Cán bộ Hội tập huấn về an sinh xã hội cho phụ nữ khuyết tật
(PNTĐ) -Sáng ngày 18/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn “Những điểm mới về chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ khuyết tật; “Những điểm mới về chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội liên quan đến phụ nữ” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 – 18/4/2023), đồng thời thực hiện quy chế phối hợp tuyên truyền, vận động, thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giữa Bảo hiểm xã hội Hà Nội và Hội LHPN Hà Nội.

Tại hội nghị trực tiếp, các cán bộ Hội, tuyên truyền viên đã được các báo cáo viên truyền đạt những kiến thức mới và cơ bản về chính sách an sinh xã hội đối với phụ nữ khuyết tật và những điểm mới về chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội liên quan đến phụ nữ. Đặc biệt là sự cần thiết, ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tự nguyện để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật có điều kiện vượt khó vươn lên hòa nhập với cộng đồng; giúp chị em phụ nữ biết cách tổ chức cuộc sống gia đình và chăm lo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Thông qua chương trình tập huấn, cán bộ Hội nắm vững kiến thức kỹ năng về chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quyền và sự phát triển toàn diện của người khuyết tật theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời tạo sự đồng thuận thống nhất trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, từng bước hướng tới Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ chiếm 58% và khuyết tật nặng chiếm 29%. Đây là thách thức đặt ra đối với nguồn lực của Nhà nước, xã hội cũng như chính bản thân và gia đình của những người khuyết tật.
Để trợ giúp người khuyết tật, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và điều kiện khó khăn…, với mục đích hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, đồng thời cũng tạo điều kiện để phụ nữ khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội… Với việc triển khai tốt các chính sách, người khuyết tật được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể.