Hội LHPN Hà Nội:
Giúp phụ nữ ứng dụng chuyển đổi số để hướng tới nông nghiệp an toàn
(PNTĐ) - Sáng ngày 22/10, tại huyện Ứng Hòa, Hội LHPN Hà Nội tổ chức chương trình truyền thông: "Vai trò của phụ nữ tham gia ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn".
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Hường, UVTV, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế - Hội LHPN Hà Nội cho biết: Chương trình nhằm góp phần nâng cao nhận thức vai trò của phụ nữ tham gia ứng dụng chuyển đối số trong sản xuất, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; vận động cộng đồng tham gia hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, để gia tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí về nhân sự, tiết kiệm vật tư...
Phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50,4% dân số, là lực lượng lao động đông đảo có mặt ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, đã và đang khắng định những đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và đời sống góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc ứng dụng chuyển đối số vào sản xuất, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức các chương trình truyền thông, tập huấn, tư vấn kết nối chuyên gia hỗ trợ phụ nữ và nữ doanh nhân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử, thực hiện quy trình số hóa dữ liệu, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh chuyển từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến để xây dựng thương hiệu. Tổ chức "Ngày Phụ nữ Thủ đô ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo", Cuộc thi "Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội" trên địa bàn thành phố Hà Nội, "Ngày phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - chuyển đổi xanh".
"Nhiều mô hình sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp an toàn đã vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho các sản phẩm nông nghiệp. Các hoạt động của các cấp Hội góp phần động viên, khích lệ phụ nữ Thủ đô tiếp tục nỗ lực vươn lên, phát huy tiêm năng, sức sáng tạo, đóng góp xây dựng và phát triển Thành phố thông minh, hiện đại", bà Nguyễn Thị Hường cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa đồng bộ, nhiều khâu vẫn áp dụng công nghệ thủ công, lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp..., thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.
Tại chương trình truyền thông, các hội viên phụ nữ được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và phát triển Hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cung cấp các kỹ năng, kiến thức chung về nền kinh tế số; phương thức xây dựng hình ảnh, quảng bá và bán hàng, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội… Các chị em hội viên, phụ nữ đã trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cũng như học tập được nhiều nội dung bổ ích, ứng dụng hiệu quả trong việc bán hàng, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số. Qua đó đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia ứng dụng chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong trong sản xuất, kinh doanh và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, bắt kịp với xu thế của thị trường, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định, nông nghiệp là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, định hướng nêu rõ: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quá trình sản xuất, kinh doanh; đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp.
Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội.