Mỗi phụ nữ là một tuyên truyền viên an toàn thực phẩm

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tọa đàm “An toàn vệ sinh thực phẩm - Trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng” do Hội LHPN Hà Nội tổ chức ngày 11/5/2022 đã khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong tuyên truyền, vận động thực hiện sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn.

Nhiều mô hình ATTP có vai trò của tổ chức Hội

Đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Thực hiện chỉ đạo của TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các cấp Hội trên địa bàn triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm với các mô hình phù hợp với đặc thù của tổ chức Hội.

Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện và cơ sở xây dựng 1.600 chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm thu hút 57.405 hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia. Nổi bật như các mô hình: “Kinh doanh thủy sản an toàn tại chợ cá Yên Sở” quận Hoàng Mai; mô hình “Phụ nữ hiểu biết và tiêu dùng thực phẩm an toàn” tại quận Ba Đình; “Ăn sạch, sống xanh” tại quận Hai Bà Trưng; “Kinh doanh an toàn thực phẩm tươi sống” tại quận Hà Đông; mô hình rau xanh tại hộ gia đình quận Đống Đa; mô hình “Làng nghề sản xuất bánh chưng, bánh dày đảm bảo an toàn thực phẩm” tại huyện Thanh Trì… Các cấp Hội cũng chú trọng xây dựng và thực hiện các mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các làng nghề, ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: Sản xuất bánh kẹo, giò chả, các loại bánh, bún, miến…; các hộ sản xuất, kinh doanh được tập huấn, ký cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội LHPN xã Cát Quế, huyện Hoài Đức: Cát Quế là xã có nhiều nghề liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông sản như sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm, chế biến bún phở khô… Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Hội LHPN huyện, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình “Chi hội thay đổi hành vi trong ATTP ” về sản xuất rau an toàn tại chi hội Cát Ngòi. Từ 30 thành viên hiện nay mô hình đã tăng lên thành 68 thành viên. Hội cũng đã nhân rộng thêm 2 mô hình chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm tại chi hội 8 và chi hội 9. Qua 3 năm thực hiện, các mô hình đều đạt kết quả tốt. 

Mỗi phụ nữ là một tuyên truyền viên an toàn thực phẩm - ảnh 1
Đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm

ATTP đem lại nhiều lợi ích

Từ góc độ của hộ sản xuất kinh doanh, chị Nguyễn Thị Đôn - Hội viên Chi hội Phụ nữ 10, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: Toàn xã Hạ Mỗ hiện có trên 250 hộ sản xuất kinh doanh đậu phụ. Nhận thức “an toàn thực phẩm” là rất quan trọng, các hộ đều đảm bảo vệ sinh ATTP từ việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào tới quá trình sản xuất.

Các hộ dân còn được tham gia các buổi tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh. Theo chị Đôn, chính việc sản xuất đảm bảo ATTP đã giúp nghề đậu phụ phát triển. Mỗi ngày trung bình 1 hộ sản xuất từ 35-40kg đậu tương, thu về từ 300.000-500.000 đồng/ngày. 

Trong khi đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh bún phở khô tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức do chị Nguyễn Thị Hải làm chủ, mỗi ngày sản xuất từ 1-1,2 tấn, xuất đi các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ và xuất khẩu ra nước ngoài. Từ khi bắt đầu thành lập cơ sở, chị đã hiểu rất rõ việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh có vai trò quan trọng không chỉ với sức khỏe của mỗi cá nhân, cộng đồng mà còn giúp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và sự tồn tại của cơ sở. Để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở của chị rất coi trọng việc lựa chọn nguyên liệu sạch, an toàn, chế biến bằng máy móc theo quy trình khép kín. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, đồng thời cũng là chủ mô hình trồng rau thủy canh, xuất phát từ nhu cầu của một người nội trợ cần thực phẩm sạch cho gia đình, năm 2019, chị đã đi thăm quan, học hỏi, xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới với 2 mô hình kết hợp, là trồng thủy canh và trồng theo hướng hữu cơ. Đây cũng là mô hình trồng rau công nghệ cao đầu tiên của xã Long Xuyên và của huyện Phúc Thọ. Đến nay, trang trại đã đi vào hoạt động gần 3 năm, mang lại thu nhập cho gia đình chị và tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ. Là cán bộ phụ nữ, chị lại hướng dẫn, giúp đỡ các chị em hội viên phụ nữ có ý tưởng xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản sạch.

Dù ở cương vị nào, người tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh hay cán bộ Hội thì người phụ nữ đều có thể phát huy vai trò trong triển khai hiệu quả ATTP, đem lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

(PNTĐ) - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024),  Hội LHPN quận  Hoàng Mai phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho 250 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.