Hội LHPN quận Ba Đình: Tọa đàm nâng cao hiệu quả phân loại, tái chế rác thải tại nguồn

BÀI: HOÀNG LAN-ẢNH: BÙI NGỌC DƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 29/6/2022, Hội LHPN quận Ba Đình đã tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả mô hình phân loại, tái chế rác thải tại nguồn trong các cấp Hội Phụ nữ và trẻ em”. Đây là hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 18/4/2022 của UBND Quận về triển khai thí điểm công tác phân loại chất rắn sinh hoạt tại nguồn đối với các khu chung cư thương mại trên địa bàn quận cũng như đánh giá hiệu quả mô hình “Thùng rác thông minh-Người dùng thông thái”, mô hình “Nhà thu gom rác thải nhựa”.

Hội LHPN quận Ba Đình: Tọa đàm nâng cao hiệu quả phân loại, tái chế rác thải tại nguồn - ảnh 1
Bà Đinh Thị Phương Liên, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình trình bày báo cáo đề dẫn tại chương trình tọa đàm

Câu hỏi khó “phân loại rác thế nào để hiệu quả?”.

Đề dẫn tọa đàm, bà Đinh Thị Phương Liên, Quận ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình đã đưa ra những con số đáng giật mình: Ước tính mỗi người trong đời thải ra 2,14 triệu lít chất thải và 64 tấn rác. Mỗi giây có 694 chai nhựa bị vứt đi. Mỗi ngày có 100 triệu lon bằng thép và nhôm không còn được sử dụng. Ước tính đến năm 2025, cứ 3 tấn cá trên đại dương sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới có tỷ lệ xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất (Mỗi ngày Việt Nam thải ra 2.500 tấn rác thải nhựa).

“Câu chuyện phân loại rác thải tại nguồn không phải là bây giờ mới được đề cập đến mà có những lúc trở thành biết rồi, khổ lắm, nói mãi dù ai cũng phát huy mà chưa đâu vào đâu”, bà Liên chia sẻ.

Hội LHPN quận Ba Đình: Tọa đàm nâng cao hiệu quả phân loại, tái chế rác thải tại nguồn - ảnh 2
Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Từ tháng 2/2007, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án ''Thực hiện sáng kiến 3R tại Hà Nội để góp phần phát triển xã hội bền vững”. Sau gần 15 năm, nhiều mô hình đã không thể tiếp tục được triển khai đồng bộ. Nguyên nhân do phần lớn người dân chưa có ý thức phân loại rác thải tại nguồn; Cơ quan chủ quản chưa triển khai quyết liệt, chưa đồng bộ trong phân loại rác thải; Chưa có các chế tài xử lý đồng bộ đối với các gia đình không thực hiện phân lại rác; Chưa có nhà máy xử lý rác thải tiên tiến, chủ yếu là chôn lấp rác.

Theo bà Liên, Hội LHPN quận không tham vọng giải quyết vấn nạn rác thải ngay 1 sớm 1 chiều mà chỉ đặt ra việc thu gom và phân loại rác thải nhựa, số ít rác hữu cơ trong các cấp Hội và mong muốn có sự chung tay để việc thu gom, phân loại, tái chế rác được thiết thực, hiệu quả, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em ý thức bảo vệ môi trường, không lãng phí tài nguyên rác.

Phát huy vai trò của Hội Phụ nữ trong phân loại rác tại nguồn

Trong khi chờ có sự đồng bộ hóa việc thu gom, phân loại để lượng rác thải không ngày 1 ùn ứ, những năm qua, các cấp Hội phụ nữ Ba Đình đã chủ động tuyên truyền cán bộ hội viên phụ nữ đổ rác đúng giờ đúng nơi quy định, tích cực triển khai các mô hình: “Tuyến phố không rác”, “Nói không với túi nilon” tại tổ ngành hàng khô Chợ Ngọc Hà, “Tổ phụ nữ may túi bạt”, “Tổ phụ nữ gấp túi giấy” để tặng các hộ kinh doanh ngành hàng khô, mô hình “Thùng rác thông minh - Người dùng thông thái”, Chương trình “Ứng xử đẹp với môi trường”, “Nhà thu gom phế liệu”…

Hội LHPN quận Ba Đình: Tọa đàm nâng cao hiệu quả phân loại, tái chế rác thải tại nguồn - ảnh 3
Các khách  mời tham gia tọa đàm, đóng góp các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn

Đặc biệt mô hình “Thùng rác thông minh” đã được cán bộ hội viên và nhân dân nhiệt tình ủng hộ, bước đầu tạo nếp tư duy của người dân trong phân loại rác. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Phương Liên thẳng thắn nhìn nhận, mô hình hiện mới dừng lại ở phân loại rác nhựa, các loại rác tái chế bán thêm để gây nguồn kinh phí cho hoạt động nhân đạo từ thiện, 1 phần nhỏ người dân có điều kiện về không gian đã tận dụng rác tái chế thành phân hữu cơ trồng rau, cây cảnh. Việc thu gom rác thải nhựa tuy chưa mang tính tập trung để có thể quản lý được lượng lớn rác thải nhựa trong dân. Làm thế nào để con số thực hiện không chỉ dừng ở 50% số cán bộ, hội viên mà là 100% cán bộ hội viên, tiến đến 100% gia đình con em cán bộ, hộ viên, trẻ em tại các trường trên địa bàn cũng vào cuộc tích cực… chính là trăn trở của các cấp Hội phụ nữ Ba Đình.

Hội LHPN quận Ba Đình: Tọa đàm nâng cao hiệu quả phân loại, tái chế rác thải tại nguồn - ảnh 4
Một đại biểu chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, nhiều đại biểu đã đóng góp các giải pháp để góp phần cùng Hội nâng cao hoạt động hiệu quả mô hình phân loại, tái chế rác thải tại nguồn. Từ góc độ của ngành Giáo dục, bà Trần Thị Vinh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho rằng, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ là các học sinh là rất quan trọng. Trong thời gian qua, Phòng GD-ĐT quận Ba Đình đã triển khai thí điểm hoạt động phân loại rác thải tại nguồn tại 3 trường mầm mon Thành Công, tiểu học Kim Đồng và THCS Thăng Long và đều cho hiệu quả cao. Từ hiểu về sự cần thiết cũng như lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn, các em sẽ có chuyển biến trong hành động.

Thạc sỹ Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng đã khuyến nghị một số giải pháp để hạn chế rác thải ra môi trường như cần thay đổi từ thói quen sinh hoạt của cá nhân (giảm rác hữu cơ, bớt đồ nhựa); phân loại rác tại nhà, rác hữu cơ (rau, củ, quả, hoa, lá…) ủ làm phân bón, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm… Thực hiện “5T” (Từ chối (nói không rác thải nhựa, đồ dùng 1 lần); Tặng, cho - đổi đồ cũ; Thủ công: Tái chế; Tái sinh; Thu gom cho bên tái chế…) đối với các loại rác như giấy, vỏ hộp sữa, chai thủy tinh, đồ nhựa…

Hội LHPN quận Ba Đình: Tọa đàm nâng cao hiệu quả phân loại, tái chế rác thải tại nguồn - ảnh 5
Các đơn vị ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền vận động thu gom phân loại rác thải tại nguồn trong các cấp Hội Phụ nữ và trẻ em quận Ba Đình

Đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường quận Ba Đình cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn thi thực hiện phân loại rác tại nguồn, chẳng hạn như các hộ gia đình phân loại rác nhưng sau đó, đơn vị thu gom lại vẫn gom chung rác vào một xe, thiếu nhà máy tái chế rác thải… Vì vậy, ngoài giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đơn vị này cũng cho biết cần có cả sự đồng bộ về hạ tầng, đảm bảo có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu.

Tại Tọa đàm, Hội LHPN Quận, Công ty TNHH MTV MTĐT Hà Nội - Chi nhánh Ba Đình, Phòng GD-ĐT Quận và Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và cộng đồng cũng đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền vận động thu gom phân loại rác thải tại nguồn trong các cấp Hội Phụ nữ và trẻ em quận Ba Đình.

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.