Cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số
(PNTĐ) - Người dân phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhiều năm nay đã quen với hình ảnh bà Vũ Thị Thanh Thuý, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, kiêm Cộng tác viên dân số phường đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện tốt chính sách dân số.
Gương mẫu đi đầu
Bà Thuý đã có hơn 17 năm gắn bó với công tác dân số. Công việc của người cộng tác viên dân số tưởng chừng như nhàn hạ nhưng “có làm mới thấu hiểu”. Các cộng tác viên dân số vừa đi tuyên truyền vận động các cặp vợ chồng sinh đủ hai con để nuôi dạy con tốt; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, cập nhật kịp thời thông tin của các hộ biến động…

Để làm được điều đó, các cộng tác viên dân số luôn cố gắng trang bị những kỹ năng mà khi đi tuyên truyền vận động cần đến như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu hiểu, kỹ năng đặt câu hỏi mở, kỹ năng xử lý tình huống...
Cộng tác viên dân số Vũ Thị Thanh Thuý cho rằng, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân thì nhiệm vụ của người cộng tác viên dân số cũng chuyển hướng để bắt kịp với nhiệm vụ mới như: Tuyên truyền vận động nam nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn khám sức khỏe trước khi kết hôn và phải đạt tỷ lệ 90%, đây là tỷ lệ phải nói là rất khó, sắp tới vào ngày 16/7 chúng ta tổ chức truyền thông tới đối tượng này mà vận động cũng khó khan; vận động để 70% phụ nữ có thai được tầm soát 4 loại bệnh, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; vận động khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc thể lực người Việt Nam..
Những năm qua, công tác dân số có nhiều đổi mới, những cộng tác viên dân số đều phải theo sát để nắm bắt những đổi mới đó về áp dụng ở địa bàn dân cư do mình phụ trách. Địa bàn do bà Thuý quản lý là tổ dân phố số 25 của UBND phường Khương Đình. Đây là địa bàn có đặc thù rất nhiều chị em trong độ tuổi sinh đẻ, chị em trong độ tuổi tiền mãn kinh và trẻ em dưới 16 tuổi.
Do đó, bà Thuý tập trung tuyên truyền vào nhóm đối tượng đặc thù này để nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. “Tôi luôn tâm niệm bản thân mình phải gương mẫu, gần gũi với người dân để nhân dân luôn tin tưởng, chia sẻ” – bà Thuý nói.
Đối với người cao tuổi, bà Thuý luôn tôn trọng, lễ phép và luôn chú ý đến việc thăm hỏi sức khoẻ cũng như tinh thần, động viên họ tham gia các hoạt động cộng đồng như tập thể dục, đội dưỡng sinh hay vui chơi văn hoá, văn nghệ. Ở khu dân cư, bà cũng thường xuyên vận động, trao đổi người dao tuổi cần quan tâm để ý đến sức khoẻ, tuyên truyền một số bệnh về tim mạch, huyết áp, đường huyết… và cách xử lý, động viên người cao tuổi đi khám sức khoẻ định kỳ.
Đối với các gia đình có nguy cơ sinh con thứ 3, bà thường xuyên tiếp cận vận động để họ hiểu và không vi phạm Pháp lênh dân số. Trong những năm qua, địa bàn do bà Thuý quản lý không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Đối với các bà mẹ mang thai, bà tuyên truyền vận động để họ thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, với các chị trong độ tuổi tiền mãn kinh, có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Bà Thuý mang những hiểu biết của mình để động viên và để các chị và gia đình hiểu đó là một việc bình thường, không quá lo lắng, tránh để những việc đáng tiếc xảy ra như bị trầm cảm. Còn với thanh niên đến độ tuổi kết hôn, bà tuyên tuyền vận động các bạn trẻ nên đi khám tiền hôn nhân....
“Với mỗi độ tuổi khác nhau, tôi lại có kỹ năng, kiến thức tuyên truyền khác nhau. Bản thân tôi cảm thấy rất vui vì mình đã từng bước đưa được kiến thức đến với người dân, góp phần đưa chất lượng dân số của phường Khương Đình nói riêng, và của quận Thanh Xuân nói chung ngày càng được nâng cao đặt cho nền móng cho một tương lai công bằng, thịnh vượng hơn” – bà Thuý nói.

Nói đơn giản vậy, nhưng để người dân hiểu và tin mình, bà Thuý phải làm gương từ trong gia đình. Khi con trai đến tuổi kết hôn, bà vận động các con đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Khi con dâu mang thai, bà vận động con dâu sàng lọc trước sinh và sơ sinh đầy đủ, không bỏ qua giai đoạn nào. Quá trình con dâu sinh con, bà khuyên và hướng dẫn con nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nuôi con khoa học.
Để tuyên truyền cho người dân bỏ thói quen trông chờ vào sự tài trợ miễn phí về các sản phẩm tránh thai và hàng hoá sức khoẻ theo nhu cầu, bà Thuý đều mua về thử trước hoặc… cho người thân thử. “Ở Tổ dân phố, ai cũng biết đến tôi. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để tôi nắm được tình hình trên địa bàn tốt hơn” – bà Thuý nói.
Quan tâm đầu tư cho trẻ em gái
Bà Thuý trăn trở, hang ngày, chúng ta vẫn nghe những thông tin về trẻ em gái vị thành niên bị lừa bán đi nước ngoài, nào là bị lạm dụng tình dục, bị đối xử phân biệt giới rồi nạo phá thai ngoài ý muốn... đã gióng lên hồi chuông báo động đối với toàn xã hội. Chính vì thế, việc đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là hết sức quan trọng.
Nhận thức được vấn đề đó, bà Thuý thường xuyên tiếp xúc với các gia đình có con trong độ tuổi này để tuyên truyền cho họ hiểu: Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên không phải chỉ đầu tư về kinh tế: tạo điều kiện cho con cái được học hành đến nơi đến chốn mà còn phải đầu tư về thời gian: gần gũi, chia sẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, những kỹ năng trong cuộc sống như tự bảo vệ mình và nhất là việc đối xử công bằng trong gia đình (không phân biệt trai gái).
“Trẻ vị thành niên có những thay đổi đột ngột nhanh chóng về mặt tâm sinh lý. Trong thâm tâm, trẻ vị thành niên vẫn rất cần sự giúp đỡ, che chở của gia đình vì đó chính là điểm tựa vững vàng để trẻ bắt đầu bộc lộ khuynh hướng tự khẳng định mình. Với những khó khăn và mâu thuẫn trong nội tâm, trẻ vị thành niên có nhiều đột phá quan trọng trong cuộc đời, rất cần cha mẹ thật sự hiểu, làm bạn với trẻ, tôn trọng tính độc lập của trẻ, giáo dục giới tính và tập dần khả năng xử lý tình huống để giúp cho trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng này và trưởng thành lành mạnh” – bà Thuý nói.

Là Chủ tịch Hội LHPN phường, vừa kiêm nhiệm cộng tác viên dân số tổ dân phố số 25 nơi bà đang sinh sống, bà Thuý cho biết, đó là điều kiện thuận lợi để bà làm tốt nhiệm vụ của mình. Các hoạt động của Hội Phụ nữ phường cũng thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, toạ đàm về chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, thanh niên và người cao tuổi; truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các kiến thức về giới tính, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em, trong đó có trẻ em gái…
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, được sự ủng hộ của mọi người, bà Thuý đã “hoá giải” nhiều ca “oái ăm”. Bà nhớ lại, 5-6 năm trước, bà nghe tin, có một gia đình định tổ chức đám cưới cho con gái chưa đầy 16 tuổi. Bà giật mình: “Cháu bé vừa học hết cấp 2, sao đã vội cưới chồng?”. Giữa đêm hôm, bà lựa thời gian đến nhà tâm sự với mẹ cháu bé. Người mẹ thở dài cho biết, con gái bà kiên quyết không học tiếp và muốn cưới chồng vì đã “yêu quá” rồi, không thể bỏ được. Gia đình cũng đành chấp nhận, thôi thì con gái đến tuổi cũng lấy chồng thôi.
Bà Thuý phân tích, việc tổ chức đám cưới cho con gái trước 18 tuổi là vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Cháu bé kết hôn sớm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu làm mẹ sớm mà còn chưa đủ kỹ năng để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hôn nhân. Cháu còn trẻ, cần được vui chơi và trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng sống.
“Tôi đến ba bốn lần, vừa phân tích cả bố mẹ lẫn cháu bé. Tôi khuyên nếu các cháu yêu thương nhau thì có thể duy trì tình yêu đẹp đó, đến khi học xong, có đủ kỹ năng, có công việc ổn định, thì có thể kết hôn, lúc đó chưa muộn” – bà Thuý nói.
Trường hợp đó, sự vào cuộc kịp thời và khéo léo của bà Thuý đã ngăn một vụ tảo hôn xảy ra, đồng thời giúp cháu bé tiếp tục đến trường và ứng xử đúng đắn với tình yêu tuổi mới lớn của mình…
Nói về thành quả khi là cộng tác viên dân số, bà Thuý mỉm cười: Đến nay, 100% người cao tuổi được chăm sóc sức khoẻ, thường xuyên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao thể lực. Thanh niên đến tuổi kết hôn đều được đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Nhiều trẻ em gái đã có những vị trí nhất định, nâng cao nhận thức của người dân, xoá bỏ định kiến giới, trọng nam khinh nữ trên địa bàn…
“Khi đi tuyên truyền, chúng tôi thường chú trọng nhiều đến những người lao động thuê trọ vì những người này ít có thời gian tiếp cận với thông tin hơn. Dù đây là một việc làm tương đối khó vì họ đi làm đến tối mịt mới về, nhưng những cộn tác viên dân số như chúng tôi đều… cố chờ đợi để có thể giúp họ hiểu hơn về các chính sách dân số” – bà Thuý cho biết.
Bà cũng mong muốn, để đảm bảo tỷ số giới tính khi sinh hợp lý, Nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với các phòng khám tư nếu bằng cách này hay cách khác, họ tiết lộ giới tính của thai nhi” – bà nói.