Phụ nữ “nói không” với rác thải nhựa: Khó hay dễ?
Kỳ cuối: Kiên trì, đồng lòng thực hiện chống rác thải nhựa
(PNTĐ) -Để góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa, dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô phải có nhiều hoạt động có tính lan tỏa sâu rộng hơn; đề xuất các giải pháp chống ô nhiễm từ rác thải nhựa, góp phần cùng các cấp, các ngành tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ môi trường Thủ đô Sáng- Xanh- Sạch - Đẹp.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Ba Vì là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc, xã trung tâm Thủ đô và trên địa bàn còn nhiều xã gặp khó khăn nhưng thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang thương hiệu của phụ nữ Ba Vì. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, chị Đỗ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì khẳng định: Câu chuyện nói không với rác thải nhựa không hề dễ dàng, nhưng để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân, tổ chức Hội tích cực vào cuộc. Cụ thể, Hội Phụ nữ đã duy trì và nhân rộng các mô hình như: “Hãy cho tôi xin rác tái chế - bạn đã giúp đỡ trẻ em và phụ nữ nghèo”, “Tổ phụ nữ biến rác thải thành tiền”, “Ngày Chủ nhật xanh”…
Với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường, mới đây chị em cán bộ hội viên phụ nữ Ba Vì đổi mới, sáng tạo và dày công hô “biến” rác thải nhựa thành bộ thiết kế thời trang độc đáo, ấn tượng được trưng bày tại một số hội nghị, hội diễn... Đây là một trong những cách tuyên truyền trực tiếp gây ấn tượng mạnh đã khiến chị em hội viên vô cùng ngạc nhiên, cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao.
Còn phụ nữ phường Phúc Lợi, quận Long Biên lại nghĩ ra cách tuyên truyền về chống rác thải nhựa từ những chiếc… nắp chai. Thông qua hội thi “Tái chế rác thải nhựa” do Quận Hội tổ chức vào tháng 5/2023, gian trưng bày của Hội Phụ nữ phường Phúc Lợi nổi bật hẳn nhờ mô hình bản đồ đất nước Việt Nam làm từ các loại nắp chai nhiều màu sắc, mang tên “S - dải đất của yêu thương”. Điều đặc biệt hơn, ngoài phiên bản mang đi thi, 3 phiên bản khác của bản đồ này đang được đặt tại các trường học trên địa bàn phường Phúc Lợi, sử dụng làm giáo cụ trực quan cho học sinh.
Đội trưởng của nhóm tác giả mô hình này là chị Lê Thị Hương Lý, hội viên phụ nữ Chi hội 8, phường Phúc Lợi và cũng là một cô giáo mầm non. Làm thế nào để việc tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa được hiệu quả, lại phù hợp với nghề nghiệp, công việc mà mình đang cống hiến, chính những trăn trở đó đã giúp chị Lý cùng các chị em khác nghĩ ra việc thực hiện bản đồ độc đáo này.
“Nhóm của chúng tôi nhanh chóng phân công công việc. Các cô lớn tuổi, đã nghỉ hưu sẽ chịu trách nhiệm thu gom, phân loại rác thải nhựa. Các nắp nhựa sẽ được để riêng, rửa sạch sẽ. Để huy động được cả các chị em trong độ tuổi lao động, nhóm họp vào buổi tối tại nhà văn hóa của tổ dân phố để lên ý tưởng và thực hiện. Mỗi tỉnh, thành phố được thể hiện bằng một loại nắp chai có màu sắc khác nhau, nổi bật lên là Thủ đô Hà Nội được tạo thành từ những chiếc nắp chai màu đỏ. Sau khi làm xong, các chị em đóng khung, gắn đèn led. Chỉ trong một thời gian ngắn, một tấm bản đồ đất nước Việt Nam đã hình thành”- chị Hương Lý cho hay.
Tại các quận, huyện: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất… hàng năm, Hội Phụ nữ còn đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội thông điệp “Thả cá đừng thả túi nilon” vào mỗi dịp Tết ông Công ông Táo - nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt. Theo đó, Hội Phụ nữ còn cử cán bộ Hội, hội viên nòng cốt trực tại các điểm thả cá, thường xuyên nhắc nhở chị em, người dân thả cá không thả túi nilon. Nhờ tuyên truyền tốt nhiều hộ gia đình đã ý thức không vứt rác bừa bãi, từ đó phần lớn các hộ gia đình đã dần sử dụng các dụng cụ như chậu, bát, lọ thủy tinh… để đưa cá ra sông, với những hộ sử dụng túi nilong đựng cá sau khi thả thì lại được chị em thu gom, phân loại vào thùng đựng rác góp hạn chế sử dụng túi nilon.
Nhiều giải pháp vì môi trường không rác thải nhựa
Đổi mới nội dung, hình thức truyền thông về rác thải nhựa thông qua các nền tảng trực tuyến và các sản phẩm truyền thông số như: Clip truyền thông, sổ tay thông tin điện tử, inforgraphic… là những cách làm được Hội LHPN Hà Nội áp dụng đạt hiệu quả trong thời gian qua. Theo bà Hoàng Thu Hồng, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Hà Nội, các cấp Hội đã tổ chức 3.069 buổi truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, lồng ghép với văn hóa ứng xử tới cán bộ, hội viên, phụ nữ; tuyên truyền, thông tin về phân loại rác thải tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa tới hơn 1 triệu lượt hội viên, phụ nữ. Song song với các hình thức tuyên truyền, giáo dục trực tiếp, Báo Phụ nữ Thủ đô, Website, trang Fanpage của Hội phát huy hiệu quả trang tuyên truyền, triển khai phát sóng livestream các buổi tập huấn, tuyên truyền trên các nền tảng trực tuyến của Hội, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.

Đánh giá cao về việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn (hữu cơ và vô cơ) của các cấp Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm đã thực hiện thời gian qua, ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm khẳng định: Từ việc thu gom rác thải nhựa đã gây quỹ cho các chi hội để thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài và hoạt động từ thiện nhân đạo không những thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đóng góp thiết thực trong phong trào phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương. Để triển khai đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn còn rất nhiều việc phải làm nhưng tin tưởng rằng Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm với vai trò là nòng cốt tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tham gia mô hình; thường xuyên phối hợp với các xã, các ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giao ban đánh giá việc triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình…
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub cho biết: Trung tâm là một trong những đơn vị đã đồng hành phụ nữ một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, 3 năm qua đã có 21 mô hình/sáng kiến giảm rác thải nhựa thí điểm đã được triển khai với đa dạng hình thức như mô hình chợ sinh thái, khu dân cư giảm rác thải nhựa, trường học xanh hay chùa tuần hoàn rác… Tất cả các ý tưởng này đều đến từ các đối tác địa phương phù hợp với thực tế cần nhân rộng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Đại, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cho biết, các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa của Hội Phụ nữ đã mang lại hiệu quả tích cực, thay đổi nhận thức của đông đảo hội viên phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường. Thời gian tới đề nghị Hội LHPN phường tiếp tục có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phát hiện và nhân rộng điển hình xuất sắc, sáng kiến tiêu biểu trong bảo vệ môi trường nhất là sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa.
Tại Thành hội, nhằm thay đổi hành vi sử dụng rác thải nhựa trong cộng đồng nói chung. Năm 2023, Hội LHPN Hà Nội và Công ty Cổ phần Quốc tế Lead Việt Nam tiếp tục ký cam kết phối hợp truyền thông “Táo hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người” tới hội viên phụ nữ Thủ đô để tuyên truyền, hướng dẫn phân loại và xử lý rác tái chế…
Theo bà Lê Kim Anh, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, chung tay chống rác thải nhựa ngoài sự nỗ lực của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, nhân dân trong việc hạn chế dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon… Thời gian tới, Thành Hội sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; vận động mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ hãy là một đại sứ tuyên truyền về chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Hội Phụ nữ tích cực tuyên truyền kết nối các mô hình sản xuất với cơ sở kinh doanh, làng nghề từ khâu sản xuất đến tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời đề xuất với Thành phố một số đề án để làm tốt hơn nữa, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế sản phẩm nhựa…