Hội LHPN Việt Nam:
Khen thưởng 10 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng cán bộ Hội
(PNTĐ) - Ngày 22/9, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 -2025. Dự và chủ trì hội nghị có Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh.
Sau 5 năm triển khai, Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 -2025 đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác phụ nữ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ theo các nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng.
Kết quả nổi bật của Đề án đã thực hiện:
(1) Xây dựng khung chương trình, tài liệu bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, kịp thời cập nhật những nội dung mới;
(2) Kho dữ liệu bài giảng động phục vụ đào tạo trực tiếp kết hợp với trực tuyến (Elearning);
(3) Đa dạng hình thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo điều kiện cho cán bộ Hội vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, vừa có thể tham gia các khóa bồi dưỡng.
Từ năm 2019 đến nay, đã có 10 chương trình bồi dưỡng, bao gồm chương trình bồi dưỡng cập nhật cho cán bộ Hội LHPN cấp huyện, xã, bồi dưỡng kiến thức giới và kỹ năng lãnh đạo quản lý cho cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh, huyện; bồi dưỡng giảng viên nguồn cấp tỉnh, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, tài chính vi mô… Từ năm 2020, Học viện đã bổ sung, chỉnh sửa, nâng cấp 19 bài giảng động đưa tổng số bài giảng trong kho lên hơn 80 chuyên đề để phục vụ cho các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, bồi dưỡng kiến thức giới và kỹ năng lãnh đạo quản lý.
(4) Tổ chức được gần 1.000 lớp tập huấn cho hơn 65.000 cán bộ chuyên trách Hội LHPN các cấp, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó từ nguồn kinh phí của Đề án và huy động nguồn kinh phí của địa phương với tổng số tiền trên 81 tỷ.
(5) Một số tỉnh đã đề xuất được cơ chế, khai thác được nguồn lực của địa phương, điển hình như Thanh Hóa (khai thác trên 3.7 tỷ), TP. Hồ Chí Minh (khai thác trên 2.5 tỷ), Vĩnh Phúc (khai thác trên 1.3 tỷ)...
(6) Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá việc bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, trở thành nề nếp ở các cấp Hội, những phát hiện từ việc kiểm tra giám sát đã giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch có những định hướng, chỉ đạo sát với thực tiễn, giúp các cấp Hội thực hiện Đề án hiệu quả hơn.

Tính đến hết năm 2021, đã có 98% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 97% cán bộ, công chức cấp huyện, 99% Chủ tịch Hội cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh, trong đó bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội là một tiêu chuẩn bắt buộc; 100% Chi hội trưởng phụ nữ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội.
So với chỉ tiêu của Đề án đặt ra đến năm 2020 là 70% cán bộ công chức cấp Trung ương, tỉnh, huyện, cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội, 70% Chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội thì kết quả đạt được đã vượt chỉ tiêu.
Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những hạn chế, những vấn đề đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm, khắc phục trong thời gian tới.
Trước hết, về chỉ tiêu, tối thiểu 30% người được quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội LHPN cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội; các chỉ tiêu về bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác xã hội, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo vị trí, việc làm, lĩnh vực công tác tác đối với cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp… mặc dù đã đạt và vượt nhưng chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi các cấp Hội. Trong bối cảnh cán bộ Hội các cấp luôn có sự biến động, đội ngũ chi hội trưởng thường xuyên thay đổi và xin nghỉ việc như hiện nay thì đây là vấn đề cần các cấp Hội suy nghĩ, tìm giải pháp.
Nghị định số 33/2023/NĐ – CP của Chính phủ ngày 10/6/2023 mới ban hành điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn chức danh và chế độ, chính sách, trong đó có cả chính sách đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến trực tiếp đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã/phường/thị trấn và Chi hội trưởng phụ nữ đòi hỏi các cấp Hội phải nỗ lực, chủ động rất nhiều.
Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn chức danh chưa kịp thời. Cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở thay đổi nhiều sau Đại hội chưa được đào tạo bồi dưỡng theo chuẩn chức danh, đặc biệt là nghiệp vụ công tác Hội...
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức, trong việc việc thực hiện Đề án; đồng thời nêu những kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay của các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực sự hiệu quả, có tính đột phá để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 mà Đề án đã đề ra

Nhân dịp này, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã trao bằng khen cho 10 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 – 2023.