Hội LHPN tỉnh Cao Bằng: Nhiều hoạt động truyền thông thiết thực, góp phần lan tỏa các mục tiêu của Dự án 8
(PNTĐ) - Tại tỉnh Cao Bằng, các hoạt động của Dự án 8 bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của những người có uy tín tại cộng đồng, trưởng thôn, bản trong thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân.
Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, là nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN tỉnh Cao Bằng.
Thời gian qua, Hội các cấp Hội Phụ nữ đã tập trung triển khai thực hiện bằng những kế hoạch cụ thể, những nội dung, hoạt động thiết thực đã được đưa về tại các cơ sở Hội, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền dự án 8
Bà Hoàng Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Cao Bằng cho biết: Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, xác định việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức về bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức 298 Hội nghị bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, tổ chức 402 Hội nghị truyền thông về định kiến giới, khuôn mẫu giới, phòng chống bạo lực gia đình cho trên 40.000 người dân tại các xóm, ra mắt được 727 tổ truyền thông cộng đồng (Đạt tỷ lệ 116,3%).
Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức 57 Hội nghị tập huấn kỹ năng vận hành Tổ truyền thông cộng đồng với sự tham gia của 3.396 đại biểu là Hội LHPN huyện, thành viên các Tổ truyền thông cộng đồng đã được thành lập trên địa bàn tỉnh. Hội còn biên tập, xây dựng, in ấn tờ rơi, standee tuyên truyền dự án 8 để làm tài liệu tuyên truyền cho cơ sở.
Một trong những hoạt động truyền thông hiệu quả được thực hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đó là, Hội tổ chức các Chiến dịch truyền thông về xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Chiến dịch truyền thông diễn ra với các nội dung: Biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm, truyền thông hỏi - đáp về Phòng, chống bạo lực gia đình; Phòng, chống mua bán người. Thông qua các hoạt động của Chiến dịch truyền thông đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng, toàn xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác Phòng, chống bạo lực gia đình và Phòng, chống mua bán người.
Nhằm tìm kiếm các mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và các thông điệp tới người dân để nhận biết định kiến giới, khuôn mẫu giới, Hội Phụ nữ còn tổ chức hội thi "Mô hình truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới"...
Đồng thời Hội đã tổ chức cuộc thi Sáng tác kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền xoá bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 đã lựa chọn được những kịch bản tiểu phẩm chất lượng, có sức lan tỏa, góp phần truyên truyền xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và phòng chống bạo lực gia đình.
Thay đổi những suy nghĩ để biến thành những hành động cụ thể
Nhằm đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế xã hội tại địa phương, Hội Phụ nữ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, hỗ trợ địa phương thực hiện Dự án 8 tại huyện Hòa An, Hà Quảng, Hạ Lang. Thông qua hoạt động, đã kịp thời nắm bắt tình hình triển khai Dự án 8 tại cơ sở cũng như kịp thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và thực hiện Dự án tại các đơn vị. Tham gia Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì đã giám sát trực tiếp tại UBND huyện Trùng Khánh, Bảo Lạc.
Cùng với đó là tổ chức các hội nghị tập huấn đối thoại chính sách cấp xã và cụm xóm thôn bản tại tỉnh cho đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên Hội LHPN các huyện, các đồng chí Chủ tịch Hội LHPN các xã trên địa bàn triển khai Dự án và tại các huyện cho đại biểu là lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Ủy viên BTV Hội LHPN các xã, thị trấn. Tổ chức được 129 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm xóm bản (Đạt tỷ lệ 42,2%). Tổ chức 12 Hội nghị tập huấn giám sát, đánh giá bình đẳng giới cho 1.492 đại biểu (Đạt tỷ lệ 28,6%).
Để tiếng nói và vai trò của trẻ em gái thực hiện bình đẳng giới, Hội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch phối hợp thực hiện Dự án 8 từ năm 2023 đến năm 2025. Các cấp Hội tích cực phối hợp với ngành Giáo dục trong chỉ đạo triển khai thành lập câu lạc bộ, hướng dẫn các CLB tổ chức các hoạt động truyền thông, sinh hoạt Câu lạc bộ. Thành lập được 104 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi (Đạt tỷ lệ 83,2%). Phối hợp tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Bình đẳng giới - Nói không với bạo lực học đường”.
Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số và miền núi cấp huyện, xã thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ xã hội, tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị, Hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lựccán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị (Đạt tỷ lệ 311,2 %)...
Bà Hoàng Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Cao Bằng cho biết: Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của những người có uy tín tại cộng đồng, trưởng thôn, bản trong thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân...
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, dân số trên 556.500 người, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số; phân bố tập trung ở vùng nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người.
Đề ra những giải pháp trong thời gian tới thực hiện dự án 8, Hội LHPN tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội chủ động xây dựng nội dung kế hoạch để thúc đẩy các hoạt động tại các mô hình như Tổ truyền thông cộng đồng; CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi…
Để các mô hình luôn có sự đổi mới sáng tạo trong hoạt động, từ đó có thể duy trì và phát triển một cách bền vững lan tỏa trong cộng đồng. Đề nghị với TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục thiết kế thêm nhiều hoạt động trong khuôn khổ Dự án, đặc biệt là hoạt động chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh với nhau, việc phân bổ chỉ tiêu dựa trên nguồn lực được phân bổ để đảm bảo tính hiệu quả.
Hiện nay, đối với thực hiện Dự án 8, ngân sách được phân bổ tới cấp huyện và cấp tỉnh. Đề xuất giai đoạn 2 của dự án, nguồn vốn được phân bổ tới cấp xã để các hoạt động đảm bảo, phù hợp với thực tế tại cơ sở...