Dinh thự vua Mèo: Chốn vương giả giữa cao nguyên đá
(PNTĐ) - Đến Đồng Văn, Hà Giang, không thể không đến thăm một địa điểm ghi dấu thời kỳ vàng son của con người từng bá chủ một vùng cao nguyên đá rộng lớn với vô vàn huyền tích bao quanh, đó là di tích lịch sử nhà Vương, hay được dân gian quen gọi là dinh thự vua Mèo.
Huyền thoại trên cao nguyên đá
Dinh thự được xây dựng trong lòng thung lũng Sà Phìn, bao quanh là dãy núi đá chỏm nhọn hoắt với những con đường vắt vẻo, quanh co tựa như một sợi chỉ trắng mỏng manh trên bức tranh thêu nhiều màu sắc. Giữa thung lũng quanh năm mây mù bao phủ, nằm trên tuyến đường chông gai, xa xôi nơi cực Bắc Tổ quốc này, khu dinh thự đồ sộ có kiến trúc vương giả, thành quách kiên cố với rừng sa mộc hùng dũng vươn lên cao vút tận mây trời là minh chứng hùng hồn cho quyền lực và sức mạnh độc tôn của “vua Mèo”.
Vị “vua Mèo” Vàng Dúng Lùng - tên tiếng Hán là Vương Chính Đức - được đồng bào dân tộc Mông tôn sùng là vua. Sau này, người ta thường nhầm lẫn quy địa vị này cho con trai thứ của ông - Vương Chí Sình, nhưng chính hậu duệ của ông khẳng định rằng, chỉ có Vương Chính Đức mới được người Mèo nơi đây ngưỡng mộ và suy tôn là vị vua duy nhất. Xung quanh ông có rất nhiều câu chuyện huyền thoại, kỳ bí tựa như lớp mây mù bao phủ quanh vùng đồi núi hiểm trở này vậy. Bên cạnh tài trí hơn người, ông còn được cho là có… phép thuật, biết sử dụng tà đạo để thuyết dụ dân chúng.
Các tài liệu cho thấy Vương Chính Đức (SN 1865) là một người thông minh, tài trí hơn người, thổi khèn hay và có khả năng thu phục lòng người. Năm 1900, ông chỉ huy nghĩa quân Mông chiếm cứ một vùng núi cao, rừng rậm, lập nên “nghĩa binh hươu nai” đương đầu và tiêu diệt giặc Cờ Đen, giành Đồng Văn vào tay người Mông. Sau đó, ông tiếp tục chỉ huy nghĩa quân kháng Pháp và chiến đấu chống lại âm mưu xâm chiếm của nhà Thanh. Trong 9 năm, từ 1900 đến 1909, nghĩa binh hươu nai đã chiến đấu một mất một còn với những đợt tấn công liên tục của đội quân Pháp, song thua trận buộc phải nhường Đồng Văn cho Pháp. Không chịu bại trận, Vương Chính Đức tiếp tục tuyển mộ binh sĩ, rèn luyện và đánh Pháp trong 4 năm ròng cho đến khi giành được thắng lợi vang dội vào năm 1913, buộc Pháp phải ký Hòa ước Pháp - Mèo với nhiều điều khoản có lợi cho người Mèo: Pháp phải triệt thoái quân đội khỏi Đồng Văn, trả Đồng Văn cho người Mông cai quản bằng chế độ tự trị.
Sau khi ký Hòa ước, Vương Chính Đức gần như trở thành vị thánh sống của vùng.
Người dân tộc Mông tôn Vương Chính Đức như vị thánh sống, nên khi mất, ông giao cơ nghiệp lại cho người con thứ là Vương Chí Sình (tên tiếng Mông là Vàng Seo Lử, sinh năm 1885). Vương Chí Sình đi theo cách mạng, kết nghĩa với Hồ Chủ tịch. Trong “Tuần lễ vàng” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát động, Vương Chí Sình đã cho vận chuyển về Hà Nội 22 vạn đồng bạc trắng và 9 kg vàng để ủng hộ chính phủ Cụ Hồ.
Một thời vang bóng
Dinh thự vua Mèo được giữ lại đến ngày nay, để người đời sau ngưỡng mộ và nể phục vị vua tinh thần của người Mông từng một thời vang bóng. Ai đã từng đến thung lũng Sà Phìn không thể không choáng ngợp trước quần thể di tích được xây dựng với chi phí là 150.000 đồng bạc trắng, mà tính theo thời giá hiện tại, chưa kể công sá, phải lên tới gần 40 tỷ đồng.
Chất “chơi” của vị vua này phải kể đến việc ông thuê thợ xây dựng tòa lâu đài tới 64 phòng tất thảy bằng đá khối và gỗ sa mộc. Cùng với những người thợ Mông lành nghề bậc nhất thời bấy giờ, dinh thự được chăm chút từng chi tiết, tạo nên kiến trúc độc đáo, pha trộn giữa những nét đặc trưng của kiến trúc nhà Thanh, Trung Quốc vừa nổi bật vẻ độc đáo của nhà người Mông, Việt Nam.
Các nguyên vật liệu đá, gỗ và ngói lợp cũng được vận chuyển từ Quảng Tây, cho nên công trình mất tới 8 năm không liên tục để hoàn tất. Rừng sa mộc với 120 gốc cao ngút hùng dũng. Khu dinh thự vừa là nơi vị vua Mèo sống vừa là pháo đài bất khả chiến bại của ông. Tường thành được xây cao vút, xung quanh có quân lính bảo vệ, cách mỗi đoạn tường lại được bố trí các lỗ châu mai và chòi canh, thế nên khó có thể đột nhập từ phía ngoài.
Dinh nhà Vương rộng lớn được chia thành ba khu Tiền sinh, Trung sinh và Hậu sinh, gồm nhà khách, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí. Đặc biệt, ở khu Hậu sinh có xây dựng riêng 2 kho bằng đá phiến, mặt ngoài tường dày 1,4m, mặt trong dày 0,8m, bảo đảm đạn súng cối hay bộc phá cũng không thể xâm phạm. Riêng hai phiến đá kê cột nhà ở khu vực Trung sinh là đắt giá nhất, bởi sau khi mài nhẵn, chúng được dùng những đồng bạc hoa xòe đánh bóng loáng, biến đá trắng thành màu đồng thau. Để làm được mỗi phiến đá kê cột nhà này, vua Mèo đã mạnh tay chi ra từ 800 đến 900 đồng bạc.
Năm 1928, Vua Khải Định đã ban cho Vương Chính Đức một bức hoành phi đại tự có 4 chữ "Biên chính khả phong" cùng thẻ bài và mũ mão đại thần, chính thức công nhận quyền lực họ Vương ở chốn biên thùy. Cũng kể từ đó, người Mông gọi ông là Chính Vương, xem ông như "Vua Mèo" thực thụ.
Theo di nguyện của ông, phần mộ của “vua Mèo” được đặt phía sau đỉnh núi hình tam giác nhọn, nhìn thẳng vào mặt trước dinh thự, nơi quanh năm gió lộng, mây mù vấn vít. Có lẽ ông muốn khi mình ra đi rồi vẫn có thể dõi theo cuộc sống của con cháu và sự nghiệp của dòng tộc. Phần mộ lớn nhất, nằm ngay dưới hàng cây sa mộc trước cửa dinh thự là mộ của vợ Vương Chính Đức, được làm bằng đá, khắc công phu, cỏ mọc um tùm tươi tốt. Theo quan niệm của người Mông, phần mộ phải có nhiều cây cỏ mọc, càng xum xuê thì con cháu càng được “lộc” của tổ tiên để phát triển.
Trước kia, một số hậu duệ của họ Vương vẫn sinh sống trong dinh thự, nhưng từ khi khu tư dinh được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thì con cháu họ chuyển ra sống ở các khu nhà quanh đó. Theo cách mạng, người Mông nơi đây cũng không còn trồng cây thuốc phiện mà chuyển sang canh tác cây ngô.
Từ cây ngô, đồng bào nấu thành một loại rượu đặc sản của cao nguyên giá lạnh, đó là rượu ngô rát bỏng đầu lưỡi, chảy tới đâu ấm lòng tới đó. Khu dinh thự ghi dấu một thời vàng son của vị vua Mèo chốn biên ải trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới thăm, để tìm hiểu về một công trình nghệ thuật độc đáo cũng như biết thêm về một thời kỳ lịch sử bi tráng của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Hà Giang.