CLB Phụ nữ Thủ đô: Tập huấn kiến thức phòng, chống dịch bệnh mùa hè
(PNTĐ) - Sáng 10/7/2024, CLB Phụ nữ Thủ đô (Hội LHPN thành phố Hà Nội) tổ chức buổi sinh hoạt cho các hội viên trong CLB về kiến thức phòng, chống dịch bệnh phổ biến trong dịp hè, đặc biệt là căn bệnh sốt xuất huyết.
Tại buổi sinh hoạt, các cô, bác hội viên trong câu lạc bộ đã được nghe ThS Nguyễn Bích Thủy - Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích xoay quay các nội dung: Tại sao mùa hè các dịch bệnh gia tăng và phức tạp? Các bệnh phổ biến người dân nên lưu ý (sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, bạch hầu, sởi, thủy đậu...).

Liên quan tới vấn đề dịch bệnh, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 28/6 đến ngày 5/7, toàn thành phố ghi nhận 118 ca mắc sốt xuất huyết; bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện; trong đó phần lớn bệnh nhân ghi nhận tại huyện Đan Phượng. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.058 ca mắc, 0 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (759/0).
Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 34 ca mắc tay chân miệng (cộng dồn năm 2024, ghi nhận 1.627 ca mắc, 0 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023); 11 ca mắc ho gà (cộng dồn năm 2024 ghi nhận 162 ca mắc tại 28 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023). Trong tuần, Hà Nội cũng ghi nhận 1 ca mắc viêm não Nhật Bản, 1 ca mắc sởi, 10 ca thủy đậu... không ghi nhận trường hợp tử vong nhưng số lượng đều gia tăng so với tuần trước đó.
Đặc biệt, từ việc phân tích cơ chế, nguyên nhân gây ra sốt xuất huyết, BS Nguyễn Bích Thủy đã miêu tả cho người dân triệu chứng đặc trưng của bệnh: Sốt cao đột ngột, liên tục 2-7 ngày; có biểu hiện xuất huyết; đau đầu, đau cơ; buồn nôn, đau bụng...

Bệnh diễn biến nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, tử vong. Trong khi đó thực tế cho thấy nhiều gia đình, địa bàn dân cư chưa thực sự coi trọng công tác phòng sốt xuất huyết. Bởi vậy, đề phòng chống sốt xuất huyết, BS Thủy khuyến cáo các cô, bác hội viên phu nữ thực hiện nguyên tắc 3 không: Không loăng quăng, bọ gậy; không muỗi; không để muỗi đốt.
Liên quan tới bệnh bạch hầu đang được dư luận quan tâm gần đây, BS Thủy phân tích, bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn (tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%).
Do đó, người dân nên chủ động phòng bạch hầu bằng cách: Tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng bằng khăn sạch hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh...

Tham gia buổi sinh hoạt, nhiều hội viên CLB như bà Nguyễn Thị Dĩnh (đang sống tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đều chăm chú ghi chép thông tin. "Hàng tháng, CLB Phụ nữ Thủ đô đều có các buổi sinh hoạt, học tập theo chuyên đề rất đa dạng, phong phú; mỗi hoạt động đều có ý nghĩa riêng, giúp chị em tăng trưởng trí tuệ, cập nhật thông tin, đem lại niềm vui và sức khỏe tốt hơn. Riêng tại buổi hôm nay, chủ đề về phòng bệnh mùa hè rất thiết thực trong bối cảnh hiện tại. Qua nghe tư vấn, nắm được thông tin về triệu chứng, cách điều trị cũng như phòng ngừa... tôi cũng tự tin hơn trong chăm sóc bản thân và gia đình. Từ kiến thức học được, tôi sẽ chủ động chia sẻ, truyền thông tới các chị em nơi mình sinh sống, để mọi người cùng nhau sống khỏe, có ích", bà Dĩnh nói.