Bảo vệ quyền được an toàn của trẻ em

Chia sẻ

Hội LHPN Hà Nội vừa chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố giám sát việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông. Hoạt động này nằm trong bối cảnh Quốc hội khóa XIV đã chọn chủ đề giám sát tối cao năm 2020 về phòng chống xâm hại trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát kiến nghị về hoạt động giám sát thực hiện luật Trẻ em tại huyện Chương Mỹ.Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát kiến nghị về hoạt động giám sát thực hiện luật Trẻ em tại huyện Chương Mỹ.

Hội LHPN Hà Nội phối hợp, khảo sát và bàn giao sân chơi an toàn thân thiện tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà NộiHội LHPN Hà Nội phối hợp, khảo sát và bàn giao sân chơi an toàn thân thiện tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Hoạt động giám sát tập trung vào một số nội dung như công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em; việc thực hiện các quy định đảm bảo quyền được chăm sóc, giáo dục trẻ em; việc lập quy hoạch, kế hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em…

Nơi thiếu quỹ đất, nơi thiếu kinh phí

Nằm ở ngoại thành phía Tây nam Hà Nội, Chương Mỹ là huyện có số đơn vị hành chính lớn nhất Thủ đô với 30 xã và 2 thị trấn; trên 83.000 hộ dân. Số trẻ em dưới 16 tuổi là 88.804 trẻ, trong đó có 608 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, với mục tiêu tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em, giảm nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. UBND huyện Chương Mỹ cũng đã chú trọng không để trẻ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp kịp thời, thực hiện toàn diện Luật Trẻ em theo quy định của pháp luật. Hiện, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp; trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT, được tuyển sinh vào học lớp 1; học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6 trên địa bàn huyện đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tuyển sinh vào lớp 10 đạt bình quân 93%; đảm bảo duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng bình quân hàng năm đạt từ 99,5% trở lên...

“Nhiều khuyến nghị do Hội LHPN Hà Nội đưa ra sau hoạt động giám sát đã được chính quyền các địa phương nghiêm túc tiếp thu và có biện pháp khắc phục, qua đó làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đây chính là ý nghĩa của hoạt động giám sát mà Hội LHPN Hà Nội đang chủ trì hàng năm. Thông qua hoạt động giám sát, tổ chức Hội cũng đã thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em. Chính từ những hoạt động có hiệu quả, thực chất này, tổ chức Hội ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị và trong đời sống xã hội” - bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát liên ngành Thành phố việc thực thi Luật Trẻ em cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Hiến, mặc dù UBND huyện rất quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tiếp nhận các vụ việc trẻ bị bạo lực, xâm hại, bóc lột, bỏ rơi, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, từ tháng 6/2017 đến tháng 8/2020, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra một số vụ xâm hại trẻ em.

Chương Mỹ hiện cũng chưa có trung tâm văn hóa - thể thao dành riêng cho cho thanh, thiếu nhi. Vì thế, các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em chủ yếu được tổ chức tại các nhà văn hóa thôn, cụm dân cư. Cơ sở vật chất dành cho thiếu nhi ở nhà văn hóa còn thiếu, không đảm bảo phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em. Việc lập quy hoạch không gian và sân chơi, bố trí sử dụng đất, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em theo Luật Trẻ em cũng chưa thực hiện tốt do còn vướng quy hoạch chung của thành phố và huyện. Việc huy động nguồn lực để xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em còn gặp nhiều khó khăn…

Khác với Chương Mỹ, Hà Đông là một trong số ít quận trên địa bàn thành phố đã có nhà văn hóa thiếu nhi. Tuy nhiên, Hà Đông lại đang đối mặt với khó khăn khác do tốc độ đô thị hóa trên địa bàn quận những năm vừa qua diễn ra quá nhanh. Nhiều khu nhà ở được đưa vào sử dụng nên dân số tăng cơ học lớn, số trẻ em trên địa bàn cũng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Năm 2017, số nhân khẩu trên địa bàn là 300.875 người, số trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi là 71.777 trẻ thì tới 8 tháng đầu năm 2020, số nhân khẩu đã tăng thêm hơn 97.000 người; số trẻ em từ 0-16 tuổi cũng đã tăng hơn 33.000 trẻ.

Từ năm 2017 đến nay, quận đã đầu tư kinh phí cho việc xây mới, đưa vào hoạt động 15 trường học công lập; tạo điều kiện cho các phường còn quỹ đất san lấp, xây dựng 20 vườn hoa mini cho thanh thiếu nhi, mua sắm thiết bị vui chơi, thể thao với số tiền 186,78 tỷ đồng. Dịp hè năm học 2019-2020, Đoàn Thanh niên quận đã vận động xã hội hóa xây 3 sân chơi mới cho thiếu nhi tại các phường Dương Nội, La Khê, Hà Cầu; tặng 2 ngôi nhà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại phường Đồng Mai. Tuy nhiên, việc xây dựng sân chơi, trường học vẫn chưa thể theo kịp tốc độ dân số tăng cơ học quá lớn. Các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em vẫn còn hạn chế.

Dù còn nhiều khó khăn, theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Luật Trẻ em vẫn luôn được quận triển khai toàn diện ở các cấp, các ngành và 17 đơn vị hành chính, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng.

Thúc đẩy việc thực hiện quyền của trẻ em ngay từ hôm nay

Từ thực tế giám sát việc triển khai Luật Trẻ em, Đoàn giám sát liên ngành do Hội LHPN Hà Nội chủ trì tổ chức đã trao đổi, gợi mở một số giải pháp với chính quyền các địa phương trong triển khai quy định, pháp luật liên quan đến trẻ em.

Sân chơi an toàn thân thiện thu hút đông đảo trẻ em thôn Đình Tràng, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa tham gia.Sân chơi an toàn thân thiện thu hút đông đảo trẻ em thôn Đình Tràng, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa tham gia.

Xây dựng không gian sống an toàn cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Hà Nội.Xây dựng không gian sống an toàn cho trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Hà Nội. 

Trước khó khăn của huyện Chương Mỹ liên quan đến việc chưa quy hoạch được quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa - thể thao cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát cho rằng: Cùng với việc chờ phê duyệt quy hoạch tổng thể để tiến hành đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa dành riêng cho thiếu nhi, trước mắt, huyện Chương Mỹ có thể xây dựng các không gian vui chơi dành riêng cho thiếu nhi ngay tại các nhà văn hóa - thể thao dành cho người lớn, tại các không gian vườn hoa, nhà văn hóa khu dân cư… Những không gian này, có thể được thiết kế mở, bố trí linh hoạt để trẻ em có thể vui chơi cùng người lớn. Với tinh thần đó, chỉ riêng năm 2020, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp khảo sát và tiến hành lắp đặt được 7 sân chơi công cộng các quận Bắc Từ Liêm, Long Biên và Ứng Hòa. Mỗi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang theo tâm huyết của Hội LHPN Hà Nội cùng góp phần xây dựng cộng đồng an toàn cho người dân, trong đó có trẻ em.

Về khó khăn trong việc thiếu kinh phí phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Đoàn giám sát lại gợi mở giải pháp các địa phương nên bắt đầu từ việc xây dựng các mô hình chăm sóc, bảo vệ cho trẻ em phù hợp với đặc thù thực tiễn và nguồn lực của địa phương. Sau đó kêu gọi xã hội hóa, vận động các nguồn lực để triển khai, nâng cao hiệu quả và mở rộng, nhân rộng mô hình. Đây cũng là cách làm của Hội LHPN Hà Nội khi triển khai mô hình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Sau khi xây dựng mô hình, từ tính thiết thực mà mô hình đem lại, tổ chức quốc tế International Plan Việt Nam đã vào cuộc, góp sức với Hội triển khai trên nhiều phương diện. Đến nay, sau 6 năm, mô hình đã tiếp cận được tới 11.000 đối tượng hưởng lợi trực tiếp và 190.000 đối tượng hưởng lợi gián tiếp. Mô hình đã được thí điểm thành công tại hai xã tại huyện Đông Anh và với hệ thống xe buýt tại thành phố Hà Nội. Năm 2019, mô hình đã được nhân rộng tới tất cả 24 xã thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh. Hiện, Hội LHPN Hà Nội và tổ chức International Plan Việt Nam tiếp tục phối hợp mở rộng triển khai tới 5 quận, huyện Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên và Ứng Hòa.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, hoạt động giám sát không nhằm “tìm lỗi để xử phạt” các cấp chính quyền mà hướng tới mục đích hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý trong triển khai quy định, chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em.

Cần tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ

Hà Nội là đô thị lớn, có tỷ lệ nhập cư tăng nhanh, thành phần dân cư phức tạp, vì thế, trẻ em đang phải đối mặt với không ít nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng. Theo báo cáo của UBND thành phố, tính từ ngày 1/1/2015 đến tháng 6/1019, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 322 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó bạo lực có 49 vụ, xâm hại tình dục trẻ em có 23 vụ. Mua bán 2 vụ, trẻ em bị bỏ rơi/bỏ mặc là 235 vụ…

Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN Hà Nội đã chủ trì, thành lập 22 đoàn giám sát, trong đó có giám sát các nội dung liên quan đến trẻ em như việc thực hiện Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; giám sát việc giải quyết vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Năm 2019, sau khi chủ trì đoàn giám sát liên ngành việc triển khai Luật Trẻ em tại huyện Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây, Hội LHPN Hà Nội đã phát hiện một số vấn đề, khuyến nghị UBND các đơn vị được giám sát cần quan tâm như tăng cường tuyên truyền sâu rộng Luật Trẻ em và các văn bản liên quan tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn; thực hiện các biện pháp để xây dựng và đưa vào hoạt động các mô hình mới hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em; có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu và tạo cơ chế, quy trình can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị xâm hại; kiên quyết xử lý, răn đe các hành vi xâm hại trẻ em…

Đánh giá của TAND TP Hà Nội cuối năm 2019 cũng cho thấy, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà xảy ra ngay tại gia đình, nhà trường và cơ sở chăm sóc trẻ em. Theo ông Đào Bá Sơn, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, trong các hình thức xâm hại trẻ em thì xâm hại tình dục đang là vấn đề “nóng”. Tính chất của các vụ xâm hại tình dục đã đến mức nghiêm trọng, báo động về sự xuống cấp của một bộ phận dân cư. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán, bắt cóc trẻ em cũng có xu hướng gia tăng; tình trạng bóc lột sức lao động đối với trẻ em giúp việc trong các gia đình, trẻ em phải lao động sớm trong các cơ sở sản xuất nhỏ… hiện đang diễn biến phức tạp. Tình trạng người chưa thành niên tụ tập thành băng nhóm sử dụng mã tấu, dao, lê… gây ra nhiều vụ cướp của, giết người ghê rợn cũng là một mối lo… 

Theo ông Sơn, nếu không có sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hệ thống các giải pháp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, tập trung giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại ở tất cả các môi trường mà trẻ em đang sinh sống, học tập thì tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới có thể tiếp tục có diễn biến phức tạp hơn và có chiều hướng gia tăng không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các địa phương khác.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, thông qua hoạt động giám sát chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, Hội LHPN Hà Nội đã ghi nhận nhiều mặt tích cực nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế hạn chế trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay. Trong đó có việc nhận thức của một số cơ quan, tổ chức về quyền trẻ em chưa đầy đủ; các văn bản pháp luật hiện hành quy định mức xử phạt đối với hành vi xâm hại trẻ em chưa đủ độ răn đe, chưa khuyến khích được người dân tố giác tội phạm… Về phía tổ chức Hội, hoạt động giám sát mới chủ yếu thực hiện giám sát chuyên đề, chưa triển khai giám sát nhiều quy trình giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em trong quá trình tố tụng. Một số cơ sở Hội còn chưa chủ động trong giám sát, chưa cập nhật kịp thời các văn bản để thực hiện nhiệm vụ giám sát, việc phát hiện và theo dõi kiến nghị sau giám sát còn ít. Bên cạnh đó, mặc dù Hà Nội đã có nhiều chính sách, chương trình, mô hình can thiệp, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em nhưng vẫn là chưa đủ so với các nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em hiện nay.

Để có thể nâng cao hiệu quả thực thi Luật Trẻ em cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, đại diện Hội LHPN Hà Nội cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em. Việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em cần được quan tâm hơn nữa. Một yếu tố quan trọng khác là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tra, hậu giám sát các dịch vụ chăm sóc trẻ em, quá trình giải quyết vụ việc xâm hại trẻ em; chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nghiêm minh các vấn đề, vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, được xã hội, cộng đồng dân cư quan tâm.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN - THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Các cấp Hội Phụ nữ huyện Đông Anh ra quân tổng vệ sinh môi trường

Các cấp Hội Phụ nữ huyện Đông Anh ra quân tổng vệ sinh môi trường

(PNTĐ) - Các cấp Hội Phụ nữ huyện Đông Anh đã đồng loạt ra quân, tổng vệ sinh môi trường nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, duy trì phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, tích cực xây dựng “Đoạn đường xanh - sạch - đẹp - nở hoa” gắn với chấp hành các quy định về trật tự văn minh đô thị, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Nữ nghệ nhân tuồng cổ say mê việc Hội

Nữ nghệ nhân tuồng cổ say mê việc Hội

(PNTĐ) - Thôn Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) là mảnh đất lành cho bộ môn nghệ thuật tuồng bén rễ, phát triển và trở thành máu thịt của người làng hơn nửa thế kỷ nay... Gắn bó cùng dòng chảy ấy, nữ Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Huyền không chỉ giữ gìn nghệ thuật truyền thống của địa phương mà còn mang lời ca, tiếng hát để tuyên truyền, vận động, phát triển công tác Hội Phụ nữ.
Khánh thành “mái ấm” cho hội viên phụ nữ khó khăn phường Phú Thượng

Khánh thành “mái ấm” cho hội viên phụ nữ khó khăn phường Phú Thượng

(PNTĐ) - Chiều 26/4/2024, LHPN quận Tây Hồ cùng chính quyền, đoàn thể phường Phú Thượng đã có mặt tại nhà hội viên phụ nữ Lê Thị Doan (trú tại số 14, ngõ 209/20/43 đường An Dương Vương,phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), để chia vui cùng gia đình chị. Dưới nền nhiệt gần 40 độ C, gương mặt ai cũng lấm chấm mồ hôi vì nắng nóng, nhưng mọi người đều hân hoan, thấy "mát lòng" vì từ nay chị Doan đã có ngôi nhà khang trang, kiên cố; không còn nỗi lo hứng mưa ngày dột, chống cột ngày giông gió như trước đây.
Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác năm 2024, trong 3 ngày 16, 17, 22/4/2024, Ban Thường vụ Hội LHPN quận Thanh Xuân phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội quận đã tiến hành kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024 tại 06/11 phường: Khương Mai, Kim Giang, Phương Liệt, Thượng Đình, Hạ Đình và Khương Đình.