Cựu nữ thanh niên xung phong truyền lửa
(PNTĐ) - Trở về với đời thường lập gia đình và xây dựng kinh tế, những nữ thanh niên xung phong (TNXP) năm nào vẫn giữ nguyên phẩm chất của người lính, đẩy mạnh hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống...

Những ngày diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không, cầu phao Đông Trù qua sông Đuống (thuộc địa phận huyện Gia Lâm - Đông Anh) bị ném bom ác liệt, cô gái Nguyễn Thị Bình, khi đó mới 17 tuổi đang làm ở hợp tác xã (HTX) trại chăn nuôi lợn Trăm con nghìn cân tại địa phương đã tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị TNXP C1-2771-N277 (Đội cầu 3 - Bộ Giao thông vận tải), với nhiệm vụ tham gia bắc cầu phao Đông trù, qua sông Đuống.
Nhớ lại tuổi 17 nhiệt huyết năm xưa, bà Nguyễn Thị Bình kể: “Khi tham gia sinh hoạt chi đoàn thanh niên xã, buổi họp chi đoàn khẩn cấp bàn về việc đi lắp cầu phao, tôi và 5 người tình nguyện xung phong đi. Tuổi trẻ xa nhà, được tập trung ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm để vừa học chính trị, vừa học kỹ thuật 1 tháng rồi được đến bến phà Đồng Xuyên (Gia Lâm) thực hành lắp cầu. Sau khi thực hành lắp ráp thuần thục, tôi được về Đông Trù (Đông Anh) làm việc. Khi lắp cầu phao Đông Trù khoảng 1 tuần thì bị cơn bão số 8 khá lớn, quật đứt gãy cầu vừa lắp. Lúc đó, tôi và đồng đội được lệnh ngày đêm lắp lại hoàn thành trong 2 ngày. Tuy vất vả, làm ngày đêm, nhưng ai nấy đều vui vì mình đã hoàn thành một nhiệm vụ có ích cho đất nước”.
Qua dòng hồi ức của bà, quá khứ hiện về nguyên vẹn: “Đơn vị của chúng tôi có nhiệm vụ ngày đêm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn xe vận chuyển hàng hóa qua cầu phao từ Hà Nội lên toàn tuyến phía Bắc. Đêm 23/12/1972, chúng tôi có hai tiểu đội trực cầu, gồm 25 đồng chí, trong đó có tôi. Khi đang kiểm tra trên cầu thì còi báo động, máy bay B52 của Mỹ ném bom cầu phao. Chúng tôi vội vã di chuyển lên bờ để chạy vào căn hầm, nơi mọi ngày vẫn trú ẩn khi máy bay đến. Căn hầm cách mố cầu phao không xa, chừng vài chục mét. Quả bom B52 đã không trúng cầu phao mà trúng căn hầm đó, nhưng may mắn chúng tôi đã lên ẩn ở bốt băng ke trên đê nên thoát nạn. Những ngày sau đó, dù Mỹ tiếp tục bắn phá, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm giao thông đường thủy thông suốt”.
Hòa bình lập lại, cô gái TNXP năm nào vẫn tiếp tục phát huy tinh thần của tuổi trẻ, sẵn sàng đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, tham gia công tác xã hội, làm những việc có ích cho đời. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, bà Nguyễn Thị Bình trở về địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp, hoạt động phong trào. Bà từng là đại biểu HĐND xã Thạch Bàn; Bí thư Chi bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường Thạch Bàn... Trên cương vị nào, bà cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến tháng 3/2021, bà được bầu giữ trọng trách Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong quận Long Biên, BCH, Ban Thường vụ Hội cựu TNXP TP Hà Nội.
Là Chủ tịch Hội cựu TNXP quận Long Biên, bà luôn đẩy mạnh hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Bà đã chủ động cùng tập thể Ban Thường vụ xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức các hội nghị thảo luận và ban hành để tổ chức thực hiện. Hiện Quận Hội Long Biên có 25 gia đình và hơn 50 hội viên làm kinh tế giỏi. Quỹ nghĩa tình đồng đội có 395 triệu đồng dùng cho hội viên vay để phát triển kinh tế không thu lãi, giúp đỡ hội viên khó khăn…
Năm 2023, Hội cựu TNXP quận Long Biên đã vận động cán bộ hội viên, xã hội hóa, nâng cấp sửa chữa nhà ở cho hội viên có nhà xuống cấp. Hội cựu TNXP phường Đức Giang, quận Long Biên ủng hộ quỹ xây 70 ngôi nhà cho hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tháng 7/2023, bà Bình thành lập HTX Kinh tế quận Long Biên, gồm 31 hội viên là những người trồng cây, nuôi con, kinh doanh dịch vụ giỏi tại các địa phương trong quận. Hội viên có các xưởng may, công ty giúp các hội viên khác khó khăn, tạo việc làm cho con em của cựu TNXP với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng.
Với sự chỉ đạo, dẫn dắt của người cựu TNXP tâm huyết - bà Nguyễn Thị Bình, các thành viên trong HTX, các cựu TNXP đã và đang đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, làm giàu quê hương mình.