Phụ nữ Thủ đô chung tay làm tốt công tác an sinh xã hội
Kỳ 3: Xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em
(PNTĐ) -Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều mô hình, phần việc thiết thực gắn công tác an sinh, phúc lợi xã hội với xây dựng nông thôn mới. Qua đó xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Thêm nhiều sân chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng an toàn, sạch đẹp
Thời gian qua, những góc phố, sân chơi cộng đồng, vườn hoa tại các quận, huyện… đã được chị em hội viên phụ nữ không quản ngại mưa, nắng hay ngày đêm để “xanh hóa”, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tại quận Hoàn Kiếm khi dự án “Vườn rừng cộng đồng” được triển khai tại khu vực bờ vở sông Hồng, phường Chương Dương, Hội Phụ nữ phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tích cực vào cuộc cải tạo khu đất bị ô nhiễm rác thải thành khu sinh hoạt cộng đồng xanh, an toàn.
Chị Phạm Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Chương Dương cho biết: Khi tham gia vào dự án, chị em cán bộ, hội viên phụ nữ đã chung sức để thu gom hàng trăm tấn rác thải sau đó tham gia hoạt động trồng cây xanh... Khu vườn rừng rộng khoảng 1.500m2 không chỉ tạo không gian sống xanh đẹp mắt mà còn có nguồn rau xanh, hoa, cây xanh, cây thuốc Nam quý cung cấp cho cộng đồng và cho chính chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn. Hiện đã có nhiều đoàn học sinh trên địa bàn quận tìm đến khu vườn rừng tại đây để tham gia sinh hoạt ngoại khóa, học kỹ năng sống.
Xã Bình Yên, huyện Thạch Thất là 1 trong 5 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Chị Trịnh Như Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, 2 năm qua, Hội Phụ nữ đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt 8 tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thành lập các tuyến đường nở hoa xanh, sạch, đẹp… Đặc biệt để trẻ em có thêm sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe, Hội Phụ nữ còn xây dựng mô hình “Sân chơi an toàn cho trẻ em” được Hội triển khai tại các thôn với các đồ chơi làm từ nguồn nhựa tái chế, các chất thải rắn an toàn như: Lốp ôtô, xe máy, chai lọ nhựa tái chế… Qua 3 năm đi vào hoạt động, các sân chơi đã thu hút 100% trẻ trên địa bàn, tạo khu vui chơi an toàn, lành mạnh cho các em, được nhân dân đồng tình và ủng hộ.
Khi đi vào hoạt động, chung cư A14A2, tổ dân phố 35, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy chưa có sân chơi cho trẻ em, trong khi tại đây, số trẻ em và người cao tuổi khá nhiều. Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố 35 Trần Thị Vân vốn là cán bộ Hội LHPN quận Cầu Giấy đã nghỉ hưu, quen nếp làm công tác Hội nên đau đáu mong mỏi xây dựng một sân chơi an toàn cho trẻ em và người cao tuổi. Từ đó, ý tưởng được Hội LHPN quận Cầu Giấy “biến” thành hiện thực, nhằm hưởng ứng chủ đề năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em. Với nhiều hạng mục như cầu trượt, bập bênh, xích đu, đu quay... công trình đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi cho các em thiếu nhi mà còn góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết và nếp sống văn minh ở khu dân cư. Công trình đã thêm một lần nữa lan tỏa uy tín của tổ chức Hội Phụ nữ đến cộng đồng.
Tại huyện Đan Phượng, việc thành lập mô hình “Thôn văn hóa kiểu mẫu” nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đồng thời tạo ra không gian xanh, sạch, đẹp cũng là mục tiêu mà huyện hướng tới. Trong tháng 8/2023, Hội Phụ nữ xã Song Phượng, huyện Hoài Đức đã rà soát, khảo sát thực trạng, thống nhất về các tiêu chí thực hiện mô hình này. Bằng việc xã hội hoá, Hội đã có được 10 thùng chứa rác thông minh, 20 nhà pin, 250 sản phẩm rác thải nhựa thành giỏ hoa treo tường và 20 chậu hoa mẫu đơn với tổng trị giá 55 triệu đồng. Hội Phụ nữ tổ chức gắn biển mô hình “Thôn văn hoá kiểu mẫu” tại nhà văn hoá địa phương, điểm vui chơi công cộng để hội viên phụ nữ và nhân dân cùng biết và thực hiện tốt 10 nội dung nên làm và 15 nội dung không nên làm, theo quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Hòa chung với sự phát triển của Thủ đô, phụ nữ các xã miền núi của Thủ đô cũng “ghé vai gánh vác” giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, tham gia xây dựng nông thôn mới miền núi ngày càng văn minh. Từ những mô hình, CLB của tổ chức Hội, đời sống văn hóa, tinh thần của chị em ngày một được nâng cao, góp phần xây đắp nên những miền quê đáng sống.
Xã Ba Trại là một trong số 7 xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì. Xác định rõ một trong những “điểm yếu” trong công tác bình đẳng giới như: Bạo lực gia đình, sinh con thứ 3 trở lên, tảo hôn, xâm hại trẻ em… vẫn còn xảy ra trên địa bàn xã, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN xã đã tích cực đưa vào hoạt động nhiều mô hình, CLB thiết thực. Theo chị Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã, Hội tiếp tục duy trì được nhóm tuyên truyền phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội; câu lạc bộ “Mẹ và con gái”, nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật từ gia đình, tổ chức các buổi phổ biến về về luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội lồng ghép các kỳ sinh hoạt hội viên tại 10 chi hội, 25 tổ phụ nữ cho hơn 800 hội viên, phụ nữ tham gia...
Mới đây, Hội LHPN xã Ba Trại còn được Hội LHPN TP Hà Nội chọn làm điểm triển khai mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề bức thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, mô hình được thành lập tại thôn 8, xã Ba Trại gồm 10 thành viên, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại; tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng…
Không chỉ Ba Trại mà Hội LHPN các xã của huyện miền núi Ba Vì cũng hăng hái thực hiện các phong trào, mô hình, CLB để làm đẹp quê hương, thực hiện tốt vai trò và vị trí của tổ chức Hội. Một trong những dấu ấn của Hội LHPN Ba Vì, theo chị Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì, là tích cực tuyên truyền, đăng tải các hoạt động của Hội cơ sở lên mạng xã hội để chị em học tập, thi đua.
“Hội LHPN các xã đều có trang mạng xã hội để đăng tải hình ảnh hoạt động Hội. Ngày nào, nhóm Hội LHPN huyện Ba Vì cũng ngập tràn hình ảnh chị em ra quân vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc các đoạn đường hoa, hay ra mắt các CLB thể dục thể thao, văn nghệ, các CLB Biến rác thành tiền, tặng quà cho hội viên khó khăn... “Các hoạt động Hội luôn hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ, xuất phát từ nhu cầu của chị em tại địa phương, vì thế luôn được các cấp Hội cơ sở ủng hộ, thực hiện có hiệu quả”- chị Tuyến nói.
Chị Khuất Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất cho biết: Hiện nay trên địa bàn có các dân tộc sinh sống gồm: Mường, Tày, Thái, Nùng, Dao, Hà Nhì, Cơ Tu… tập trung chủ yếu ở 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Phát huy vai trò phụ nữ xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ xây dựng và nâng cao chất lượng mô hình CLB “Phụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng phòng chống bạo lực gia đình”, các CLB Văn hóa văn nghệ… Trong đó, để gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Mường, những chị em phụ nữ Mường nơi đây đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại, xây dựng hình ảnh phụ nữ “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”…
Ở xã Yên Trung, huyện Thạch Thất hiện vẫn duy trì các đội cồng chiêng, mỗi bộ có 12 chị em phụ nữ Mường tham gia trình diễn vào các dịp lễ, Tết. Hương ước thôn theo phong tục đồng bào Mường cũng được duy trì; nhiều hoạt động tình nghĩa được tổ chức thực hiện như mỗi hộ gia đình đóng góp một cân gạo, một đon củi khi thôn có đám tang. Lớp trẻ về nhà, bên cạnh việc sử dụng tiếng phổ thông thì vẫn chú trọng duy trì tiếng Mường, góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình. Đây chính là nền tảng để Hội Phụ nữ triển khai thành công các phong trào tại địa phương.
(Còn nữa)