Hội LHPN quận Ba Đình: Phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn về bình đẳng giới đa chiều
(PNTĐ) - Thực hiện Chương trình công tác năm 2023, sáng ngày 24/3/2023, Hội LHPN quận Ba Đình phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Trung tâm chính trị quận Ba Đình tổ chức Hội nghị tập huấn với chuyên đề “Bình đẳng giới đa chiều trong cuộc sống thời hiện đại”
Tại buổi tập huấn, PGS-TS Nguyễn Thị Lan, giảng viên cao cấp, Phó trưởng khoa Pháp luật dân sự, trường đại học Luật Hà Nội đã cung cấp các kiến thức liên quan đến bình đắng giới, bình đẳng giới đa chiều.

Theo TS Lan, mỗi con người sinh ra đều cần được tôn trọng và được trao cơ hội phát triển như nhau, có như vậy thì họ mới có thể đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, nếu xét về đặc điểm giới, thì phụ nữ, vì thực hiện thiên chức làm mẹ (sinh con, nuôi con nhỏ…) nên sẽ mất đi tối thiểu 5 năm phấn đấu cho sự nghiệp so với nam giới. Điều này giải thích vì sao, các quốc gia luôn có các chính sách ưu tiên cho phụ nữ. Đây không phải là bất bình đẳng giới mà là sự bù đắp, để phụ nữ có cơ hội phát triển, cống hiến ngang bằng so với nam giới.
“Một trẻ gái trong gia đình nghèo, nếu được đầu tư học tập thì có thể phát triển. Nhưng, vẫn bé gái đó nếu chỉ cho ở nhà thì ít năm sau, sẽ lấy chồng sớm, sinh con và lại lặp cuộc sống đói nghèo”.


Cũng theo TS Lan, trước đây, chúng ta nói nhiều đến bình đẳng giới giữa nam và nữ, thì nay, còn là “bình đẳng giới trong giới”. Ví dụ trong giới nam, cần cả bình đẳng cho nam đồng tính, nam chuyển giới...
Tương tự, trong bình đẳng giới, đối tượng thụ hưởng không chỉ có riêng phụ nữ mà hiện nay, nam giới cũng cần được bình đẳng. TS Lan dẫn chứng: Nam giới lâu nay bị gánh định kiến phải đi làm kiếm tiền, nuôi gia đình. Ông chồng nào không đi làm kiếm tiền mà ở nhà chăm con, làm nội trợ… để vợ đi làm thì bị coi là “không đáng mặt đàn ông”. Đấy là bất bình đẳng giới với nam giới.
Tại buổi tập huấn, các hội viên phụ nữ đã cùng bàn luận về trường hợp một cặp vợ chồng mà người chồng làm giám đốc còn vợ ở nhà nội trợ. Người vợ hàng tháng lên kế hoạch chi tiêu rồi được chồng đưa tiền cho. Nếu nhìn bề ngoài, người vợ có vẻ sung sướng nhưng thực ra, chị lại đang lệ thuộc hoàn toàn vào chồng và không được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực vì không được biết trong nhà có bao nhiêu tiền.

Theo bà Đinh Thị Phương Liên, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình, trong cuộc sống hiện đại, bình đẳng giới được nhìn nhận và đánh giá ở nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn, đa chiều. Bình đẳng giới đa chiều được thể hiện trong cuộc sống và sức khỏe; giáo dục và học tập; sự tham gia, sự ảnh hưởng… bình dẳng giới về kinh tế, chính trị, về lao động việc làm. Hiện nay, bình đẳng giới được xem xét là vấn đề của cả nữ giới, nam giới và các giới khác nữa.
Chúng ta đều biết mỗi giới đều có năng lực khác nhau. Việc tạo điều kiện để mỗi giới cùng thể hiện năng lực của mình ở trong mọi lĩnh vực của cuộc sống mới chính là bình đẳng giới thực chất. Có ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 cũng có ngày Quốc tế nam giới 19/11.
Và để đạt được những tiến bộ nhất định trong lĩnh vực bình đẳng giới đa chiều, theo nhiều chuyên gia, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó phải kể tới sự tham gia có trách nhiệm của tổ chức Hội.