Hội LHPN huyện Gia Lâm:
Chung sức, đồng lòng với mục tiêu thành lập quận
(PNTĐ) - Năm 2023, Hội LHPN huyện Gia Lâm đã triển khai thực hiện phong trào thi đua, hoạt động công tác Hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có mô hình hay, cách làm sáng tạo hoàn thành 3 nhóm nhiệm vụ, 14 chỉ tiêu thi đua. Qua đó, góp phần cùng chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương xây dựng, hoàn thiện tiêu chí quận, phường...
Bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết: Năm 2023, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện Gia Lâm là hoàn thiện các tiêu chí thành lập quận, thành lập phường, xin ý kiến cử tri đối với Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Song song với đó, huyện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thanh Hương. Cái ”khó” của huyện trong xin ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận và các phường thuộc quận là việc có 12 đơn vị phải thực hiện việc hợp nhất địa giới hành chính để thành lập 6 phường, trong đó có những xã không còn tên, ví dụ như: Đông Dư, Trung Mầu, những địa phương mà tên đã gắn liền với lịch sử rất lâu đời. Vì vậy mà quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động được các cấp Hội Phụ nữ đặc biệt quan tâm, làm sao để tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN Hà Nội, năm 2023 tổ chức Giao lưu Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi, Hội đã lựa chọn luôn chủ đề để các chị em tham gia giao lưu là tuyên truyền tạo sự đồng thuận với Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Mỗi chủ tịch tham gia giao lưu đều thể hiện sự khéo léo của cán bộ Hội trong công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hình thức khác nhau, có đơn vị xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền, có đơn vị hát chèo, có đơn vị dựng ca cảnh. Buổi giao lưu được Hội ghi hình và đăng tải trên các trang facebook, fanpage của Hội LHPN huyện điều này góp phần tạo hiệu quả tuyên truyền rất cao.

xuống phố năm 2023.
Đối với việc triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch mà Hội LHPN Hà Nội đề xuất UBND Thành phố ban hành cũng được thực hiện gắn với các chương trình công tác toàn khóa của BCH Đảng bộ huyện, các đề án của UBND huyện. Tiếp tục ký các kế hoạch liên tịch với UBND huyện trong thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. Tổng kinh phí được cấp trong năm cho thực hiện các đề án, kế hoạch là 1,94 tỷ đồng. Nhờ đó, Hội có nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động với quy mô lớn, hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa.
Cùng với đó, Hội đã thành lập các mô hình mới trong vận động phụ nữ ứng xử đẹp, thực hiện nếp sống, lối sống thanh lịch, văn minh đạt hiệu quả tốt như: Mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử/Điểm du lịch kiểu mẫu” tại khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan - xã Dương Xá, khu di tích Quốc gia đặc biệt Phù Đổng - xã Phù Đổng và Điểm du lịch làng gốm Bát Tràng - xã Bát Tràng; thành lập CLB hướng dẫn viên du lịch “Gia Lâm trong tôi” với 15 thành viên nòng cốt. Mô hình “Chợ văn minh - an toàn hiệu quả” tập trung thực hiện những tiêu chí không đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn như thành lập các CLB dân vũ tiểu thương, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng góc xanh, góc an toàn phòng, chống cháy nổ.
Mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng khu dân cư kiểu mẫu” tại thôn Thuận Tiến - xã Dương Xá, vận động xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh, duy trì chỉnh trang tuyến đường bích họa, nhà văn hóa kiểu mẫu, tặng bình chữa cháy cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, lắp đặt điểm chữa cháy công cộng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Nhiều công trình phần việc tham gia xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, nông thôn mới như: Mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình” triển khai tại 22/22 xã, thị trấn. Hiện toàn huyện đã xây dựng và gắn biển 27 tuyến đường, 22 nhà văn hóa kiểu mẫu, tổng trị giá gần 1,8 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công lao động của hội viên, phụ nữ và người dân trên địa bàn.