Góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013:

Làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên

Hoàng Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức vừa qua, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tập trung góp ý vào các Điều 9, 10, 84, 110 và 115 của Dự thảo và đề xuất nên gộp hoặc sắp xếp lại một số khoản để bảo đảm kỹ thuật lập pháp, tránh trùng lặp và mâu thuẫn trong các quy định.

Tại hội nghị các đại biểu đã góp ý nhiều quan điểm đề cập đến nội dung của Khoản 2 Điều 9 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên - ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Theo Khoản 2 Điều 9 Hiến pháp 2013 hiện hành quy định: “Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong MTTQ VN”.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp  nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ VN, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ VN; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ VN”. 

Góp ý về nội dung dự thảo, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo, cần xem lại cụm từ “trực thuộc” tại khoản 2, Điều 9 của dự thảo. Theo ông, từ “trực thuộc” theo giải thích của nhiều từ điển là “chịu sự lãnh đạo trực tiếp vào một chủ thể cấp trên”.

Câu hỏi đặt ra với địa vị pháp lý là một chủ thể trực thuộc thì tổ chức và hoạt động của 5 tổ chức (gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) có còn bảo đảm được những đặc trưng bản chất của mỗi tổ chức. 

Đó là thành lập tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên và hoạt động trên nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trong MTTQ Việt Nam không?

Thực tế cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy gồm có “tổ chức chính” và “các tổ chức trực thuộc” được áp dụng rất phổ biến, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mô hình này có một đặc điểm chung là tổ chức trực thuộc chỉ có địa vị pháp lý độc lập tương đối, còn những vấn đề quan trọng về tổ chức, nhân sự, tài chính …về cơ bản phải chịu sự chỉ đạo, quyết định của tổ chức mà nó trực thuộc.

“Xin đề cập một số vấn đề rút ra từ thực tiễn mối quan hệ giữa Đại biểu Quốc hội với Đoàn ĐBQH để có thể làm sáng tỏ mối quan hệ của 5 tổ chức này với MTTQ VN trong mối quan hệ “trực thuộc”. Đây là vấn đề vẫn đang được thảo luận, nghiên cứu tại một số Ủy ban của Quốc hội nhằm tìm giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức Đoàn ĐBQH và xử lý mối quan hệ giữa Đoàn ĐBQH với Đại biểu Quốc hội là thành viên của Đoàn sao cho không triệt tiêu tính độc lập của ĐBQH trong thực hiện nhiệm vụ Đại biểu của mình”, ông Lê Việt Trường nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội  cho rằng dự thảo Nghị quyết sử dụng cụm từ "trực thuộc" là chưa chính xác; chưa thống nhất với các quy định khác trong dự thảo Nghị quyết về mối quan hệ của các tổ chức Chính trị - xã hội với MTTQ Việt Nam là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.

Ông Luyến cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại như sau: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức Chính trị - xã hội, là các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Trong dự thảo Nghị quyế, thì cụm từ “trực thuộc" MTTQ Việt Nam là vấn đề rất mới. Đây là chủ trương của cơ quan có thẩm quyền nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức Chính trị- xã hội.

Theo ông Pha, khái niệm “trực thuộc” thông thường được hiểu là mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trực tiếp và thường được sử dụng trong quan hệ hành chính, kinh tế.

“Tôi thấy trong dự thảo đã có cụm từ “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ VN”. Tôi cho rằng ý này rất hay và chỉ cần thế là đủ, không cần phải sử dụng từ “trực thuộc””, ông Pha nói. 

Chính vì vậy đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thấu đáo khi sử dụng từ này để đảm bảo tính chất cốt lõi của tổ chức Mặt trận là tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên” (khoản 2 Điều 4 Luật MTTQ VN).

Phát biểu góp ý về những nội dung liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nêu trong Dự thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ đồng tình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thể chế hóa chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả như Nghị quyết Trung ương đề ra, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên - ảnh 2
Các đại biểu tham gia phát biểu tại hội nghị.

Góp ý vào các điều khoản nêu trong Dự thảo tại Điều 9, Điều 10, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam mong muốn: Dự thảo sửa đổi làm sao để thể hiện được vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khẳng định và tự hào truyền thống lịch sử xây dựng và phát triển của tổ chức Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử với gần 95 năm, dưới lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, vị thế, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của đất nước…Trong đó những thành quả của công tác phụ nữ, kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam có vai trò nòng cốt của tổ chức Hội.

Làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu.

Bà nêu rõ, trong Điều lệ Hội LHPN Việt Nam ngay phần mở đầu khẳng định rõ: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN. Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hội với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước. Đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Bà đề xuất Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh cân nhắc một số câu chữ trong các điều, cần xem lại cụm từ “trực thuộc” tại khoản 2, Điều 9 của dự thảo như các đại biểu, chuyên gia đã góp ý phân tích ở trên để tránh trùng lặp, đảm bảo sự rõ ràng, hợp lý trong ngôn ngữ và nội dung, đồng thời làm nổi bật vai trò trung tâm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Bên cạnh việc tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung liên quan đến một số quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định trong dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến mô hình chính quyền địa phương, quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Ban tổ chức hội nghị sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu để gửi tới Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tin cùng chuyên mục

 Hội LHPN quận Đống Đa: Bàn giao công trình “Chòi tre lục giác” chùa Huy Văn, phường Văn Chương

Hội LHPN quận Đống Đa: Bàn giao công trình “Chòi tre lục giác” chùa Huy Văn, phường Văn Chương

(PNTĐ) - Ngày 21/5/2025 Hội LHPN Quận Đống Đa đã tổ chức lễ Bàn giao công trình "Chòi tre lục giác" chùa Huy Văn ttại số 3 ngách 34 ngõ Văn Chương, phường Văn Chương. Chùa Huy Văn nằm trong quần thể di tích Chùa - Điện - Đền gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Vua Lê Thánh Tông.
Lan tỏa nét đẹp ứng xử: Hành trình bền bỉ của phụ nữ Bắc Từ Liêm

Lan tỏa nét đẹp ứng xử: Hành trình bền bỉ của phụ nữ Bắc Từ Liêm

(PNTĐ) - Trong bối cảnh đời sống đô thị ngày càng năng động và đa dạng, việc giữ gìn nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công cộng không chỉ là biểu hiện của văn minh, mà còn là nền tảng của sự phát triển bền vững. Ở quận Bắc Từ Liêm – một địa bàn đang trên đà đô thị hóa mạnh mẽ, hành trình lan tỏa văn hóa ứng xử đang được vun đắp mỗi ngày, từng bước đi vững chãi bởi những người phụ nữ bình dị mà kiên cường.
Dự án 8 tại tỉnh Thanh Hoá vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn I

Dự án 8 tại tỉnh Thanh Hoá vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn I

(PNTĐ) - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, hoạt động của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phụ nữ Thủ đô làm theo lời Bác

Phụ nữ Thủ đô làm theo lời Bác

(PNTĐ) - Những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô nghiêm túc triển khai với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần lan tỏa giá trị đạo đức, lối sống lành mạnh trong cộng đồng.