Kỳ 1: Chung sức đẩy lùi nghèo khó, nâng cao mức sống

Chia sẻ

Với cách làm bài bản cùng những giải pháp thiết thực, hiệu quả, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội khóa XVI về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”. Những kết quả của các cấp Hội đạt được đã góp phần vào thành tích chung đầy ấn tượng của TP trong công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chú trọng giúp đỡ hội viên giảm nghèo, nâng cao mức sống, làm giàu chính đáng, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiều giải pháp hay, phù hợp với nhu cầu của hội viên, giúp nhiều hội viên có đời sống khấm khá, giảm nghèo bền vững, thực chất, hiệu quả.

Những nguồn lực “tiếp sức” hội viên nghèo

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoan - hội viên thôn Vực đã từng là một trong những hộ nghèo của xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Cả cuộc đời gắn bó đồng đất, canh tác theo phương thức truyền thống, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của gia đình chị cứ quẩn quanh trong đói nghèo, nhất là khi huyện ngoại thành Hoài Đức đô thị hoá nhanh, đất canh tác ngày càng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp vốn đã nhiều rủi ro lại càng trở nên khó khăn hơn.

Thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, hàng năm, Hội LHPN xã Di Trạch đã rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để đăng ký, giúp đỡ hỗ trợ thoát nghèo, trong đó có gia đình chị Hoan. Chị Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Hội LHPN xã Di Trạch chia sẻ: Sau khi khảo sát, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và khả năng, Hội sẽ có giải pháp phù hợp. Thời điểm này ở Di Trạch, trước thực trạng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều, bà con chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang trồng các loại cây ăn quả như ổi lê, táo, đu đủ… để nâng cao hệ số sử dụng đất, cho giá trị kinh tế cao, trong đó, ổi lê là cây trồng chủ lực.

Hội viên phụ nữ xã Di Trạch, huyện Hoài Đức chăm sóc ổi lê - cây ăn quả góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống.Hội viên phụ nữ xã Di Trạch, huyện Hoài Đức chăm sóc ổi lê - cây ăn quả góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống. (Ảnh: HPN)

Với gia đình chị Hoan, nhằm phát huy kinh nghiệm nhà nông, tận dụng lợi thế nông nghiệp của địa phương, Hội LHPN xã đã tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tập huấn kiến thức trồng cây ăn quả để chị trồng khoảng 40 cây ổi lê trên 2 sào đất ruộng của gia đình. Cây ổi lê dễ trồng, ít sâu bệnh, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon, vụ thu hoạch kéo dài (từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch) nên trồng đến đâu, chị Hoan tiêu thụ hết đến đó. Với sự chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó, đặc biệt là khát khao chiến thắng đói nghèo, chỉ sau ít năm, gia đình chị Hoan đã hoàn trả vốn vay, có tích luỹ đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng hành cùng quá trình vượt khó vươn lên, Hội LHPN xã tiếp tục hỗ trợ vốn để gia đình chị có thêm kinh phí thuê đất ruộng, đầu tư cây giống nâng diện tích trồng cây ăn quả lên 5 sào với 100 gốc, cho thu nhập ổn định. “Từ đầu nhiệm kỳ, trên địa bàn xã có 2 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, cuộc sống rất khó khăn do không có công ăn việc làm. Với nhiều biện pháp hỗ trợ căn cơ, có chiều sâu, phù hợp từng đối tượng: Người thì hỗ trợ vốn vay trồng cây ăn quả; Người được đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp; Người được tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề dịch vụ… đến hết năm 2018, Hội LHPN xã đã góp phần không nhỏ cùng chính quyền địa phương giúp các hộ trên thoát nghèo, góp phần đưa Di Trạch trở thành địa phương không còn hộ nghèo, cận nghèo” - chị Nguyễn Thị Thu thông tin thêm.

Phát huy hiệu quả lợi thế của làng nghề gốm sứ truyền thống, Hội LHPN xã Kim Lan, huyện Gia Lâm mỗi năm đã giúp từ 5-7 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo, nâng cao mức sống cho các gia đình khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 400 cơ sở sản xuất gốm sứ với nhu cầu tuyển dụng lớn; Đặc biệt tại các xưởng có nhiều công việc phù hợp với chị em từ 30 - 55 tuổi, lao động khuyết tật… Từ các nguồn vốn quản lý, mỗi năm Hội LHPN xã đã tổ chức 1-2 lớp đào tạo ngắn hạn nghề gốm sứ miễn phí cho hội viên và con em thuộc đối tượng cần giúp đỡ thoát nghèo. Giảng viên được Hội LHPN xã mời đứng lớp là các nghệ nhân trong làng, truyền thụ kiến thức, kỹ năng theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Vì vậy, chỉ sau 3 tháng, các học viên đã có thể tìm kiếm việc làm tại các xưởng trong làng nghề với thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng; Nhân công ở khâu vẽ mẫu có thể nhận được mức lương từ 10-12 triệu đồng/tháng. “Năm 2018, trên địa bàn xã không còn hộ nghèo, chỉ còn một số hộ cận nghèo đặc thù không có khả năng thoát nghèo. Với nguồn vốn tín chấp ngân hàng Chính sách xã hội là 11 tỷ cùng với vốn tiết kiệm trong hội viên là 140 triệu đồng, Hội LHPN xã đã và đang giúp nhiều chị em trước đây có hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm chủ tay nghề, kỹ thuật để có thu nhập cao hơn hoặc khởi nghiệp, thành lập xưởng sản xuất riêng” - chị Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay.

Lãnh đạo ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN TP Hà Nội) phát vốn tín chấp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tếLãnh đạo ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN TP Hà Nội) phát vốn tín chấp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Dấu ấn quan trọng hỗ trợ phụ nữ vượt khó

Bà Nguyễn Thị Hường - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN TP Hà Nội) cho biết: Hiện nay, các cấp Hội đã tăng cường phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tín chấp giúp hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Đến cuối nhiệm kỳ, tổng dư nợ các nguồn vốn do tổ chức Hội quản lý đạt hơn 6.985 tỷ đồng cho 162.404 lượt hộ phụ nữ vay (tăng hơn 4.048 tỷ đồng, tương đương 138% so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó, nguồn vốn tín chấp của ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hội viên từ các chương trình cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiện các cấp Hội đang quản lý trên 5.565 tỷ đồng, chiếm 54% trong các đoàn thể thành phố và là đơn vị quản lý nguồn vốn vay tín chấp lớn nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Với nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hay, nguồn vốn lớn này đã được các cấp Hội đưa đến hơn 134.000 lượt phụ nữ vay một cách công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng duy trì tốt hoạt động tiết kiệm tại chi/tổ phụ nữ với sự đóng góp của các hội viên ở mức 100.000 đồng/hội viên/năm nhằm tạo thói quen và nhu cầu tiết kiệm của cán bộ, hội viên, tạo nguồn vốn lên đến hơn 361 tỷ đồng cho 55.168 lượt hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí có nơi không lấy lãi.

Chú trọng giảm nghèo bền vững, không chỉ tạo điều kiện để hội viên khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, các cấp Hội còn thực hiện đồng bộ và bài bản các giải pháp hỗ trợ như vận động hội viên hỗ trợ nhau cây, con giống, thức ăn chăn nuôi; Mở lớp đào tạo nghề; Liên hệ, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; Chuyển giao khoa học kỹ thuật, phân công hội viên nòng cốt hỗ trợ phát triển sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định…

Với những giải pháp căn cơ có tính chiều sâu, đến cuối nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp Hội đã giúp 24.748 hộ nghèo phát triển kinh tế; Trong đó có 10.070 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, giúp 7.520 hộ ra khỏi diện cận nghèo, 7.158 hộ có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống. Kết quả này đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội từ 3,64% năm 2016 xuống còn 0,21% năm 2021. Đến nay, Thủ đô không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đã có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.

(Còn nữa)

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho lãnh đạo, cán bộ Hội các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc; các đồng chí là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội LHPN Hà Nội.
Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.