Môi trường sạch xanh nhờ bàn tay hội viên phụ nữ
(PNTĐ) - Những năm qua, phát huy vai trò của phụ nữ, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực thực hiện nhiều phong trào thi đua, thành lập nhiều mô hình bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp văn minh.
Tích cực vận động phân loại rác thải tại nguồn
Năm 2023 là năm bản lề huyện Thanh Oai tập trung các chỉ tiêu để về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, nỗ lực phấn đấu lên quận năm 2028 đến năm 2030. Theo chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai, những năm gần đây Huyện Hội đã tập trung nhiều mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, tham gia nhiều nội dung trong tiêu chí về môi trường. Trong đó, mô hình “Phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình” đã và đang triển khai thu hút sự tham gia tích cực của hội viên phụ nữ.
Theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thành Hội và UBND huyện, Hội LHPN đã phối hợp với phòng Tài nguyên môi trường tham mưu UBND huyện triển khai Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 28/6/2022 của UBND huyện Thanh Oai về thí điểm mô hình phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn và làm điểm ở 40 hộ tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương.
Cuối năm 2022, Huyện Hội tham mưu UBND Thanh Oai tổ chức lớp tập huấn cho hơn 300 lãnh đạo, cán bộ từ huyện tới cơ sở, tổ chức toạ đàm về công tác bảo vệ môi trường; Hội còn tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như: Ra quân dọn vệ sinh trồng cây xanh, hoa thực hiện mô hình “Trồng vườn hoa thay thế điểm rác thải”, thực hiện điểm mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy màu xanh”, phát túi đi chợ thân thiện với môi trường…

Cùng với đó, Hội LHPN huyện đã tổ chức tham quan, học tập mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh). Sau khi kiểm tra, đánh giá mô hình điểm, Thanh Oai đã tập trung triển khai kế hoạch, chỉ đạo các xã rà soát các hộ có nhu cầu, có vườn để triển khai, mỗi chi từ 30 đến 40 hộ làm điểm. Tính đến hết tháng 11/2023 mô hình đã được nhân rộng hơn 1.350 hộ/35 chi của 17/21 xã, thị trấn. Mô hình đã huy động sự vào cuộc tích cực của cán bộ, hội viên, Nhân dân.
“Hiện, Hội Phụ nữ đã nhân rộng mô hình bằng cách xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở, triển khai tới các trường mầm non, học sinh các trường THCS, THPT, dựng clip mô hình, với công thức 1x5 hoặc 1x10 (nghĩa là 1 thành viên làm thành công sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn, phụ trách đôn đốc, kiểm tra 5 hoặc 10 hộ gia đình khác). Trong thời gian tới, Huyện Hội sẽ tiếp tục nhân rộng hơn nữa, phối hợp với các đoàn thể khác cố gắng hoàn thành mục tiêu đạt 50% số hộ trên địa bàn cấp xã thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn”, chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai chia sẻ.
Nhiều cách làm hay trong bảo vệ môi trường
Năm 2020, huyện Phú Xuyên về đích nông thôn mới. Năm 2022, huyện có 3 xã về đích nông thôn mới nâng cao. Chị Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên cho biết: Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp tích cực của tổ chức Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, công tác vệ sinh môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” do Thành Hội triển khai.

Theo đó, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội LHPN huyện Phú Xuyên đã triển khai thực hiện điểm mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình” tại 3 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao là xã: Tri Trung, Đại Thắng, Phúc Tiến. Một trong những thuận lợi khi triển khai mô hình đó là, kinh phí mua men vi sinh hợp lý, không quá đắt, một số đơn vị chị em có thể tự làm men vi sinh IMO từ nguyên liệu sẵn có rất đơn giản để xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình.
Thiết bị dùng để ủ rác có thể tận dụng từ các đồ dùng sẵn có trong gia đình như: thùng nhựa, thùng sơn, chum, vại, một số hộ đào hố ủ tại vườn. Tính đến tháng 12/2023, mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình” huyện Phú Xuyên đã triển khai tại 25/27 xã, thị trấn với tổng số 513 hộ tham gia, các cấp Hội hỗ trợ thùng nhựa và men vi sinh, thiết bị thực hiện mô hình trị giá 205 triệu đồng.
Có thể nhận thấy, từ mô hình điểm đã xuất hiện thêm nhiều mô hình, cách làm sáng tạo từ việc phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình như: Các mô hình trồng cây, trồng hoa trên các phế liệu gồm chai, lọ nhựa đã qua sử dụng, tạo thói quen hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, ưu tiên các sản phẩm an toàn, bền vững.
Mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ vòng tay nhân ái” được lan tỏa thực hiện tốt, sản phẩm từ việc phân loại rác, được các chị em thu gom, bán lấy tiền gây quỹ từ thiện với kinh phí thu được 438 triệu đồng giúp thăm hỏi, tặng quà phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Tương tự, tại huyện Thạch Thất, năm 2020 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2022, huyện có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Chị Khuất Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất cho biết: Năm 2023, Hội LHPN được UBND huyện quan tâm hỗ trợ 150 triệu để triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”. Hội đã tổ chức ra mắt các mô hình phân loại rác thải tại các hộ gia đình; trao tặng thùng chứa rác; ra mắt các mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch ở các xã Đại Đồng, Phú Kim, Hương Ngải; thí điểm xây dựng mô hình gia đình “5 có, 3 sạch” ở xã Đại Đồng...
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ đã ra quân vệ sinh môi trường và duy trì vệ sinh môi trường tại 291 đoạn đường phụ nữ tự quản vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần; trồng mới 8 đoạn đường hoa; vẽ 38 tường tranh bích hoạ với tổng kinh phí 155,6 triệu đồng.

Tương tự, với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo đổi mới, phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Hội LHPN các đơn vị như Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh… đã và đang tích cực tham gia bảo vệ môi trường, triển khai thực hiện với nhiều nội dung hình thức phong phú như: Xây dựng các mô hình: “Sạch đường làng”, “Sạch đồng ruộng”, “Đoạn đường xanh - sạch - đẹp - nở hoa”, “Nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường”, “Tường tranh bích họa”, “Đẹp nhà, sạch ngõ”, “Thu gom phế liệu gây quỹ vòng tay nhân ái”, “Đổi phế liệu, lấy màu xanh”, “Thùng rác thân thiện”…
Những mô hình thiết thực trên đã được các cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng, triển khai, qua đó góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.