Cần có chương trình mục tiêu quốc gia chăm sóc người cao tuổi

Chia sẻ

Trải qua 80 năm truyền thống vẻ vang, người cao tuổi Việt Nam đã và đang phát huy vai trò cây cao bóng cả của mình trong gia đình, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp. Dù những biến đổi của xã hội đang khiến người cao tuổi phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số nhanh.

Người cao tuổi nên tham gia các CLB làm phong phú đời sống tinh thần để sống vui, sống khỏe – Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (Hội Người cao tuổi phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) đang luyện tập văn nghệ cùng nhau (Ảnh: T.Hà)Người cao tuổi nên tham gia các CLB làm phong phú đời sống tinh thần để sống vui, sống khỏe – Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương (Hội Người cao tuổi phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) đang luyện tập văn nghệ cùng nhau (Ảnh: T.Hà)

Giá trị văn hóa “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”

Hiện nay, vợ chồng cô Ngô Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội LHPN phường Láng Thượng và gia đình nhỏ của con trai, con gái đang sống chung một nhà. Đại gia đình có đến 10 thành viên cùng chung sống. “Đó là chủ ý của vợ chồng tôi. Nhiều người bạn khi biết tin, cho rằng tôi đèo bòng, rồi làm thế chỉ tổ “con không chịu lớn”, anh chị em ở chung cả dâu lẫn rể lại cãi cọ, xích mích nhau… Nhưng tôi vẫn để các con cùng chung sống với mình, và nhiều năm nay, chúng tôi vẫn là một đại gia đình thật sự đầy ắp tiếng cười. Với gia đình tôi, bố mẹ hạnh phúc vì được sống cùng con cái, san sẻ giúp các con việc nhà, chăm cháu, còn con cái có bố mẹ để làm gương, để thấy yên tâm khi trở về nhà” - cô Oanh chia sẻ.

Thời gian đầu, sẽ rất khó để dung hòa từng ấy tính cách, con người có thể cùng chung sống, nhưng sự sẻ chia, nhường nhịn, lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ đã hóa giải tất cả. Vợ chồng cô Oanh cùng chăm các cháu nội, ngoại để các con có thời gian ổn định sự nghiệp.

Bà Trần Thị Thái Hòa, Chi hội trưởng Phụ nữ số 7 phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân cho rằng, duy trì thói quen thể dục, thể thao, văn nghệ để giữ gìn sự tươi trẻ cho tâm hồn và hết mình với các công việc chung - riêng đã khiến bà trở thành tấm gương nhưng vẫn gần gũi trong mắt con cháu.

“Từ những việc trong gia đình như chỉ dạy thói quen ăn, uống, sống tiết kiệm, chăm chỉ học tập, đến những việc ngoài xã hội như ủng hộ công tác phòng chống dịch, ủng hộ người nghèo, các cháu đều lắng nghe và nhờ tôi giúp đỡ. Tôi cảm thấy mình may mắn vì được gần gũi với các cháu của mình. Bởi lẽ, với người cao tuổi, dù được tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, nhưng nếu trong gia đình không ủng hộ thì sẽ khiến họ nảy sinh nhiều suy nghĩ, muộn phiền” – bà Hòa nói.

Theo ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT &DL, gia đình Việt Nam hiện nay đang biến đổi về cấu trúc, quy mô, quan hệ giữa các thành viên. Ngày nay, lớp trẻ sẵn sàng thoát ly tổ ấm gia đình, quê hương đi tìm miền đất hứa, để khởi nghiệp và sáng tạo, hưởng thụ các giá trị đời sống tiện nghi, dịch vụ hiện đại. Vì thế, quan niệm về con cháu nuôi dưỡng, vâng lời ông bà, cha mẹ cũng có nhiều biến đổi. Sự biến đổi ấy tác động mạnh mẽ đến tất cả các thành viên của gia đình, đặc biệt với những người lớn tuổi.

“Tuy nhiên, chính trong những thách thức ấy, lòng yêu thương và sự gương mẫu của cha mẹ, ông bà với con cháu không những càng phải được coi trọng mà còn phát huy thêm nhiều góc độ. Yêu thương, gương mẫu của ông bà, cha mẹ không chỉ trong không gian gia đình nhỏ hẹp, khi cháu con còn tấm bé. Trách nhiệm của bậc sinh thành là dõi theo các cháu tới suốt cuộc đời. Với con cháu, dù ở đâu, giá trị căn cốt không được thay đổi là sự biết ơn, kính trọng, vâng lời, phụng dưỡng, chăm sóc những đấng sinh thành, dưỡng dục mình. Dù thời đại nào, “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” vẫn là giá trị đúng đắn, cần được lưu giữ và phát triển”- ông Vân nói.

Nhiều thách thức trong bối cảnh già hóa dân số

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011, trở thành một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Đến năm 2050, con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số. Như vậy, số lượng người cao tuổi tăng lên từ tốc độ già hóa dân số và chiếm một phần không nhỏ trong xã hội. Trong khi đó, người cao tuổi Việt Nam đại đa số nằm trong tình trạng: Tuổi thọ cao nhưng không khỏe, tỷ lệ mắc bệnh mãn tính nhiều, về tiềm lực kinh tế phần lớn người cao tuổi “già trước khi giàu”, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi trong gia đình đang bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi mô hình sống gia đình từ truyền thống sang hạt nhân, hạ tầng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong hệ thống nhà nước vẫn còn hạn chế… Đây là những thách thức không nhỏ đối với người cao tuổi Việt Nam hiện nay và trong những thập kỷ tiếp theo.

Thừa nhận về thực trạng này, theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số -KHHGĐ, Bộ Y tế - có hơn 72% người già sống cùng con cháu, tuy nhiên xu hướng gia đình đang chuyển từ mô hình truyền thống sang gia đình hạt nhân ngày càng phổ biến. Điều này khiến người cao tuổi gặp bất lợi, bởi từ trước đến nay gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho các thành viên khi về già. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người cao tuổi gặp nhiều khó khăn khi 68% sống ở nông thôn, làm nông nghiệp, không có lương hưu. Trong khi sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam có tới 96% người mang bệnh tật kép, với tỷ lệ trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh mãn tính.

Thực tiễn từ các nước đã trải qua quá trình già hóa dân số cho thấy, già hóa dân số là một thành tựu xã hội to lớn của loài người và của các quốc gia. Già hóa dân số không phải là một gánh nặng, mà nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), để đạt được già hóa thành công, Việt Nam cần nâng cao ý thức và hiểu biết của các nhà quản lý, hoạch định chính sách cũng như của toàn bộ cộng đồng về những thách thức của già hóa dân số và đời sống của người cao tuổi. Đồng thời giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội nhằm đảm bảo và cải thiện thu nhập của người cao tuổi từ lao động và hưu trí.

Cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường chăm sóc sức khỏe, xây dựng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với sự tham gia tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội và nâng cao năng lực quốc gia về chăm sóc người cao tuổi. Trong đó, các công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật, thương tật và tàn phế. Cần tạo ra môi trường sống thân thiện cho người cao tuổi. Đặc biệt, cần phải có một chương trình mục tiêu quốc gia toàn diện về chăm sóc người cao tuổi mà trong đó cần xác định một số mục tiêu lượng hoá được và có tính đặc trưng giới để cải thiện tình trạng sức khỏe người cao tuổi, giảm thiểu các bệnh mạn tính, tàn phế và tử vong khi bước vào tuổi già.

 HẠ THI – QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác năm 2024, trong 3 ngày 16, 17, 22/4/2024, Ban Thường vụ Hội LHPN quận Thanh Xuân phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội quận đã tiến hành kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024 tại 06/11 phường: Khương Mai, Kim Giang, Phương Liệt, Thượng Đình, Hạ Đình và Khương Đình.
Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngày 5/5/2024 ( tức Chủ Nhật), Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP hưởng ứng tham gia hoạt động đồng diễn dân vũ đồng loạt trên nền nhạc ca khúc "Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên - Inh lả ơi". Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.