Lồng ghép trợ giúp phụ nữ khuyết tật với hoạt động Hội

Chia sẻ

Nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách xã hội liên quan đến phụ nữ khuyết tật, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương “Không để phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau”, Hội LHPN Việt Nam vừa xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của các cấp Hội trong thực hiện công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội thăm, tặng quà PNKT tại huyện Mê LinhĐồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội thăm, tặng quà PNKT tại huyện Mê Linh

Theo bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình Xã hội, TW Hội LHPN Việt Nam, Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa hoạt động của các cấp Hội phụ nữ thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư; Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong tham mưu thực hiện các hoạt động trợ giúp phụ nữ khuyết tật (PNKT). Khi xây dựng Chương trình, Hội LHPN Việt Nam đặt ra yêu cầu việc tham mưu hoạt động trợ giúp PNKT sẽ được lồng ghép trong các nhiệm vụ chính trị của từng cấp Hội. PNKT không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà còn cần được tham gia bình đẳng trong các hoạt động xã hội của Hội bằng các hình thức đa dạng, phù hợp vùng, miền, đối tượng. Đặc biệt, căn cứ để xây dựng Chương trình hành động được dựa trên quyền của người khuyết tật thay vì theo hướng nhân đạo, từ thiện.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hội LHPN Việt Nam đặt ra mục tiêu 60% PNKT được Hội trợ giúp bằng các hình thức khác nhau. Cụ thể, mỗi năm Hội PN cấp cơ sở sẽ giúp ít nhất 1 PNKT/gia đình PNKT về sinh kế, nâng cao năng lực, xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, xây dựng mái ấm tình thương… Trong giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ PNKT được Hội trợ giúp sẽ tăng lên 80%.

Để có thể thực hiện các mục tiêu này, Hội LHPN Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp, trước tiên là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ Hội, hội viên phụ nữ và cộng đồng về thực hiện công tác trợ giúp PNKT. Bên cạnh đó, các cấp Hội cần nâng cao chất lượng hỗ trợ PNKT thông qua các hình thức như hỗ trợ PNKT nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ PNKT tiếp cận các dịch vụ xã hội… Ngoài ra, Hội cũng cần thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách hỗ trợ, phát huy năng lực của PNKT.

Góp ý vào Dự thảo Chương trình Hành động, bà Đỗ Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho rằng việc ban hành một Chương trình Hành động hỗ trợ PNKT là rất cần thiết vì PNKT chiếm tới 58% trong nhóm người khuyết tật. Bà Huyền đồng tình cho rằng muốn triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ PNKT trước tiên cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về người KT. “Tôi biết một chị PNKT được mời tham dự một chương trình vinh danh phụ nữ tiêu biểu. Sau đó, có người đã gọi vui chị là tàn tật mà cũng giỏi ghê. Câu nói ấy tưởng như bình thường, nhưng thực ra lại đang ẩn chứa định kiến về NKT”, chị Huyền chia sẻ câu chuyện để chứng minh vẫn còn nhiều rào cản trong nhận thức của cộng đồng về người KT cần được xóa bỏ.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam đề xuất, trong Chương trình hành động, không chỉ tập trung nâng cao nhận thức, hỗ trợ kỹ năng cho cộng đồng mà còn dành cho chính các PNKT để qua đó, PNKT cũng có thể tự tin vươn lên trong cuộc sống...

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển cộng đồng ACDC lại mong muốn trong Chương trình hành động, bên cạnh chỉ tiêu tỷ lệ PNKT được Hội trợ giúp, còn bổ sung thêm chỉ tiêu về sự tham gia của PNKT ở các cấp Hội. Tới đây, các CLB PNKT, CLB PN Tự lực sẽ cũng được công nhận là Chi hội PN của Hội PN. Như vậy, PNKT sẽ được nhận sự trợ giúp nhiều hơn của tổ chức Hội.

Bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Gia đình Xã hội Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ là cơ sở để Hội tiếp thu hoàn thiện chương trình Hành động, cũng nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội trong thực hiện chính sách xã hội liên quan đến PNKT.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

(PNTĐ) - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024),  Hội LHPN quận  Hoàng Mai phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho 250 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.