Sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”

Mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu“

THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau 2 năm triển khai, chương trình "Mẹ đỡ đầu" do TƯ Hội LHPN Việt Nam triển khai đã được 100% Hội LHPN tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lan toả sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội.

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết toàn quốc 2 năm thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Chương trình được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 35 tỉnh/thành trong cả nước với sự tham gia của các đại biểu, đại diện lãnh đạo các Bộ/ngành liên quan, lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, đại diện lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh/thành, các đơn vị đồng hành, tổ chức quốc tế…

Mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu“ - ảnh 1
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại chương trình sáng 24/11

Đồng hành cùng trẻ mồ côi

Sau 2 năm triển khai, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được 100% Hội LHPN tỉnh/thành phố, đơn vị trực thuộc hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình đã nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lan toả sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành cùng với tổ chức Hội. Bên cạnh đó, sự vào cuộc kịp thời, nhanh chóng và đầy quyết tâm của Hội LHPN các cấp với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực, dựa trên thực tiễn của từng địa phương đã bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do covid -19 trên địa bàn có mẹ đỡ đầu, nhiều tỉnh/thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do Covid -19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác; nhiều “Mẹ đỡ đầu” đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học 9 ; hầu hết các trẻ mồ côi do covid -19 có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước đã được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời. Đến nay, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, nhiều “Mẹ đỡ đầu” đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học. Qua kết nối của T.Ư Hội LHPN Việt Nam, đến nay qua đã có 34 “Mẹ đỡ đầu” tại châu Âu cam kết nhận hỗ trợ, chăm sóc 56 con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền. Trong quá trình triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội đã sáng tạo, linh hoạt khai thác thế mạnh của mạng xã hội (zalo, facebook, website của Hội…) để tập trung thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia thực hiện Chương trình với nhiều hoạt động phù hợp, sát với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường tình thân gia đình…

Nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao như: đưa nội dung thực hiện Chương trình là một tiêu chí trong các tiêu chí thi đua của các cấp Hội ; tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu cụ thể đỡ đầu cho đơn vị thực thuộc; kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức chăm sóc sức khỏe, đào tạo dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp ; mô hình thu gom phế liệu để có nguồn lực hỗ trợ cho con mồ côi.

Nhiều tỉnh/thành đã phát huy được vai trò của mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, Việt kiều... kết nối hiệu quả “Mẹ đỡ đầu” ở xa với “Mẹ đỡ đầu” trực tiếp và trẻ mồ côi...

Nhiều cách làm hay, sáng tạo thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu"

Tại hội nghị, các đại biểu  Bộ, ngành, Hội LHPN các tỉnh/thành, không chỉ có những bà mẹ mà các ông bố đỡ đầu đã trao đổi, chia sẻ những mô hình, cách làm, mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu". Tất cả đều hướng đến mục tiêu lan toả một hoạt động nhân văn, đem hơi ấm tình người đến với trẻ mồ côi, khích lệ các em tiến lên trong cuộc sống.

Mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu“ - ảnh 2
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng, Công tác Chính trị, Trưởng ban Phụ nữ Công an, Bộ Công an phát biểu tại hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các tỉnh thành trong cả nước

Thiếu tướng Ngô Hoài Thu - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng, Công tác Chính trị, Trưởng ban Phụ nữ Công an, Bộ Công an cho biết: Sau gần 2 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:1.886 cháu mồ côi do các nguyên nhân khác nhau được các cấp Hội Phụ nữ Công an nhân dân nhận đỡ đầu nuôi dưỡng, trong đó có 307 cháu mồ côi cả bố và mẹ, 315 cháu là người dân tộc thiểu số; 45 cháu là con liệt sĩ; 09 cháu có bố mẹ đang thi hành án phạt tù; một số cháu là nạn nhân của các loại tội phạm; nhiều cháu đang mắc bệnh hiểm nghèo… Các mẹ đỡ đầu thường xuyên thăm hỏi động viên, nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe, học tập của các cháu, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt thường ngày của các con, thường xuyên tâm tình, giải tỏa tâm lý, tạo niềm tin vào tương lai cho trẻ. Hàng tháng hỗ trợ kinh phí sinh hoạt với mức trung bình từ 500.000 – 1.500.000 đồng/1 tháng/1 cháu tới khi các con tròn 18 tuổi; tặng quà là đồ dùng học tập, quần áo, đồ dùng thiết yếu; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn học tập. Tính đến thời điểm hiện tại, các cấp hội trong Phụ nữ Công an nhân dân đã đóng góp và vận động gần 23 tỷ đồng để nuôi dưỡng các con được đỡ đầu.

Ông Nguyễn Viết Dũng, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết:  Hưởng ứng Chương trình Mẹ đỡ đầu, cấp uỷ huyện Hương Sơn đã gương mẫu đi đầu. Đồng chí Bí thư, PBT Huyện uỷ đã tiên phong trong nhận đỡ đầu và cùng các đồng chí Uỷ viên BTV Huyện ủy cùng nhận đỡ đầu, dành tình yêu thương cho 14 cháu mồ côi. Ngoài việc trực tiếp nhận đỡ đầu, cấp ủy, chính quyền huyện đồng hành cùng Hội trong việc kêu gọi, kết nối doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê, trích từ quỹ bảo trợ trẻ em của huyện để triển khai Chương trình đạt hiệu quả. Đến nay 59 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu với số tiền cam kết hỗ trợ gần 800 triệu đồng."Là người trực tiếp nhận đỡ đầu 01 trẻ mồ côi, tôi nhận thấy cái được lớn nhất ở Chương trình không chỉ dừng lại ở số con, số tiền hỗ trợ mà là tình yêu thương đến từ hai phía. Mỗi lần đến thăm con đỡ đầu, tôi cảm nhận được niềm vui, tình cảm quý mến mà cháu dành cho tôi. Bản thân tôi cũng rất xúc động mỗi khi các con cất tiếng gọi “Bố”; nhìn các con lớn lên từng ngày với sự vô tư, hồn nhiên của con trẻ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để thôi thúc mình phải tiếp tục sống có trách nhiệm hơn nữa và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức quan tâm hơn nữa đến những Chương trình có ý nghĩa nhân văn như thế này", ông Nguyễn Viết Dũng xúc động. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, chia sẻ, ngay khi tiếp nhận báo cáo, đề xuất của Hội LHPN huyện Văn Giang triển khai thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN Việt Nam, Huyện uỷ đã chỉ đạo Hội LHPN huyện rà soát xác định đầy đủ các đối tượng đúng tiêu chí trong địa bàn để các cấp, các ngành của huyện tập trung nguồn lực triển khai chương trình, đảm bảo chăm sóc, động viên tinh thần, hướng dẫn trẻ cách chăm sóc bản thân, giúp các em có được hơi ấm tình thân từ những người mẹ, người cha thứ hai.

Mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu“ - ảnh 3
Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa cho biết: Các cấp Hội luôn chủ động phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để khai thác các nguồn lực thực hiện Chương trình: Với phương châm “Góp gió thành bão”, các cấp Hội có sáng kiến vận động nhiều Mẹ đỡ đầu với mức tiền từ 200.000 – 300.000 đồng/Mẹ trong việc hỗ trợ 01 con mồ côi. Cách làm đó, vừa giảm gánh nặng tài chính cho Mẹ trong việc hỗ trợ các con vừa đảm bảo các con có được nguồn kinh phí đều đặn để duy trì việc học. Ngoài việc vận động các nguồn lực hỗ trợ thường xuyên cho các con, các cấp Hội tỉnh Khánh Hoà khai thác các nguồn lực từ các doanh nghiệp, cá nhân, Ngân hàng Vietcombank, Quỹ Khuyến học Khuyến tài tỉnh, Nhóm Nắng Sài Gòn, Hội Bảo trợ người khuyết tật, Bệnh nhân nghèo và Quyền Trẻ em Khánh Hoà…tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo sân chơi để các con được giao lưu, chia sẻ với Mẹ đỡ đầu như: Gặp mặt, giao lưu với chủ đề “Mẹ đỡ đầu - Hội ngộ Mẹ và con”, “Trao yêu thương - Kết nối tình thân”, “Nâng cánh ước mơ” và tuyên dương học sinh xuất sắc, tiêu biểu....

Tổng giám đốc Công ty Lead Việt Nguyễn Văn Huy, người cha nuôi của 13 cháu mồ côi, xúc động chia sẻ: Là bố của 3 con nhỏ, khi biết về chương trình "Mẹ đỡ đầu", tôi nhận thấy đây là hoạt động thiết thực, nhân văn, tâm niệm sẽ dành một phần thu nhập của mình hỗ trợ cho các cháu mồ côi đang thiếu đi sự nuôi dưỡng và chăm sóc cần thiết để có một tương lai tốt đẹp.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam khẳng định, Cục Trẻ em sẵn sàng phối hợp với TƯ Hội LHPN Việt Nam để mở các lớp tập huấn cho các cha mẹ đỡ đầu, đặc biệt là những bố mẹ đưa trẻ về nhà chăm sóc trong gia đình, có sự tư vấn và giám sát thường xuyên. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam biểu dương và ghi nhận đánh giá cao sự vào cuộc bằng tất cả tấm lòng vào chương trình "Mẹ đỡ đầu", của các cấp Bộ ngành, của Hội LHPN các tỉnh thành và của các ông bố, mẹ đỡ đầu  khiến cho chương trình triển khai trong một thời gian ngắn nhưng lan toả nhanh chóng với hiệu quả cao. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cũng chỉ rõ những thách thức, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình thời gian tới. Việc theo dõi, giám sát, hỗ trợ trẻ mồ côi có thể bị thay đổi nguồn lực, bị ngắt quãng, không đảm bảo hỗ trợ đầy đủ, toàn diện lâu dài cho các con. "Nhiều người cùng chung tay sẽ tạo nên sức mạnh. Hành trình "Mẹ đỡ đầu" đã và đang sẻ chia yêu thương đến với các con mồ côi, để cùng nhau bù đắp với quyết tâm mang đến cho các con một mái ấm tình thân, giúp các con tiếp tục vượt qua chông gai, vững vàng đi tới tương lai", bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh. 

Mỗi địa phương đều có những cách làm hay, sáng tạo thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu“ - ảnh 4
Các đại biểu tham dự chương trình sáng 24/11/2023

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

(PNTĐ) - Ngày 22/11, tại quận Hoàng Mai, Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024; diễn đàn “Phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ” nhằm kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ thành phố và cộng đồng chung tay hành động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái góp phần đảm bảo bình đẳng giới thực chất.
Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Trao yêu thương tới phụ nữ, trẻ em khó khăn

Các cấp Hội LHPN Hà Nội: Trao yêu thương tới phụ nữ, trẻ em khó khăn

(PNTĐ) - Để hỗ trợ những gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có “mái ấm” khang trang, sạch đẹp, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã phát huy nội lực, tích cực vận động kinh phí xã hội hóa để xây, sửa hàng trăm mái ấm tình thương. Sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Cụm thi đua số II: Cán bộ, hội viên phụ nữ tự hào vì được góp sức làm đẹp thành phố

Cụm thi đua số II: Cán bộ, hội viên phụ nữ tự hào vì được góp sức làm đẹp thành phố

(PNTĐ) - Trong ngày 21/11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương dẫn đầu đã tiến hành đánh giá, chấm điểm cuộc thi “Đoạn đường/Tuyến phố bích họa/Nở hoa” do các cấp hội Phụ nữ tự quản năm 2024 tại cụm số II, gồm các địa bàn: Quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông và Cầu Giấy.