Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam tích cực lan tỏa nhiều nội dung Dự án 8 đến với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực lan tỏa nhiều nội dung của dự án 8 đến với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số. Đây là dự án do ội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Dự án được thiết kế với 4 nhóm nội dung trọng tâm và 9 chỉ tiêu cốt lõi, chú trọng quan tâm hỗ trợ phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn và thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực lan tỏa nhiều nội dung của dự án đến với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số. Kết quả, sau năm 5 đã có 8/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã đạt và vượt kế hoạch giai đoạn, trong đó 4/9 chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch, gồm: Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, Năng lực cho cán bộ nữ DTTS được nâng cao.

Tại tỉnh Nghệ An, Hội LHPN huyện Con Cuông đã chủ động tham mưu cấp ủy, UBND huyện phối hợp các đơn vị ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn, hướng dẫn thực hiện Chương trình. Các hoạt động cơ bản đều triển khai đúng tiến độ, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giảm thiểu bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em học tập, phát triển. Huyện Con Cuông đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Chương trình tại 10 xã được hưởng lợi.
Hội Phụ nữ tuyên truyền nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tổ chức tập huấn kỹ năng cho cán bộ và cộng đồng. Đã có 40 cuộc truyền thông, 4 lớp tập huấn về thúc đẩy bình đẳng giới, 10 cuộc đối thoại chính sách, thành lập 5 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", 42 tổ truyền thông cộng đồng và 5 địa chỉ tin cậy. Nhóm đối tượng được quan tâm hỗ trợ là phụ nữ, người dân và trẻ em DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn, phụ nữ nghèo, yếu thế, phụ nữ bị bạo lực và cán bộ Hội, người có uy tín làm công tác truyền thông tại cơ sở.
Tại Cần Thơ, Các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động Dự án 8 gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Hội; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ DTTS tích cực tham gia phong trào. Các mô hình, hoạt động của Dự án được hội viên, phụ nữ đón nhận, ủng hộ và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Hội LHPN TP Cần Thơ đã thành lập và vận hành 4 mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và một số xã, phường trên địa bàn thành phố, giúp các thành viên nâng cao kiến thức, kỹ năng, tự chủ cuộc sống…; thành lập 5 Tổ truyền thông cộng đồng, tăng cường tuyên truyền, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa lạc hậu và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, Hội đã xây dựng, duy trì các mô hình CLB trong phụ nữ DTTS, hoạt động hiệu quả, như CLB Phụ nữ dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với ý thức phát triển kinh tế hộ gia đình; CLB không có người thân vi phạm pháp luật…

Thực hiện Dự án 8, tại tỉnh Hà Giang, Hội LHPN tỉnh Hà Giang luôn xác định đối thoại chính sách là một trong những nội dung hoạt động quan trọng của Dự án 8 nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ đó, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Trong giai đoạn I thực hiện dự án, các cấp Hội đã tổ chức 56 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành tổ truyền thông cộng đồng, 46 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền. Để giúp hội viên phụ nữ, trẻ dân tộc thiểu số hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa thiết thực của Dự án, Hội đẩy mạnh truyền thông trực tiếp, truyền thông qua loa phát thanh, các thành viên còn truyền thông qua các nhóm zalo, fanpage của Hội đề tuyên truyền xóa bỏ các định kiến giới...
Đồng thời, Hội còn tổ chức các hội thi, liên hoan tìm kiếm các mô hình sáng tạo, giải pháp hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ trẻ em. Đồng thời triển khai thực hiện tốt 4 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Hội đã tổ chức 10 lớp tập huấn về hướng dẫn điều tra khảo sát, thống kê, hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em cho đội ngũ cán bộ Hội, trạm Y tế, Chi hội trưởng phụ nữ, cán bộ y tế thôn bản. Đến 30/6/2024 có 2.680 phụ nữ đi khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế và hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con.
Với sự chủ động triển khai một cách đồng bộ, nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa tại cơ sở, các nội dung của Dự án 8 đã góp phần tạo môi trường cho phụ nữ vùng cao, dân tộc và miền núi có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số tại các địa phương.