trên địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên đã hỗ trợ giúp đỡ 3 hội viên phụ nữ khởi nghiệp thành công. Chị Lương Thị Hoài, Chủ tịch Hội LHPN phường Giang Biên cho biết: Sau khi nắm bắt được nhu cầu của hội viên, Hội Phụ nữ đã giúp gia đình chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh kinh doanh bán hàng ăn sáng, hay như gia đình chị Nguyễn Thị Hải làm nghề may thời trang, chị Trần Thu Hương phát triển nghề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dưỡng sinh Đông y. Để giúp chị em tự tin, khởi nghiệp, Hội Phụ nữ phường đã tín chấp cho các hộ gia đình hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng, với lãi suất thấp. Riêng tại chi hội, chị em giúp đỡ vốn vay 3 triệu đồng không lấy lãi. Bên cạnh đó, Hội LHPN phường còn giúp đỡ tìm đầu mối, liên kết giới thiệu khách hàng. Từ đó, các hộ gia đình hội viên đã ổn định cuộc sống.
Tại huyện Gia Lâm, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, Hội Phụ nữ đã triển khai đến 100% cán bộ, hội viên trên địa bàn. Nhằm giúp hội viên khởi sự, khởi nghiệp thành công, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Tính đến nay, Huyện Hội đã giúp đỡ được hàng chục phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với các ngành nghề như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, may mặc, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản, kinh doanh thực phẩm, cửa hàng ăn uống, mở trường tư thục... Hội LHPN huyện biểu dương 21 sản phẩm sáng tạo của hội viên phụ nữ, đồng thời đề xuất Thành Hội biểu dương 2 sản phẩm sáng tạo.
Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo
Theo bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, ngày càng có nhiều phụ nữ Thủ đô mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã… do phụ nữ làm chủ đều chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội. Bằng chứng là nhiều chị em đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, từng bước đưa sản phẩm kinh doanh lên các nền tảng mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử.
“Trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp TP Hà Nội đã trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử cho hơn 10.000 nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hơn 11.000 phụ nữ khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và thương mại điện tử... Để thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN Thành phố đã chủ động kết nối các chuyên gia công nghệ hỗ trợ 1.200 doanh nhân nữ, phụ nữ mới lập nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, kỹ năng sử dụng hiệu quả các kênh mạng xã hội, tạo banner quảng cáo, tạo mã QR, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến...”- bà Nguyễn Thị Hảo cho biết.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, với vai trò tham mưu cho Hội LHPN Hà Nội thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, ngoài việc xây dựng mạng lưới chuyên gia công nghệ giúp nữ chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh có kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, trung tâm đã triển khai dự án “Phụ nữ ứng dụng công nghệ số”; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chị em hưởng ứng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024; đồng thời kết nối hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ…
Cuộc thi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành, chủ hộ sản xuất, các tổ, nhóm phụ nữ mạnh dạn đề xuất các dự án, ý tưởng, sáng kiến cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị kinh tế vừa thân thiện với môi trường, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông trực tiếp, trực tuyến đến những nhóm đối tượng phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, đào tạo nâng cao kỹ năng, năng lực sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp. Xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, doanh nhân nữ kết nối giao thương, quảng bá giới thiệu sản phẩm trực tiếp và trực tuyến. Thành lập điểm kết nối hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển Phụ nữ Hà Nội thuộc Thành Hội, có không gian trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, có không gian giao lưu chia sẻ, kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến cho doanh nhân nữ và phụ nữ khởi nghiệp. Tổ chức các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX do nữ làm chủ trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng, miền tại các địa bàn khu dân cư, khu chung cư vào ngày thứ sáu, thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần…