Hội Phụ nữ tham gia bảo tồn, phát huy nghề truyền thống
(PNTĐ) - Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển làng nghề trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia bảo tồn và phát triển sản phẩm nghề truyền thống; tạo việc làm cho phụ nữ và gia đình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Nhiều hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống
Hiện nay toàn Thành phố có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề và hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố về phát triển làng nghề, vận động hội viên, phụ nữ khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, góp phần tạo dựng thương hiệu các sản phẩm của địa phương; nhiều phụ nữ làng nghề đã trở thành nữ nghệ nhân, nữ thợ giỏi cống hiến tài năng, sức sáng tạo đưa sản phẩm của làng nghề đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhằm động viên khuyến khích phụ nữ bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống, mới đây Thành hội đã phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tôn vinh 10 nữ nghệ nhân làng nghề, thợ giỏi, hiện đang trình UBND Thành phố 8 nữ nghệ nhân đề nghị tôn vinh. Hiện nay, trong số gần 350 nghệ nhân làng nghề thì có 1/13 nữ nghệ nhân nhân dân, 5/42 nữ nghệ nhân ưu tú, 50/290 nữ nghệ nhân Hà Nội.
Phú Xuyên là huyện ngoại thành, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, địa bàn huyện có Quốc lộ 1A, đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam chạy qua, sông Hồng chảy qua địa bàn 6 xã miền Đông của huyện. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển, giao lưu với các địa phương trong cả nước. Phú Xuyên cũng là huyện có nhiều mô hình kinh tế với cơ cấu ngành đa dạng, trong đó là các hoạt động bảo tồn và phát huy nền kinh tế làng nghề với 154/154 thôn, làng của huyện có nghề truyền thống, trong đó có 42 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống cấp thành phố.
Theo bà Vũ Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên, thực hiện Đề án 01 của Chính phủ về “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, phát huy những tiềm năng, lợi thế của huyện, tranh thủ sự chỉ đạo của Hội cấp trên, của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, các cấp Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên đã triển khai thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, phát triển nghề truyền thống.
Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN huyện Phú Xuyên đã, kết nối, hỗ trợ thành lập được 13 mô hình kinh tế tập thể, với 216 thành viên tham gia.
Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội
Tuy nhiên, đánh giá chung của Hội LHPN Hà Nội cho thấy, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc tham gia bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của tổ chức Hội và phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đó là: Vai trò của phụ nữ và các cấp Hội còn chưa phát huy hết tiềm năng; nhận thức hội viên, phụ nữ còn hạn chế nên tại các nơi có nghề truyền thống hầu như rất ít phụ nữ trẻ theo nghề, bám nghề mà chủ yếu là phụ nữ trung niên và cao tuổi. Sản phẩm hàng hóa do phụ nữ các làng nghề sản xuất ra phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa chưa được bảo hộ, chất lượng sản phẩm chưa cao, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa bắt kịp được với xu thế phát triển thị trường, nhu cầu của khách hàng…
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, để phát huy giá trị sản phẩm làng nghề, chị em, trong đó có chị em là hội viên phụ nữ ở các làng nghề cần được trau dồi kiến thức, thay đổi nhận thức và có được tư duy tốt để định hướng cho sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời cần quyết tâm để xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, bà mong tổ chức Hội sẽ hỗ trợ chị em nâng cao kiến thức về kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Bà Vũ Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên cho biết, Hội LHPN huyện Phú Xuyên luôn xác định và quán triệt sâu rộng trong hệ thống Hội và đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ: hoạt hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, phát triển làng nghề truyền trống là một trong các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, cần được triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, thực chất; nâng tầm hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội không đơn thuần là phát triển kinh tế nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, mà hướng tới gắn kết các hộ sản xuất kinh doanh, có tư cách pháp nhân; cùng tham gia liên kết sản xuất, khắc phục những hạn chế của sản xuất kinh doanh cá thể; cùng tham gia các chuỗi giá trị, nâng tầm sản phẩm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX do phụ nữ tham gia quản lý, phát triển nghề truyền thống, Hội LHPN huyện sẽ quan tâm đến 3 vấn đề trọng tâm đó là: Thứ nhất là chú trọng rà soát, lựa chọn đúng, trúng mô hình, tháo gỡ khó khăn ngay từ ban đầu; thứ hai là hỗ trợ, triển khai tổ chức thành lập, ra mắt mô hình đảm bảo các quy định của pháp luật; thứ ba là có các biện pháp cụ thể, thiết thực để hỗ trợ, tổ chức hoạt động hiệu quả các mô hình, đảm bảo sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập thỏa đáng cho người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, để tiếp tục nâng cao vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội cơ sở nâng cao công tác tuyên truyền để phụ nữ làng nghề thêm tự hào, yêu nghề và bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm làng nghề của mình. Các cấp Hội Phụ nữ cần quan tâm đồng hành, hỗ trợ các giải pháp để phụ nữ làng nghề làm tốt hơn vai trò của mình, như: kết nối, hỗ trợ thiết kế sản phẩm có ứng dụng cao; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm; xây dựng thứ hút nguồn lực lao động; truyền nghề cho thế hệ sau...