“Làm việc Hội thế này, thấy tinh thần phấn chấn lắm!”

Chia sẻ

Cứ sáng thứ 7 hàng tuần, tạm bỏ buổi tập thể dục, các bà các cô lại cầm chổi ới nhau đi làm vệ sinh ngõ phố. Nhóm khác thì đeo găng tay, khẩu trang đầy đủ, thực hiện việc thu gom và phân loại phế liệu, bán lấy tiền làm việc Hội. Có mệt, có đổ mồ hôi, nhưng “làm việc Hội thế này, thấy tinh thần phấn chấn lắm!”- đó là tâm sự của các hội viên phụ nữ.

Hội viên phụ nữ TDP 2 phường Quang Trung dọn vệ sinh ngõ phố sáng thứ 7 hàng tuầnHội viên phụ nữ TDP 2 phường Quang Trung dọn vệ sinh ngõ phố sáng thứ 7 hàng tuần.

“Đi dự đám cưới, chúng tôi toàn về sau cùng…”

Một trong những phong trào tiêu biểu của phụ nữ Hà Đông phải kể đến là phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”. Với mục tiêu vì một đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp, Hội đã phát động nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường; duy trì hoạt động 292 đoạn đường phụ nữ tự quản “An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp”; 29 tuyến phố vệ sinh, văn minh đô thị; chăm sóc, bảo trì 15 vườn hoa, 5 sân chơi. Từ những sáng kiến nhỏ trong cuộc sống mà các mô hình “Sống xanh”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Thùng rác thân thiện”, “Thùng rác từ thiện”... của Hội ra đời, phát triển và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, thu hút đông đảo các bà, các mẹ, chị em cùng tham gia.

5h30 sáng, khi loa truyền thanh tuyên truyền các thông tin, thì dưới đường, các cô các bác đã tự giác cầm chổi để làm đẹp ngõ phố. Công việc này được coi là một bài tập tinh thần mỗi sáng thứ 7 cho các hội viên. “Gần như 100% hội viên tham gia hoạt động này, đều đặn, nhiệt tình và tự giác. Nếu có hội viên nào tập thể dục hay bận việc thì thành viên gia đình như chồng hoặc con, cháu sẵn sàng xắn tay, cầm chổi tham gia. Với tinh thần ấy, 6h30 chúng tôi đi kiểm tra thì phố xá đã tinh tươm, rác được tập kết gọn gàng”, cô Lưu Thị Kim Khánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (CHPN) TDP 2, phường Quang Trung, quận Hà Đông vừa thoăn thoắt phân loại phế liệu, vừa hào hứng chia sẻ.

Thứ 7 đầu tiên của tháng cũng chính là ngày CHPN số 2, phường Quang Trung bán phế liệu đã thu gom, phân loại được trong suốt 1 tháng qua. Không phải cứ đến ngày thu gom thì mới có phế liệu, mà hội viên nào “tiện tay” tích góp được cũng sẵn sàng mang đến tập kết bất cứ lúc nào. Chi hội này có hẳn một kho để bảo quản phế liệu. Cách thu gom cũng được đảm bảo an toàn sức khỏe cho hội viên và tính khoa học, hiệu quả trong việc phân loại rác thải. Số tiền được sử dụng để thăm hỏi hội viên có hoàn cảnh đặc biệt, sử dụng cho các chương trình, hoạt động của các ngày lễ lớn trong năm, làm phần thưởng các cháu thiếu niên, nhi đồng học giỏi, chăm ngoan, có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 1 năm qua, tinh thần ấy luôn được duy trì và càng hiệu quả hơn trong giai đoạn cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Dừng tay phân loại phế liệu, các hội viên Chi hội Phụ nữ TDP số 8, phường Phú Lãm, quận Hà Đông tươi cười: “Giờ đây, chuyện các chị em đi nhặt nhạnh phế liệu không chỉ là quen thuộc, mà còn thấm sâu vào ý thức của mỗi hội viên chúng tôi. Có khi đi đám cưới, hay đi hội nghị, liên hoan nào đó, chúng tôi toàn ở lại sau cùng, là để thu gom vỏ chai nhựa, lon bia, gom góp từng chút một để đổi phế liệu lấy kinh phí cho các phong trào Hội”.

Cô Đỗ Thị Xuyên, CHPN số 7 phường Phú Lãm hào hứng: “Các con tôi cũng rất hưởng ứng, giúp mẹ thu gom rác thải, phế liệu có thể tái chế. Các con bảo tôi, “sao mẹ không ủng hộ bằng tiền, mấy chục nghìn là được”, tôi bảo “mấy chục không to, không quý bằng công thu gom, nhặt nhạnh của mẹ và các cô”. Với tinh thần ấy, chị em chúng tôi đều suy nghĩ rằng: Việc làm của mình tuy nhỏ bé, nhưng tích tiểu thành đại, nhiều cái nhỏ bé sẽ hợp thành một sức mạnh to lớn”.

“Hôm nào hội viên bận rộn, hay do thời tiết mưa gió, chúng tôi không kịp mang phế liệu ra tập trung, là các chị đến tận nhà thu gom giúp. Nhiều cô tuổi cao nhưng rất hăng hái, đường làng ngõ phố vừa sạch, vừa có hoa, lan tỏa tình yêu với quê hương đến nhiều người. Nhiều hôm, chúng tôi còn chưa ra dọn dẹp thì đã thấy các bác cựu chiến binh ra dọn cỏ, cắt tỉa hoa rồi, rất phấn khởi”, cô Xuyên kể tiếp.

Cô Nguyễn Thị Minh, CHPN TDP 7 phường Phú Lãm cũng đồng tình: “Được gia đình, con cháu ủng hộ, chúng tôi lại càng tham gia hào hứng hơn. Đợt 2 tuần bị cách ly xã hội, không được đi thu gom, thấy nhớ việc lắm. Chứ còn trời mưa gió chúng tôi vẫn đi đấy, không đi là có người nhớ, hỏi thăm ngay!”.

Khéo “mưa dầm”, ý thức sẽ “thấm lâu”

Làm công việc sạch đường, sạch phố, sạch Thủ đô chính là sạch cho gia đình mình. Ý thức đó, không phải ngày một ngày hai mà có được. Nhớ lại những ngày đầu vận động, cô Bùi Thị Thanh Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Lãm chia sẻ, khá khó khăn bởi chị em chưa có nhiều kiến thức và ý thức chưa cao về thu gom phế liệu, thậm chí còn nhiều lời nói ra nói vào cho rằng cách làm này phiền phức, hiệu quả không cao. Vậy mà, đến bây giờ, mô hình đã được duy trì 1-2 tuần/lần, đều đặn gần như 100% hội viên tham gia, sáng thứ 7 nào cũng từ 7h đến 8h sẽ tập trung tại nhà văn hóa của TDP để tham gia thu gom. Mỗi tháng, mỗi chi hội thu được khoảng 2 triệu tiền bán phế liệu. Mô hình này ngày càng được chị em hưởng ứng, lại thêm gắn kết chị em, hăng hái hơn tham gia phong trào hội; thu hút thêm hội viên, người dân hưởng ứng. Dịch Covid-19 vừa qua, từ nguồn đổi phế liệu và xã hội hóa, Hội LHPN phường Phú Lãm đã ủng hộ được 120 triệu đồng, tặng gần 400 suất quà cho các gia đình hội viên bị ảnh hưởng.

Phường Phú Lãm có 3 nhóm chợ nhỏ nằm trong khu dân cư, vấn đề vệ sinh môi trường và tuyên truyền còn gặp vướng mắc, không trôi chảy như các nơi khác. Tiểu thương chủ yếu không phải người địa phương nên đôi khi cũng là trở ngại cho việc tuyên truyền. “Dù vậy, chúng tôi được sự quan tâm, chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể cùng vận động, nên so với trước đây, tình hình đã khả quan hơn rất nhiều!”, cô Bùi Thị Thanh Phương cho biết.

Còn theo cô Đỗ Kim Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Quang Trung, Hội LHPN phường đã thiết thực đẩy mạnh các phong trào có hiệu quả, phát huy tinh thần, trí tuệ, năng lực và sáng tạo, đoàn kết của 1.800 hội viên toàn phường, trong đó chú trọng công tác bảo vệ môi trường. 16/16 chi hội, 100% hội viên được tuyên truyền, công tác tổng vệ sinh mỗi sáng thứ 7 đã thực hiện rất hiệu quả. Mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Thùng rác thân thiện, thùng rác từ thiện”, đã đóng góp được số tiền nhỏ nhưng ý nghĩa tinh thần mang lại rất lớn. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ số tiền trên và bằng các nguồn xã hội hóa, Hội LHPN phường đã đạt quyết tâm không hội viên nào bị bỏ lại phía sau, đã ủng hộ, phát miễn phí các nhu yếu phẩm thiết yếu, tổng số tiền ủng hộ là 72 triệu đồng.

“Chị em rất nhiệt tình, trách nhiệm rất cao, thể hiện ở chất lượng thu gom. Từ tổ hội đến các đồng chí chi hội trưởng, qua các cuộc họp cũng như các hội nghị cũng tuyên truyền cho các hội viên, các gia đình tích góp vào một chỗ, đến ngày thu gom, không những hội viên PN, mà các thành viên gia đình, các thành viên đoàn thể khác, các cháu nhỏ đến quyên góp, không khí rất rộn ràng, tình làng nghĩa xóm vì thế mà thêm gắn kết hơn”.

Địa bàn phường Quang Trung có chợ Cầu Am, cách thức tuyên truyền tại đây cũng đòi hỏi sự kiên trì hơn. “Được sự chỉ đạo của các đồng chí Bí thư chi bộ, tổ trưởng, các cán bộ đầu ngành, các tổ trưởng phụ nữ đi vận động bà con, từng tốp đi đến từng dãy phố chợ vận động bà con chấp hành nghiêm, dù bán hàng vẫn phải đảm bảo vệ sinh khu chợ sạch sẽ, vừa đảm bảo thực phẩm được bảo quản tươi ngon, an toàn. Mưa dầm thấm lâu, bà con ở chợ dần thấy việc làm này ý nghĩa, thiết thực với môi trường nên đã chấp hành”.

“Mỗi tuần, trung bình mỗi chi hội thu được 500 nghìn đồng từ việc bán phế liệu, nhân với con số 250 chi hội trên toàn quận, có thể nói, các chị em đã “tích tiểu thành đại”. Là người lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội cơ sở thực hiện tốt các phong trào, chị Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông bày tỏ: Quá trình triển khai thực hiện các mô hình đã thật sự hiệu quả trong các cấp Hội LHPN quận, giúp thay đổi hành vi, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của địa phương và cụ thể hóa các nhiệm vụ của hội trên địa bàn quận, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, để mỗi cán bộ, hội viên là một tấm gương tiêu biểu trong thực hiện phong trào, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng với những phẩm chất và nét đẹp của phụ nữ Thủ đô.

Bài và ảnh: QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Hơn 60 phụ nữ được tập huấn về giáo dục gia đình

Hơn 60 phụ nữ được tập huấn về giáo dục gia đình

(PNTĐ) - Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tập huấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, phát huy vai trò của người cao tuổi trong vun đắp giá trị gia đình. Hơn 60 phụ nữ là các bà mẹ có con từ 6-18 tuổi tham dự chương trình.
Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Đại lễ Phật đản 2025

Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Đại lễ Phật đản 2025

(PNTĐ) - Nhân dịp lễ Phật đản năm 2025, ngày 9/5/2025, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản năm 2025 tại Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm và Ni sư trụ trì tại chùa Kim Liên, quận Tây Hồ.
Đồng hành cùng con trong bối cảnh chuyển đổi số

Đồng hành cùng con trong bối cảnh chuyển đổi số

(PNTĐ) - Ngày 9/5/2025, tại trụ sở Hội LHPN Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của người mẹ đối với giáo dục con cái trong gia đình thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số”. Hội thảo là 1 trong chuỗi hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ với đề tài cùng tên.