Câu chuyện xúc động của người phụ trách tổ tàu "Ba đảm đang"

Chia sẻ

"Tôi vẫn còn nguyên những ký ức không thể quên về một thời thanh xuân đã cống hiến sức trẻ của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"- Bà Nguyễn Thị Sang- Nguyên Trưởng tàu, phụ trách tổ tàu “Ba đảm đang”

 

Bà Nguyễn Thị SangBà Nguyễn Thị Sang (Ảnh: T.T) 

Bà Nguyễn Thị Sang- Nguyên Trưởng tàu, phụ trách tổ tàu “Ba đảm đang” kể

Tôi nguyên là một nữ trưởng tàu, phụ trách tổ tàu Ba đảm đang của ngành đường sắt Việt Nam. Sinh ra trong thời kỳ giặc Pháp chiếm đóng, được mẹ gánh đi tản cư hết vùng này đến vùng khác, cuộc sống của gia đình tôi vô cùng cơ cực. Tôi lớn lên và trưởng thành trong giai đoạn cả nước sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước; tôi được đi học và tốt nghiệp ngành giao thông vận tải đường sắt đúng vào lúc cả nước đang chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Khi nhận công tác và được phân công làm trưởng tàu, tôi vinh dự được cùng các đồng nghiệp phụ trách các đoàn tàu nhân sự đặc biệt, chở bộ đội vào Nam chiến đấu và tiếp nhận thương binh từ chiến trường miền Nam ra Bắc điều trị. Ngày ấy giao thông đường sắt bi giặc Mỹ đánh phá gián đoạn nên phải tổ chức giao nhận bộ đội tại Ga Vinh - Nghệ An.

Hoạt động của tổ tàu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đối với những người nam giới đã là khó khăn, gian khổ; vậy đối với nữ giới thì phần khó khăn gian khổ ấy còn tăng lên gấp bội. Lúc bấy giờ, mạch máu giao thông đường sắt từ Nhà Ga, đoàn tàu, cây cầu, cung đường... đều là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ hòng chặn đứng nguồn chi viện lương thực của miền Bắc cho đồng bào miền Nam ruột thịt.

Tổ tàu Ba đảm đang lúc đó toàn là các đồng chí nữ, gồm có: 1 trưởng tàu, 1 phó tàu, 2 hành lý viên, 1 phát thanh viên, 4 nhân viên phục vụ đoàn tàu từ 13 đến 15 toa. Nhiệm vụ chính là phải đảm bảo an toàn cho đoàn tàu; cho hành khách từ Ga xuất phát đến ga cuối cùng; đảm bảo vệ sinh các toa xe phục vụ khách hàng luôn được vệ sinh sạch sẽ; yêu cầu khách hàng để hành lý ngăn nắp, gọn  gàng. Tuyên truyền, nhắc nhở hành khách đảm bảo thực hiện đúng các quy định của ngành đường sắt. Đồng thời phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình của máy bay địch, nếu có cần phải phát tín hiệu cho tàu dừng kịp thời, hướng dẫn hành khách khẩn trương sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách và cho đoàn tàu...

Khi bình yên trở lại, chúng tôi lại thổi còi, làm hiệu lệnh đón hành khách trở về tàu tiếp tục hành trình. Có thể nói đây là một trong những khó khăn rất lớn đối với phụ nữ chúng tôi. Lúc đó trên tàu chưa có điện, chỉ có một vài chiếc đèn bão; vậy làm thế nào để nhận biết được hành khách đi sơ tán đã kịp trở về tàu đông đủ hay chưa? Và còn rất nhiều những khó khăn khác nữa... mà tôi không thể nhớ hết được. Tuy nhiên với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao, chị em chúng tôi trong suốt những năm công tác đã luôn đảm bảo an toàn về mọi mặt cho những chuyến tàu. Với bản thân tôi, người trưởng tàu luôn được coi là người chỉ huy, là người nhạc trưởng điều hành mọi hoạt động trên tàu; nhanh nhẹn nắm bắt kịp thời mọi tình huống để ra lệnh và phát tín hiệu đúng lúc, chính xác. Tất cả các chị em chúng tôi đều xác định rõ: Mình là những chiến sỹ trên mặt trận giao thông vận tải; tất cả vì tiền tuyến; tất cả vì Miền Nam ruột thịt thân yêu, với khẩu hiệu “Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời”. Nhiều khẩu hiệu tác chiến của ngành đã đi vào tâm trí chúng tôi và có dấu ấn cho đến tận bây giờ: “Giặc phá- ta sửa- ta đi”, có giai đoạn ác liệt thì là “Giặc phá - ta cứ đi”. Phong trào Ba đảm đang của phụ nữ gắn liền với phong trào “Ba sẵn sàng” của đoàn thanh niên đã luôn thôi thúc chúng tôi không chùn bước trước bất cứ khó khăn nào. Vì Tổ quốc thân yêu, chúng tôi không sợ khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh.

Với tinh thần đó, chúng tôi chưa một lần thất bại trước sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Còn nhớ có những chuyến tàu khi chúng tôi vừa rời khỏi thì máy bay Mỹ đánh bom, lại có khi tàu của chúng tôi đến thì là lúc nơi đó vừa bị ném bom xong... các chị em còn nói đùa với nhau “Thằng Mỹ nó sợ đội quân tóc dài của bà Định nên phải tránh chị em chúng ta đấy”. Lúc đó Ga Yên Viên là nơi bị tàn phá ác liệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không; máy bay Mỹ đánh sập hầm tại Ga Yên Viên; có rất nhiều công nhân bị thương, nhiều người bị chết... vậy mà tổ tàu Ba đảm đang của chúng tôi may mắn vẫn được bình yên.

Trong thời chiến, tàu chạy chủ yếu vào ban đêm, tổ tàu của chị em chúng tôi làm việc không mệt mỏi, ăn ngủ theo chuyến tàu, việc nấu ăn cũng vô cùng vất vả... lúc đó chúng tôi nấu cơm bằng nồi gang trên bếp củi. Vậy mà có những lần cơm đang sôi, canh đang nấu dở thì tàu chạy vào đường cua cong, tất cả bị lật đỏ hết xuống đất; nghĩ lại đúng là cơ cực thật, vậy mà lúc đó chẳng ai thấy buồn, chị em nhìn nhau cười ồ.. vui vẻ. Phận là phụ nữ, những ngày riêng tư của của chị em mà phải rong ruổi trên tàu thì quả thật là không bút nào tả hết; không có chỗ để thay giặt, không có chỗ để phơi... tất cả đều phải chờ kết thúc hành trình về Trạm mới giải quyết được.

Gian khổ, khó khăn là vậy, nhưng với khí thế sôi sục của cả nước những ngày đánh Mỹ, với khí thế hào hùng của tuổi trẻ, với truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu, với trách nhiệm và niềm tự hào của tổ tàu Ba đảm đang thuộc ngành đường sắt Việt Nam; chị em trong tổ tàu Ba đảm đang luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác chị em tôi luôn nhận được rất nhiều lời động viên, khen ngợi của khách đi tàu; tổ tàu đạt danh hiệu “Tổ tàu xã hội chủ nghĩa”. Hàng năm các chị em đều được đơn vị và ngành khen thưởng. Riêng cá nhân tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác 19/5/1972. Tôi được đại diện cho những thanh niên lao động giỏi, chiến đấu giỏi trong phong trào “Ba sẵn sàng” đi dự Đại hội Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Phong trào phụ nữ Ba đảm đang đã qua 55 năm, nhưng hơn nửa thế kỷ qua bản thân tôi chưa bao giờ thôi tự hào, đó là những kỷ niệm, những ký ức tươi đẹp sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.

Những đoàn tàu do chúng tôi phụ trách chở những người lính ở độ tuổi 18 đôi mươi ra trận; những bài ca cách mạng được hát vang trong suốt cả hành trình, cảm giác như họ đang đi hội chứ không phải đi ra trận. Có những chuyến tàu chúng tôi được đón tiếp 100% sinh viên của các trường Trung học, Đại học, họ sẵn sàng gác lại bút nghiên để lên đường ra trận, tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống; họ cười đùa vui vẻ như trẻ thơ.... Cảm kích trước công việc của các chị em phụ nữ trên đội tàu Ba đảm đang, có chiến sỹ đã gửi tặng cho tôi những vần thơ thật đáng yêu:

  .....Có những đêm dài không ngủ

  Thi đua thức cùng sao trời

  Đem cả bàn tay, khối óc

  Cho những đoàn tàu ngược xuôi.

  Sau những đêm dài thức trắng

  Nhọc nhằn đôi mắt quầng thâm

  Em vẫn thấy đời bừng nắng

  Bởi lòng chói sáng niềm tin....

(Trích trong bài: Tặng em - người trưởng tàu bé nhỏ)

Tôi đã không có cơ hội để gặp lại người lính ấy, song những vần thơ của một chiến sỹ (một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) vẫn còn in đậm trong tôi cho đến hết cuộc đời.

Chiến tranh đã đi qua, ngày hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc; thế giới đang bước vào cuộc công nghiệp 4.0. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nhiệt thành, tâm huyết của các đồng chí cán bộ Hội LHPN các cấp và đặc biệt là sự vận dụng sáng tạo của phong trào Ba đảm đang, tôi tin tưởng rằng: truyền thống Ba đảm đang của phụ nữ Việt Nam sẽ còn sáng mãi.

Tới dự hội thảo Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang do thành hội tổ chức, và Nguyễn Thị Sang đã tự hào với những kết quả, thành tích mà các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã đạt được trong suốt 55 năm qua. Bà và những người phụ nữ năm xưa và ngày nay xin hứa không ngừng rèn luyện, phấn đấu, học tập và làm theo gương Bác; tiếp tục phát huy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng cho phụ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”

 Bà Nguyễn Thị Sang

 

 

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã chỉ đạo các cơ sở hội trên địa bàn huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tới hội viên, phụ nữ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
CLB Phụ nữ Thủ đô tổ chức giao lưu văn nghệ “Chín năm làm một Điện Biên“

CLB Phụ nữ Thủ đô tổ chức giao lưu văn nghệ “Chín năm làm một Điện Biên“

(PNTĐ) - Sáng 6/5, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tại hội trường 2B, cơ quan Hội LHPN Hà Nội, CLB Phụ nữ Thủ đô đã tổ chức chương trình Giao lưu văn nghệ "Chín năm làm một Điện Biên". Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương và hơn 100  hội viên CLB.
Hội LHPN Hà Nội tri ân, tặng quà người có công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Hội LHPN Hà Nội tri ân, tặng quà người có công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/5/2024, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), thay mặt cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô, đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội đã tới thăm, tặng quà, tri ân 2 nữ cựu dân quân hỏa tuyến và thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì.