Phụ nữ “nói không” với rác thải nhựa: Khó hay dễ?
Kỳ 4: Tái chế rác thải nhựa vì "cuộc sống xanh"
(PNTĐ) -Từ những phế liệu như lốp xe, chai nhựa, ly nhựa, ống hút, túi nilon… cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp đã “biến” rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống, góp phần lan tỏa lối “sống xanh” đến cộng đồng.

“Gạch sinh thái” làm từ rác thải nhựa
Cách đây 5 năm, Hội LHPN xã Hải Bối, huyện Đông Anh là một trong những đơn vị đầu tiên đã làm thành công những viên “gạch sinh thái” từ những chai, lọ nhựa và túi nilon, ống hút, hộp sữa… sau đó ghép những viên gạch lại thành những chiếc ghế, xây dựng một sân chơi tái chế cho trẻ em.
Chị Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Bối cho biết: Lúc đầu, các hội viên phụ nữ và người dân còn rất ngại, chẳng mấy ai tin câu chuyện rác thải lại có thể “biến” thành những chiếc ghế như thế. Nhưng cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ và được tổ chức “Nghĩ về sân chơi trong phố” (Think Playgrounds - TPG) giải thích, hướng dẫn cách làm cũng như ý nghĩa “2 trong 1” (vừa giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa vừa có được nguồn vật liệu mới là những viên “Gạch sinh thái”), từ đó, các chị em rất tán thành.
Vậy là, từ cán bộ đến hội viên, huy động cả người thân trong gia đình, hễ có thời gian rảnh là lại đi thu gom chai nhựa, túi nilon. Buổi tối, các bà, các chị trong chi hội phụ nữ lại tranh thủ tập trung để làm gạch. Sau khi cắt vụn các rác thải từ nhựa như túi nilon, hộp xốp, vỏ sữa… mỗi thành viên lại dùng que đũa nhồi chúng vào chai nhựa, cố gắng nhét được càng nhiều vỏ bao bì càng tốt, cho tới khi chặt cứng túi nilon trong chai, tạo thành một “viên gạch” nặng 500g. Tiếp đó, qua các công đoạn gắn, ghép gỗ…, một chiếc ghế hoàn thành từ 50-60 chai “gạch sinh thái” như thế.
“Ban đầu, chúng tôi chưa dám nghĩ lớn, chỉ dám động viên nhau cố gắng thực hiện trong 1 tháng đầu xem kết quả ra sao. 1 tháng miệt mài thu gom rồi rửa sạch, phơi khô rồi nhồi, nhét, gắn chai, dùng gỗ làm mặt ghế, 2 chiếc ghế đã ra đời, được sử dụng cho sân chơi tái chế đặt tại nhà văn hóa thôn Yên Hà. Các dụng cụ vui chơi ở đây như xích đu, cầu bập bênh… cũng đều sử dụng các vật liệu tái chế. 5 năm nay, những chiếc ghế làm từ rác ấy vẫn bền bỉ phục vụ người dân, con em đến chơi”- chị Thủy nói.
Sân chơi từ rác tái chế của thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh chạy dọc theo sân vận động thôn, được bao quanh bởi hồ nước của thôn thế nên vào các buổi sáng hoặc chiều tối có rất đông trẻ con, người lớn ra chơi và tập thể dục, thể thao. Đây là một trong những công trình làm điểm sân chơi từ rác tái chế của chi hội phụ nữ thực hiện thành công năm 2018.
Chị Nguyễn Thị Tứ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Ngọc kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Ngọc Chi là người trực tiếp cùng chị em thực hiện mô hình này. Chị Tứ chia sẻ: Để có được sân chơi như bây giờ là nhờ vào sự say mê, tâm huyết của các chị em đã không quản ngày, đêm để làm ra những viên “gạch sinh thái”, từ đó gắn chúng lại làm ra những ghế đặt tại sân chơi cộng đồng. Ngoài làm gạch, các bà các cô còn thu gom lốp xe đã qua sử dụng, các loại kim khí, sắt để làm xích đu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô chị Thủy, chị Tứ cho biết: Hàng năm chúng tôi đều có đợt tu sửa, sơn lại, hầu như chỉ có các bề mặt bằng gỗ là bị mối mọt, cần phải thay, còn lại những thứ được tái sinh từ rác thải nhựa đều rất bền. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình, đồng thời lồng ghép tuyên truyền các thông điệp bảo vệ môi trường trong các hội nghị, tập huấn… để lan tỏa lối “sống xanh” trong cộng đồng.
Đưa phế liệu đến hành trình “sống xanh”
Trước đây, đoạn đường dọc tuyến đê sông Nhuệ chạy qua xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội vốn là đường đất nhỏ, cây cối um tùm, từng là điểm tập kết rác thải. Thế nhưng, Hội LHPN xã Mỹ Hưng mạnh dạn đăng ký làm điểm đoạn đường nở hoa bích hoạ, tạo một bức tranh mới cho người dân ở đây.


Chị Tạ Thị Miên, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Hưng cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ đã và đang đảm nhận nhiều phần việc, nhiều việc vì môi trường, như: Tổ chức phân loại rác thải, vệ sinh môi trường, xây dựng những tuyến đường tự quản, đường hoa… Tiêu biểu nhất phải kể đến Chi hội phụ nữ thôn Quảng Minh, với số tiền ủng hộ hơn 200 triệu đồng, chi hội đã trồng 200 chậu hoa, treo 150 đèn lồng trang trí, vẽ 12 bức tranh tường... Điều đặc biệt là các chị em phụ nữ ở đây đã dùng các chai nhựa để tạo thành những chiếc đèn lồng xinh đẹp, treo dọc các tuyến đường nở hoa, bích hoạ. Nguyên liệu làm lồng đèn từ chai nhựa khá đơn giản, chỉ cần chuẩn bị 1 chai nhựa, màu vẽ, giấy bìa màu, sơn xịt, dây dù treo đèn, que làm cán và các dụng cụ cắt dán đơn giản. Vào các buổi tối, các chị em lại tập trung ở nhà chi hội trưởng để làm đèn lồng. Chỉ trong nửa tháng, 150 đèn lồng đủ màu sắc rực rỡ đã được treo trên đoạn đường tự quản của Hội Phụ nữ xã dài 1.000m ven đê sông Nhuệ, tạo cho cả tuyến đường khoác lên một bức tranh nhiều màu sắc. Đã qua gần 2 năm sử dụng, những chiếc đèn lồng vẫn chưa bị hỏng.
Nhận thấy mô hình thiết thực, ý nghĩa, Chị Miên còn hướng dẫn cho chị em phụ nữ trong xã cùng làm, nhân rộng mô hình đường hoa có đèn lồng được làm từ can nhựa tái chế sang hai chi hội khác ở xã. Một trường mầm non trên địa bàn xã cũng đã thực hiện làm lồng đèn treo ở trường. “Chúng tôi tổ chức làm đèn lồng từ các can nhựa thu gom được, tặng cho các trường học, treo ở những đường hoa, hướng dẫn các phật tử tái chế lại các vật dụng chai nhựa mà du khách vứt lại khi đến tham quan làm thành các lồng đèn trang trí để vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí và tạo cảnh quan đẹp. Các cán bộ hội phụ nữ xã Thanh Cao cũng đã học hỏi mô hình và thực hiện ở địa phương.
Tại Gia Lâm, chị Phạm Thị Dịu, Chủ tịch Hội LHPN xã Lệ Chi cho biết: Đoạn đường tái chế từ rác thải nhựa của thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi dài khoảng 200m, trước đây là nơi tập kết rác thải của các hộ dân. Nhận thấy, trong rác thải bỏ đi có rất nhiều rác thải nhựa, lốp xe hỏng không sử dụng được đều bị người dân vứt lẫn lộn chưa phân loại, chị Dịu đã phát động mô hình làm đường hoa tái chế từ rác thải nhựa. “Thời điểm đó, các con được nghỉ hè, chúng tôi huy động trẻ em trong thôn cùng các chị em phụ nữ chung tay cùng làm, từ việc cắt, vẽ, sơn, trang trí, tái chế lại các chai nhựa và lốp ôtô. Chỉ trong vòng 1 tháng, khoảng 400-500 vỏ lon nhựa, can nhựa, lốp ôtô cũng đã được hoàn thiện để gắn lên tường”- chị Dịu nói.
Tại huyện Gia Lâm, 100% Hội LHPN các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện lối “sống xanh”. Có thể kế đến, Hội Phụ nữ xã Đình Xuyên triển khai mô hình “Xanh hóa nhà xử lý rác thải” bằng việc chị em cán bộ, hội viên phụ nữ đã tận dụng các lốp xe ôtô, xe máy đã qua sử dụng để sơn sửa thành những chiếc chậu trồng cây xanh đặt tại các nhà xử lý rác thải trên địa bàn xã hay như mô hình “Đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh” Hội Phụ nữ xã Đa Tốn… Đây là những mô hình sáng tạo, ý nghĩa mà cán bộ, hội viên phụ nữ đã và đang từng ngày thực hiện để góp phần “nói không” với rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
(Còn nữa)