Hội LHPN Hà Nội: Tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho hội viên phụ nữ
(PNTĐ) - Chiều 17/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho hội viên phụ nữ năm 2025 với chủ đề “Quy định về an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương dự và chủ trì hội nghị.

Hội nghị tuyên truyền về kiến thức an toàn thực phẩm cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ thuộc cơ quan Hội LHPN Hà Nội; đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên trách, các báo cáo viên, tuyên truyền viên, chủ cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố thuộc Hội LHPN các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Đan Phượng.
Tại hội nghị, Thạc sĩ Hoàng Thị Minh Thu, nguyên Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, hiện là chuyên gia Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng đã tuyên truyền về quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quy định về tự công bố sản phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; các quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm… cho đại biểu tham dự.

Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Minh Thu, ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc. Ngộ độc thực phẩm có hai dạng là ngộ độc cấp tính (do ăn phải các thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay các hoá chất với lượng lớn, thường có biểu hiện như đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục, mệt mỏi khó chịu hoa mắt, đau đầu, nóng mặt…) và ngộ độc mãn tính (do ăn phải thức ăn ô nhiễm các chất hoá học liên tục trong thời gian dài, thường không có dấu hiệu rõ ràng).
Để phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm, các tổ chức cá nhân phát hiện dấu hiệu liên quan đến sự cố về an toàn thực phẩm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; điều tra, khảo sát và lưu trữ các số liệu về an toàn thực phẩm…
Các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và các hộ gia đình cần bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; lưu mẫu thực phẩm…
Thạc sĩ Hoàng Thị Minh Thu nhấn mạnh, cần đảm bảo 5 nguyên tắc an toàn thực phẩm là Giữ sạch; tách riêng thực phẩm sống và chín; nấu chín thức ăn; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; sử dụng nước và ngyên liệu an toàn…
Những kiến thức tuyên truyền tại Hội nghị đã giúp cho các cán bộ, hội viên phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên và các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh thực phẩm, phát huy vai trò giám sát của tổ chức Hội trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng trên địa bàn thành phố.