Kỳ 3: Đột phá trong thu hút, tập hợp phụ nữ

Chia sẻ

Thẳng thắn nhận diện tồn tại để khắc phục, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, nhân rộng các mô hình tập hợp thu hút phụ nữ… là những giải pháp được các cấp Hội LHPN Hà Nội thực hiện hiệu quả trong công tác tập hợp, thu hút phụ nữ, góp phần khẳng định sự lớn mạnh của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị.

CLB Phụ nữ nhập cư tại phường Phúc Xá, Ba Đình được thành lập để thu hút phụ nữ nhập cư tham gia tổ chức Hội. Ảnh: Thanh ThanhCLB Phụ nữ nhập cư tại phường Phúc Xá, Ba Đình được thành lập để thu hút phụ nữ nhập cư tham gia tổ chức Hội. Ảnh: Thanh Thanh

Thẳng thắn nhận diện tồn tại để khắc phục

Tháng 3/2018, Hội LHPN xã Liên Châu, huyện Thanh Oai tiến hành rà soát hội viên đang quản lý, thu thập thông tin của từng hội viên. Kết quả bất ngờ, số hội viên trước khi khảo sát là 1.508 hội viên/2.561 tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Sau khi khảo sát, hội viên giảm chỉ còn 1.183 người. Trước sự việc này, Hội LHPN xã đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhận khuyết điểm quản lý hội viên còn lỏng lẻo, chưa cập nhật số lượng hội viên tăng, giảm dẫn đến số liệu hội viên trên thực tế và báo cáo không thống nhất. Chi hội thôn Châu Mai có tỷ lệ thu hút hội viên hàng năm thấp, xong vẫn báo cáo đạt và vượt chỉ tiêu phát triển hội viên dẫn đến hội viên ảo.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Hội LHPN huyện Thanh Oai và Đảng ủy xã Liên Châu, Hội LHPN xã đã đề ra giải pháp khắc phục. Tại Liên Châu, khoảng 30% chị em phụ nữ làm nông nghiệp, một số kinh doanh tại các chợ, đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất giấy… Để thu hút hội viên, Hội cần có các mô hình, CLB, hoạt động phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Từ đó, Hội đã thay đổi hoạt động sinh hoạt tại Chi hội, tập trung thu hút hội viên theo ngành nghề, lứa tuổi... Kết quả, Hội đã ra mắt được 1 CLB Nữ tiểu thương tại Chi hội thôn Châu Mai, 1 CLB Bóng chuyền hơi tại Chi hội thôn Từ Châu, 1 mô hình Đổi rác thải lấy cây xanh và các sản phẩm hữu ích… Tỷ lệ thu hút hội viên theo đó được nâng lên rõ rệt.

Sự việc của Hội LHPN xã Liên Châu cho thấy tồn tại có thể có trong công tác tập hợp, thu hút phụ nữ. Tuy nhiên, tồn tại sẽ được tháo gỡ nếu Hội LHPN tích cực vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục.

Hội LHPN huyện Sóc Sơn cũng là đơn vị quyết tâm xóa sổ tình trạng hội viên ảo. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn nhớ lại, thời điểm cuối năm 2016, sau khi tổng kiểm tra, số lượng hội viên phụ nữ trên thực tế giảm 9.700 người so với báo cáo. “Năm đó, chúng tôi chấp nhận không nhận mọi danh hiệu, khen thưởng để xác nhận lại số hội viên thực vì mục tiêu hoạt động Hội phải thực chất”. Sự thẳng thắn dám nhận sai và sửa sai của Hội LHPN huyện Sóc Sơn đã được Huyện ủy đánh giá cao. Bằng các biện pháp như đổi mới nội dung sinh hoạt, đẩy mạnh chăm lo nâng cao đời sống hội viên, phát triển nhiều mô hình thu hút phụ nữ, 5 năm qua, Hội đã phát triển được 3.125 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn Huyện lên gần 40.000 người; 26/26 xã, thị trấn đạt tỷ lệ thu hút hội viên trên 50%. Tỷ lệ thu hút phụ nữ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội đạt 75%. Đáng nói, từ xuất phát điểm thấp năm 2016, liên tiếp các năm từ 2017-2020, Huyện Hội đều được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Thành Hội vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.

Tương tự, Đồng Thái là xã đông dân nằm cách trung tâm huyện Ba Vì 6km. Thực tế địa bàn có dân số đông nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức Hội còn thấp (khoảng 46%) đã khiến với Hội LHPN xã Đồng Thái rất trăn trở. Quyết tâm không để tồn tại kéo dài, Hội Phụ nữ xã đã phân công các đồng chí trong BCH phụ trách các Chi hội trực tiếp nắm bắt đặc thù, mô hình hoạt động của mỗi thôn để có hình thức vận động, thu hút phụ nữ phù hợp. Các cán bộ Chi hội chia nhau đến từng hộ gia đình tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em. Hội cũng tập trung rà soát nhóm phụ nữ nghèo, cận nghèo… để có biện pháp giúp đỡ. Thấy được lợi ích thiết thực, nhiều chị em phụ nữ đã đăng ký tham gia sinh hoạt Hội. Đến nay, Hội LHPN xã Đồng Thái đã có hơn 1.300 hội viên, tỷ lệ thu hút hội viên đạt trên 50%.

Làm tốt công tác tập hợp phụ nữ, xây dựng Hội vững mạnh

Theo đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, xác định làm tốt công tác tập hợp thu hút phụ nữ sẽ góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thời gian qua, Thành Hội đã tập trung chỉ đạo Hội LHPN các quận, huyện thường xuyên khảo sát nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ từ 18 tuổi trở lên ở địa phương chưa tham gia tổ chức Hội. Đối với những đơn vị có tỷ lệ thu hút dưới 50%, Thành Hội đã ban hành Hướng dẫn về một số giải pháp và quy trình hỗ trợ thu hút, tập hợp phụ nữ; Chỉ đạo các đơn vị khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, xây dựng các mô hình tập hợp, thu hút theo lứa tuổi, tôn giáo, ngành nghề, chuyên đề…

Với sự chỉ đạo quyết liệt và nghiêm túc trong thực hiện, nhiệm kỳ qua, công tác tập hợp thu hút hội viên trên Thành phố đã có bước tiến rõ rệt. Các Chi, tổ, CLB Phụ nữ cao tuổi tại các quận huyện Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai… đã thu hút hiệu quả hội viên phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Mô hình Tổ, CLB Phụ nữ trẻ, CLB Nữ Thanh niên tại huyện Gia Lâm, quận Long Biên phát huy vai trò thu hút nữ thanh niên từ dưới 35 tuổi. CLB Giúp việc gia đình tại quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân… tập hợp các chị em phụ nữ làm nghề giúp việc gia đình. CLB Nữ lao động nhập cư quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình dành cho chị em lao động nhập cư làm nghề thu gom phế liệu, bán hàng rong... Tại quận Hà Đông, Cầu Giấy, Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân… CLB Phụ nữ với pháp luật, CLB Gia đình văn minh hạnh phúc, CLB Nghĩa tình (B93), CLB Mẹ chồng nàng dâu, CLB Không sinh con thứ 3… cũng thu hút hàng chục ngàn lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Ngoài ra, Hội còn có các mô hình theo ngành nghề, lĩnh vực như CLB Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, CLB phụ nữ khuyết tật…

Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã phát triển được 67.692 hội viên, đưa tổng số hội viên do Hội quản lý lên gần 900.000 người. Đáng chú ý, vào thời điểm tháng 5/2019, toàn Thành phố vẫn còn 66 cơ sở thuộc 8 huyện có tỷ lệ thu hút hội viên trung bình đạt dưới 50% thì đến nay đã không còn cơ sở nào thu hút dưới 50%.

Những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới

Nhiệm kỳ 2017-2022, Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn khâu đột phá thứ 2, trong đó có nội dung về đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; Phát huy quyền làm chủ của hội viên. Để thực hiện khâu đột phá này, Trung ương Hội đã ban hành riêng một Chương trình số 05/CTr-BCH của Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam về “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Hội cơ sở; Đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; Phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ”. Trước đó, Trung ương Hội cũng đã có Chỉ thị số 01/CT-ĐCT ngày 12/10/2015 về “Tăng cường tập hợp và quản lý hội viên trong tình hình hiện nay”. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội, rộng hơn là để đoàn kết, tập hợp, quy tụ lực lượng phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Với vị thế là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thu hút nhiều lao động ở các tỉnh, thành. Sự di biến động của hội viên phụ nữ sẽ ảnh hưởng tới công tác tập hợp, thu hút phụ nữ. Số lượng phụ nữ của thành phố đông lại đa dạng về thành phần, nhiều ngành nghề, độ tuổi, trình độ, nhu cầu… đòi hỏi tổ chức Hội phải tiếp tục đổi mới trong công tác tập hợp, thu hút hội viên.

Theo đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, 5 năm tới là thời điểm quan trọng đối với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội. Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tập trung thực hiện Chiến lược phát triển tổ chức Hội đến năm 2030 với phương châm “lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu hoạt động, lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội”.

Kinh nghiệm thời gian qua đã chỉ ra hoạt động của tổ chức Hội phải xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ; Khơi dậy và phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam thành sức mạnh nội lực chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân, của gia đình và thực hiện trách nhiệm với xã hội

Để tiếp tục thu hút phụ nữ, Hội cần đẩy mạnh nhiều hình thức, chú trọng tổ chức hoạt động, sinh hoạt Hội phù hợp. Không chỉ tổ chức hoạt động theo địa bàn hành chính mà phải tăng cường phối hợp với các đoàn thể, tổ chức như Liên đoàn Lao động các cấp, Hội Nữ trí thức Thành phố, Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, Hội nữ doanh nhân vừa và nhỏ Hà Nội… để đưa Hội gần hơn với các đối tượng phụ nữ. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động Hội ở cơ sở; Tập trung chỉ đạo củng cố cơ sở Hội yếu kém. Việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ sẽ kịp thời khắc phục hạn chế trong công tác tập hợp, thu hút phụ nữ.
                                                                                                        (Còn nữa)

Hoàng Lan - Thanh Thanh

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho lãnh đạo, cán bộ Hội các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc; các đồng chí là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội LHPN Hà Nội.
Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.