Hội Phụ nữ tham gia thực hiện bình đẳng giới
(PNTĐ) - Sau 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025. Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong tham gia triển khai Chiến lược, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
13/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra
Ngày 3/3/2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Đây là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới lần thứ 2 (sau Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020) thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết của quốc gia thành viên đối với các công ước và luật pháp quốc tế về bình đẳng giới, đồng thời là một công cụ quan trọng để Việt Nam thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, đảm bảo sự tiến bộ, công bằng, văn minh, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực: chính trị; kinh tế; lao động; trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo; thông tin, truyền thông.
Bên cạnh các chỉ tiêu kế thừa, duy trì từ giai đoạn 2011-2020, Chiến lược giai đoạn 2021-2030 còn đề ra các chỉ tiêu mới như: giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới; nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân,... nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, bền vững và toàn diện hơn.
Sau 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới Giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng: 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 và tiếp tục duy trì, thực hiện tốt hơn.
Thành tựu đáng kể này đã góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực, như: Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao…, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ThS. Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Bộ Nội vụ cho biết: Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược có những tiến triển rõ rệt, có căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025.
Nhìn chung khoảng cách giới trong các lĩnh vực tiếp tục được thu hẹp, Việt Nam giữ vị trí 72/146 quốc gia (tăng 11 bậc so với năm 2022), đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, góp phần gia tăng cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới toàn cầu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đề xuất nhiều giải pháp phù hợp
Vừa qua, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2025: Thực trạng và hàm ý chính sách". Đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời đánh giá vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội LHPN Việt Nam đối với các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới làm cơ sở kiến nghị, đề xuất giải pháp và điều chỉnh phù hợp nhằm thực hiện tốt trách nhiệm của Hội tại chiến lược, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của chiến lược đồng thời tích cực thúc đẩy bình đẳng giới.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong tham gia triển khai chiến lược, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của xã hội về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới; tích cực tham mưu đề xuất và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tham gia giám sát việc thực thi pháp luật và thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; thúc đẩy lồng ghép giới trong văn bản quy pháp pháp luật, góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới…
Theo GS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, việc rà soát kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP CP của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, cụ thể là đối với Mục tiêu số 3 về đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính sách và thực tiễn.
Đối với Mục tiêu số 3 về đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã đề ra các chỉ tiêu nhỏ trong đó với Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Nhưng thực tế, theo số liệu khảo sát năm 2024, phụ nữ đang làm việc nhà và chăm sóc gia đình nhiều hơn nam giới 2,15 lần (trung bình phụ nữ: 3,67 giờ/ngày; nam giới: 1,7 giờ/ngày).
So với mục tiêu 1,7 lần vào năm 2025, chỉ tiêu này hiện chưa đạt được. Mức độ bất bình đẳng này đặc biệt cao ở các nhóm phụ nữ sống ở nông thôn, có mức sống nghèo, làm việc trong khu vực FDI và có con nhỏ. Ngay cả ở nhóm nữ trẻ, thành thị và có học vấn cao, gánh nặng việc nhà vẫn tồn tại.

Còn đối với chỉ tiêu 2 về việc đến năm 2025 có 80% và đến 2030 có 90% người bị bạo lực được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản, trên thực tế qua khảo sát cho thấy tỷ lệ tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực còn thấp, đặc biệt là các dịch vụ công như công an, y tế, tư vấn pháp lý, nhà tạm lánh, trong khi người dân vẫn chủ yếu dựa vào gia đình và bạn bè.
Bên cạnh đó, rào cản văn hóa và tâm lý như sự xấu hổ, cam chịu, thiếu tin tưởng vào dịch vụ công vẫn là những nguyên nhân cốt lõi khiến nạn nhân không lên tiếng.
GS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam nêu khuyến nghị bổ sung chỉ tiêu về sự tham gia của nam giới vào công việc chăm sóc không công. Đề xuất đến năm 2025, ít nhất 50% và đến năm 2030, 70% nam giới 18–60 tuổi thực hiện thường xuyên ít nhất một công việc chăm sóc không công trong hộ gia đình (như: Nấu ăn, chăm sóc con nhỏ, chăm sóc người ốm...).
Bổ sung chỉ tiêu về phòng ngừa và giáo dục hành vi bạo lực giới trong trường học và truyền thông đại chúng. Đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT tích hợp giáo dục bình đẳng giới, kỹ năng ứng phó và phòng ngừa bạo lực giới vào chương trình ngoại khóa định kỳ. Bên cạnh đó, để giúp nạn nhận bị bạo lực tiếp cận được với các dịch vụ hỗ trợ thì cần đa dạng hóa hình thức tiếp nhận nhất là thông qua công nghệ.
Để thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030, ThS. Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Bộ Nội vụ đề xuất một số giải pháp trọng tâm, đó là sớm thống nhất bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới; tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát Luật Bình đẳng giới; kịp thời nhận diện các vấn đề giới mới, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu của Chiến lược và đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu mình đẳng đẳng giới; tiếp tục phát huy vai trò, nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương, đặc biệt là thực hiện tốt vai trò Thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025-2027 nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với quốc tế…