Cụ thể hoá từng nội dung, nhiệm vụ tới từng cấp Hội

Chia sẻ

Lần đầu tiên, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội nghị quy mô lớn toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ lần thứ XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối tới hơn 4.000 điểm cầu, hơn 60.000 đại biểu là chi hội trưởng, cán bộ hội tham dự.

Nhiều điểm mới trong các nhiệm vụ

Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam cho biết: Lần đầu tiên, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội nghị với quy mô lớn, đối tượng rộng từ Trung ương đến tất cả các cấp Hội trong cả nước. Đây là hội nghị khởi đầu, để Nghị quyết thực sự "thấm" vào từng cán bộ, hội viên phụ nữ, việc quán triệt, tuyên truyền phải thường xuyên thực hiện trong suốt nhiệm kỳ, được cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch thực hiện của từng cấp Hội.

Tại hội nghị, các báo cáo viên đã trao đổi những nội dung cơ bản, những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII nhằm giúp các cấp Hội, hội viên, phụ nữ nắm vững và triển khai.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế” trong nhiệm kỳ 2022-2027, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam thông tin: Nhiệm kỳ XIII, các hoạt động xây dựng người phụ nữ được mở rộng hơn, với yêu cầu cao hơn không chỉ về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, thể chất, mà còn phải đáp ứng với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế; gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam “khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại”. Thực hiện nhiệm vụ này liên quan mật thiết với thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” được Hội LHPN Việt Nam phát động thực hiện trong nhiệm kỳ XIII nhằm cụ thể hóa nội dung văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội LHPN Việt Nam đưa ra 2 chương trình: Chương trình hỗ trợ 1 triệu phụ nữ nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận Chính phủ số và tiếp tục thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề xuất 2 chính sách gồm: Nghiên cứu, vận động, đề xuất chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho chi phí tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ; chương trình/đề án hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động di cư.

Với nhiệm vụ “Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, đồng chí Trương Thị Thu Thủy - Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết: Điểm mới so với nhiệm kỳ trước chính là việc triển khai cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với yêu cầu cao hơn, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Với 2 nội dung mới lần đầu tiên được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam và đảm bảo bình đẳng giới.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác trẻ em của Hội, phát động trên địa bàn cả nước: Hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đề xuất 1 chính sách/đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội LHPN Việt Nam đưa ra 2 chỉ tiêu trọng tâm là đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất 1 dịch vụ trợ giúp xã hội. Hằng năm, mỗi cơ sở Hội vận động, hỗ trợ thêm 5 hộ gia đình đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” hoặc “gia đình 5 có, 3 sạch” (đối với địa bàn xây dựng nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu), phấn đấu cả nước giúp được thêm 55.000 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; mỗi cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh (trong chỉ tiêu này, cơ sở Hội được hiểu là Hội Phụ nữ xã/phường/thị trấn)…

Về quan hệ hữu nghị hợp tác với các đối tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại”, đồng chí Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Triển khai có hiệu quả các chương trình đoàn kết, hữu nghị và thỏa thuận hợp tác với các đối tác phụ nữ của các tổ chức quốc tế; Thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức phụ nữ quốc tế mà chúng ta tham gia; Đa dạng hóa phương thức, nội dung và hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, hợp tác vi mô và các cấp độ khác nhau. Và 3 điểm mới gồm: Mở rộng quan hệ với tất cả các đối tác vì mục tiêu bình đẳng, phát triển, hòa bình; chú trọng tới hiệu quả của các chương trình đoàn kết, hữu nghị và thỏa thuận hợp tác; đa dạng hóa phương thức, nội dung hoạt động phù hợp trong từng thời điểm.

Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghị tập huấn 	Ảnh: P.VĐồng chí Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghị tập huấn  Ảnh: P.V

Cần mở rộng quan hệ với đối tác quốc tế

Để thực hiện các điểm mới và nội dung trong triển khai nhiệm vụ, các cấp Hội LHPN địa phương cần phát triển, mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế, đặc biệt là các đối tác đang hoạt động tại địa phương, tổ chức ít nhất 1 sự kiện gặp gỡ, kết nối với đối tác quốc tế trong nhiệm kỳ. Một số Hội PN các tỉnh/thành lớn cần phát huy vai trò dẫn dắt kết nối trong hệ thống Hội.

Đặc biệt, việc đa dạng hóa các hình thức; thiết kế đa dạng các sản phẩm, tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội của Hội LHPN các cấp từ TƯ đến địa phương vô cùng quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam trong các quan hệ, giao dịch có yếu tố nước ngoài, đồng thời kết nối, hỗ trợ thành lập và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận tập trung chủ yếu vào Điều lệ và hướng dẫn thực hiện điều lệ Hội; công tác thi đua và phong trào thi đua nhiệm kỳ 2022-2027 và một số nội dung như: Những khó khăn đặt ra để thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm kỳ và giải pháp khắc phục khó khăn; những vấn đề cần làm rõ/thống nhất ở các chuyên đề: “Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ”; “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả”; “Tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động thực hiện bình đẳng giới”…

Đồng thời đề xuất, kiến nghị với TƯ Hội xem xét khen thưởng cho cán bộ chuyên trách các cấp Hội để động viên, khuyến khích, ghi nhận thành tích của cán bộ Hội; giảm số lượng thành viên Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh, huyện và có quy định số lượng hội viên tối thiểu để duy trì hoạt động; xem xét chỉ tiêu về số lượng hội viên giao về Hội PN phù hợp với thực tế của từng địa phương…

Với phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu.

Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ nghiên cứu để có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về các nội dung trên. Đặc biệt, về chỉ tiêu hội viên, đề nghị các tỉnh sớm cung cấp số hội viên phát triển trong nhiệm kỳ theo văn kiện Đại hội cấp tỉnh, từ đó TƯ Hội sẽ phân bổ lại chỉ tiêu phát triển hội viên trên cơ sở rà soát lại số liệu và đề nghị các tỉnh dựa vào chỉ tiêu phân bổ đó để điều chỉnh chỉ tiêu trong kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp.

Ngay sau Hội nghị này, Hội PN các tỉnh/thành cần cập nhật giải pháp để đưa vào kế hoạch hoạt động toàn khóa, phân công rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, từng nội dung công việc để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Bài và ảnh: THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành “mái ấm” cho hội viên phụ nữ khó khăn phường Phú Thượng

Khánh thành “mái ấm” cho hội viên phụ nữ khó khăn phường Phú Thượng

(PNTĐ) - Chiều 26/4/2024, LHPN quận Tây Hồ cùng chính quyền, đoàn thể phường Phú Thượng đã có mặt tại nhà hội viên phụ nữ Lê Thị Doan (trú tại số 14, ngõ 209/20/43 đường An Dương Vương,phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), để chia vui cùng gia đình chị. Dưới nền nhiệt gần 40 độ C, gương mặt ai cũng lấm chấm mồ hôi vì nắng nóng, nhưng mọi người đều hân hoan, thấy "mát lòng" vì từ nay chị Doan đã có ngôi nhà khang trang, kiên cố; không còn nỗi lo hứng mưa ngày dột, chống cột ngày giông gió như trước đây.
Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác năm 2024, trong 3 ngày 16, 17, 22/4/2024, Ban Thường vụ Hội LHPN quận Thanh Xuân phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội quận đã tiến hành kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024 tại 06/11 phường: Khương Mai, Kim Giang, Phương Liệt, Thượng Đình, Hạ Đình và Khương Đình.
Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngày 5/5/2024 ( tức Chủ Nhật), Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP hưởng ứng tham gia hoạt động đồng diễn dân vũ đồng loạt trên nền nhạc ca khúc "Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên - Inh lả ơi". Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.