Lắng nghe, gỡ khó cho cán bộ Hội

Chia sẻ

Hà Nội là địa phương đứng thứ hai cả nước về dân số và có số hội viên Hội quản lý cao nhất cả nước. Đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trẻ hóa, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội. Tuy nhiên, trong tình hình mới, bên cạnh những thuận lợi, công tác cán bộ trong tổ chức Hội còn gặp một số khó khăn cần giải pháp khắc phục.

Việc tăng, đãi ngộ chưa tăng

Thực hiện Nghị quyết số 895/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thườngvụ Quốc hội (khóa XIV), Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ, Hà Nội thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và các thôn, tổ dân phố gắn với tiếp tục thực hiện Đề án số 06 của Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Đầu năm 2020, tại huyện Phúc Thọ, sau khi 2 xã Sen Chiểu và Phương Độ được sắp xếp lại địa giới hành chính thành xã Sen Phương; Xã Cẩm Đình và xã Xuân Phú được sắp xếp lại thành xã Xuân Đình, 4 Hội LHPN tại 4 xã cũng đã được sắp xếp lại thành 2 Hội LHPN xã: Sen Phương và Xuân Đình.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Sen Phương cho biết, sau khi sắp xếp, đội ngũ lãnh đạo Hội LHPN xã Sen Phương vẫn gồm 1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch nhưng địa bàn thôn tổ lại rộng hơn, số lượng hội viên tăng lên gần 2.000 người, khối lượng công việc cần triển khai cũng tăng lên. “Ngoài tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phong trào Hội, chúng tôi còn thực hiện công tác vệ sinh môi trường, tham gia phòng, chống dịch, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, một số chị kiêm nhiệm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, một số kiệm nhiệm tổ trưởng tổ vay vốn…”. Song, nhờ sự tâm huyết, làm việc không kể ngày nghỉ, giờ giấc của các cán bộ Hội, 1 năm sau sát nhập, phong trào Hội tại hai địa bàn vẫn được giữ vững. Hội LHPN xã Sen Phương năm 2020 tiếp tục được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen.

Không chỉ với Phúc Thọ, sau khi thực hiện Đề án 06-ĐA/TU, các cơ sở Hội xã, phường, thị trấn, chi hội, tổ phụ nữ toàn thành phố Hà Nội cũng được củng cố, kiện toàn, đảm bảo sự đồng bộ hệ thống chính trị tại địa bàn dân cư. Hiện nay, Hội LHPN Hà Nội có 749 cơ sở Hội, trong đó có 579 xã, phường, thị trấn, 170 cơ sở Hội của công an, quân đội, phụ nữ khuyết tật, nữ luật sư, doanh nghiệp ngoài nhà nước; 5.333 chi hội, 13.973 tổ phụ nữ (So với đầu nhiệm kỳ 2016-2021, toàn Thành phố giảm 41 cơ sở Hội, 406 chi hội, 1.601 tổ phụ nữ ở địa bàn dân cư). Bên cạnh đó, thực hiện Đề án số 21-ĐA/TU về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” ngày 16/9/2019 của Thành ủy Hà Nội, hiện có 32 Chủ tịch, 212 Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm các chức danh khác ở cấp xã (văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Bí thư Đoàn thanh niên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, phụ trách công tác truyền thanh)…

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện sát nhập các thôn, tổ dân phố, việc bố trí, sắp xếp cán bộ cơ sở đã gặp một số khó khăn, bất cập. Chẳng hạn, chức danh Phó Chủ tịch Phụ nữ là chức danh bầu nhưng khi thực hiện Đề án, có trường hợp Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ vẫn còn tuổi lao động (dưới 55 tuổi) được tín nhiệm trong Hội, vẫn có nguyện vọng tiếp tục tham gia công tác nhưng không được bố trí sắp xếp, chưa có chế độ chính sách hỗ trợ khi nghỉ việc.

Đặc biệt, đối với phụ cấp người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở (Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, chi hội trưởng), theo Nghị quyết số 08/2019-HĐND ngày 10/7/2019 HĐND Thành phố quy định theo các mức bằng 0,73- 0,77- 0,87 mức lương cơ sở tùy theo loại xã, phường, thị trấn. Chi hội trưởng được bồi dưỡng 250.000 đồng/người tháng từ nguồn ngân sách theo phân cấp. Như vậy, từ chỗ bố trí 14-22 người đảm nhiệm 18 chức danh không chuyên trách ở cấp xã; 7 người đảm nhiệm 7 chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đến nay còn trung bình 7 người đảm nhiệm 10 chức danh ở cấp xã, 2-3 người đảm nhiệm 3 chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Khối lượng công việc nhiều lên nhưng phụ cấp lại không tương xứng với công việc kiêm nhiệm nên nhiều cán bộ Hội không tránh khỏi tâm tư.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ cho biết: “Nhiều lúc, nhìn chị em vất vả, tôi rất thương. Với chúng tôi, tham gia hoạt động Hội vì tinh thần cống hiến cho cộng đồng chứ nếu nghĩ đến chế độ phụ cấp chắc không ai làm”.

Ngoài chế độ phụ cấp, theo chị Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông, chế độ khen thưởng cán bộ Hội cũng còn hạn chế. “Nhiều cán bộ Hội chuyên trách cống hiến hàng chục năm, rất tâm huyết, trách nhiệm nhưng cơ hội được khen thưởng lại rất ít”. Chị Phương cho rằng, khen thưởng chính là sự động viên đóng góp của cán bộ Hội các cấp, chăm lo gián tiếp đến đời sống cán bộ Hội khi được xét nâng lương tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đây cũng là minh chứng năng lực cán bộ Hội để lãnh đạo địa phương ghi nhận và trong một số trường hợp tin tưởng giao giữ các vị trí công tác mới.

Sau 1 năm sáp nhập, dù phải kiêm nhiệm nhiều việc, phụ cấp không tăng, cán bộ Hội LHPN xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ vẫn nỗ lực vượt khó, giữ vững phong trào hoạt động Hội. (Trong ảnh: Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Sen Phương tham gia nấu cơm phục vụ các chốt phòng,chống dịch trên địa bàn).Sau 1 năm sáp nhập, dù phải kiêm nhiệm nhiều việc, phụ cấp không tăng, cán bộ Hội LHPN xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ vẫn nỗ lực vượt khó, giữ vững phong trào hoạt động Hội. (Trong ảnh: Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Sen Phương tham gia nấu cơm phục vụ các chốt phòng,chống dịch trên địa bàn). (Ảnh: NVCC)

Cần quan tâm phát huy vai trò phụ nữ

Trong thời gian tới, phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội để phát triển song cũng không ít khó khăn, thách thức. Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và 10 Chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) đã được ban hành, xác định mục tiêu xây dựng thành phố xanh, thông minh, hiện đại; Triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thành phố, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân Thủ đô trong đó có bản thân từng phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ Thành phố.

Đánh giá của Hội LHPN Hà Nội cho thấy, kết quả cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 về cơ bản đã đạt và tăng so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số quận, huyện và cơ sở chưa đảm bảo tỷ lệ nữ cấp ủy từ 15% trở lên, có đơn vị không có nữ tham gia BTV. Trong các nguyên nhân được chỉ ra, có nguyên nhân một số cơ sở giảm số lượng ủy viên ban chấp hành (9 đến 11 người) nên có địa phương không có cơ cấu Hội Phụ nữ tham gia cấp ủy (huyện Thạch Thất); Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn chưa đầy đủ; Một số địa phương còn bị động về nguồn cán bộ nữ...

Theo đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, để làm tốt công tác cán bộ Hội, bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong giai đoạn tới, Hội LHPN Hà Nội đã đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện Đề án công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ của thành phố. Quan tâm chỉ đạo cấp ủy các cấp quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10/5/2018 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ của thành phố Hà Nội trong tình hình mới, trong đó quan tâm công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển để cán bộ nữ có điều kiện được rèn luyện, trưởng thành.

Trong thực hiện Đề án 21-ĐA/TU, Thành ủy quan tâm chế độ chính sách đối với cán bộ thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp theo Đề án; Ban hành cơ chế, chính sách xét chuyển công chức với vị trí trưởng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của phường khi chuyển đổi mô hình Chính quyền đô thị.

Hội đề xuất với Trung ương Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu đề xuất với Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết về đổi mới, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Bên cạnh đó, quan tâm khen thưởng động viên đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách các cấp, đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở, tăng tỷ lệ khen thưởng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và cán bộ Chi, tổ Hội…

Về phía Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN phụ nữ các cấp và chi hội trưởng giai đoạn 2019-2025 (Đề án 1893). Hàng năm, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng công tác Hội cho 100% cán bộ Hội các cấp; Chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu, phát hiện vấn đề, kỹ năng công tác Hội, kiến thức về chuyển đổi số và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách; Tham mưu đề xuất kịp thời, hiệu quả các chế độ, chính sách đối với cán bộ Hội...

Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động Hội trong giai đoạn tới, cán bộ Hội chuyên trách các cấp sẽ thực hiện “3 cùng” với Chi hội: “Cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo”. Đồng thời, đây cũng là mong muốn của các cán bộ, hội viên phụ nữ được cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lắng nghe, giúp chị em tháo gỡ các khó khăn, trong đó có khó khăn trong công tác cán bộ - nhân tố then chốt góp phần xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh.

HOÀNG LAN - THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.