Đồng hành cùng con trong bối cảnh chuyển đổi số
(PNTĐ) - Ngày 9/5/2025, tại trụ sở Hội LHPN Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của người mẹ đối với giáo dục con cái trong gia đình thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số”. Hội thảo là 1 trong chuỗi hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ với đề tài cùng tên.

PGS.TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện phụ nữ Việt Nam và thạc sĩ Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có GS.TS Lê Thị Quý, chuyên gia về lĩnh vực giới và gia đình; đại diện các sở, ban, ngành Thành phố; đại diện Hội LHPN các cấp 4 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về giáo dục gia đình; những thuận lợi, khó khăn, rào cản, yêu cầu đặt ra và đề xuất giải pháp để phát huy vai trò của người mẹ đối với giáo dục con cái trong gia đình thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Hà Nội cho biết: Trong kỷ nguyên số, người mẹ không chỉ là người giữ lửa trong gia đình mà còn là người định hướng, đồng hành cùng con cái trong hành trình trưởng thành. Người mẹ cần có kiến thức cơ bản về công nghệ, hiểu được các ứng dụng phổ biến, mạng xã hội, và môi trường số để có thể quản lý, giám sát và định hướng con sử dụng công nghệ một cách an toàn, hiệu quả. Bên cạnh việc giáo dục tri thức, trẻ em cần được giáo dục về đạo đức, lối sống, giá trị nhân văn trong môi trường số; cũng chính vì vậy, vai trò người mẹ sẽ là cầu nối giúp con trẻ hiểu được ranh giới giữa thực và ảo, giữa thông tin hữu ích và thông tin độc hại, từ đó hình thành kỹ năng chọn lọc, tư duy phản biện và ứng xử có trách nhiệm trong môi trường số.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, công tác giáo dục con cái trong gia đình thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số đang đứng trước nhiều thách thức về khoảng cách thế hệ và công nghệ hiện đại; nguy cơ phụ thuộc thiết bị công nghệ số và vấn đề rối loạn tâm lý của trẻ trong thời đại công nghệ số đang diễn ra đáng lo ngại. Bên cạnh đó là sự quá tải của người mẹ trong việc gánh vác vai trò trong gia đình và xã hội. Người mẹ hiện đại không chỉ chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái mà còn tham gia công tác xã hội, phát triển sự nghiệp bản thân. Để cân bằng giữa 2 vai trò đó đặt ra gánh nặng trên đôi vai người phụ nữ. Mặt khác, nếu thiếu sự cân bằng sẽ dẫn đến hạn chế về thời gian và năng lượng dành cho giáo dục con cái, đặc biệt là trong môi trường phức tạp như hiện nay.

Bà Vũ Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, những người phụ nữ, người mẹ trong gia đình cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng mới. Người mẹ cần không ngừng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và giáo dục số; cần có sự hiểu biết về công nghệ, nắm vững các công cụ, ứng dụng phổ biến mà thanh thiếu niên và con cái chúng ta đang sử dụng; có khả năng phân biệt được thông tin chính xác, tin cậy và thông tin sai lệch trên mạng.
Theo bà Quỳnh, người mẹ cần đồng hành và định hướng cho con cái trong môi trường số; Cùng con xây dựng thời gian biểu hợp lý cho việc học tập, giải trí và tương tác trực tiếp; quan tâm đến nội dung con tiếp cận, hướng dẫn con cách sử dụng internet an toàn và có trách nhiệm; khuyến khích con học tập trực tuyến hiệu quả, tạo điều kiện và hỗ trợ con tận dụng các nguồn tài liệu, khóa học trực tuyến chất lượng.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, để phát huy vai trò người mẹ trong giáo dục con cái thời chuyển đổi số, các cấp hội phụ nữ, đơn vị giáo dục, chính quyền địa phương cần mở các lớp tập huấn về kỹ năng số cơ bản (sử dụng phần mềm học tập, bảo vệ trẻ trên không gian mạng, lọc nội dung độc hại, v.v.) cho cha mẹ; Phát triển các chương trình giáo dục cộng đồng về “làm cha mẹ thời đại số”. Về phía người mẹ nên thường xuyên trao đổi với giáo viên để hiểu rõ sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của con. Tận dụng ứng dụng số để theo dõi học lực, điểm số, sự tiến bộ, đồng thời truyền cảm hứng học tập cho con bằng chính trải nghiệm thực tế. Người mẹ cũng cần chú trọng dạy con kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, xử lý xung đột, làm việc nhóm vì đây là những kỹ năng không thể thay thế bằng công nghệ.