Hội LHPN Việt Nam:
Nâng cao chất lượng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, mua bán
(PNTĐ) - Sáng ngày 27/6, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác điều phối và chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, mua bán” nhằm chia sẻ kinh nghiệm, quy trình và cách thức hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán, những khó khăn, cách làm và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, bị mua bán

Phát biểu tại hội thảo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết: Theo số liệu từ Bộ Công an, từ năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh 8.112 nạn nhân. Nếu tính từ khi thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người (năm 2004) đến nay, có 13.857 nạn nhân bị mua bán. Phân tích về tình hình nạn nhân cho thấy chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%).

Trước thực trạng đó, từ nhiều năm nay, TƯ Hội đã ban hành Quy định và hướng dẫn Hội LHPN Phụ nữ Việt Nam các cấp tham gia giải quyết các vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Tăng cường phối hợp thông qua ký kết và thực hiện tốt các Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em (Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp...). Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng nói chung về bạo lực giới, buôn bán phụ nữ, cũng như các vấn đề nổi cộm khác.

Bên cạnh những nỗ lực được ghi nhận, công tác phòng chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ còn nhiều khó khăn và hạn chế. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn ít kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực này. Sự phối hợp giữa các ban ngành liên quan nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, mua bán đối với phụ nữ chưa được chặt chẽ.
Xuất phát từ những bất cập nêu trên, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UNWomen tiến hành khảo sát, đánh giá về tình hình di cư lao động tại các địa phương, phân tích các vấn đề và nguy cơ liên quan, khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các dịch vụ hỗ trợ cho quá trình di cư của họ…Kết quả nghiên cứu cho thấy, mong muốn của đa số phụ nữ di cư lao động nước ngoài tham gia khảo sát là được tập huấn các kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ, quy định luật pháp nước sở tại, các kỹ năng phòng tránh xâm hại, bạo lực cũng như cách thức liên hệ với chính quyền, cơ quan, tổ chức khi xảy ra sự việc.
Từ kết quả nghiên cứu và rà soát các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 liên quan đến trách nhiệm của các ngành, trong đó có Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Hội LHPN Việt Nam và UNWomen phối hợp xây dựng “Hướng dẫn quy trình và cách thức (SOP) hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người” dành cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp.

Phát biểu tại hội thảo, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: Theo báo cáo từ một nghiên cứu của UN Women và Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện năm 2017, nạn nhân bị bạo lực không trình báo vụ việc với cơ quan hành pháp hoặc tìm kiếm trợ giúp pháp lý do một số rào cản văn hóa và xã hội (Sự kỳ thị, áp lực của gia đình, lo ngại rằng nếu họ trình báo sẽ dẫn đến ly hôn hoặc có tác động tiêu cực đến công việc trong tương lai của con cái...), cũng như các rào cản pháp lý và thể chế ( thiếu sự riêng tư, lo ngại về vấn đề bảo vệ, thủ tục phức tạp... ), là một trong những điều kiện đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trong lĩnh vực di cư lao động, lao động nữ di cư cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới. Lao động nữ di cư đặc biệt có nguy cơ bị phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức vì lý do sắc tộc, dân tộc, quốc tịch, tuổi tác, tình trạng di cư hoặc các đặc điểm khác liên quan đến giới hoặc giới tính.
Việc thiếu khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về các kênh di cư hợp pháp, các điều khoản và điều kiện làm việc và các khoản phí dịch vụ cao khiến họ dễ trở thành nạn nhân bị mua bán hơn và đặt họ vào nguy cơ bị bạo lực thể xác, tinh thần và tình dục cao hơn....
"Phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực cần được tiếp cận các dịch vụ toàn diện như dịch vụ y tế, tư pháp, hành pháp và các dịch vụ xã hội khác. Việc thiếu khả năng tiếp cận bất kỳ dịch vụ nào trong số này có thể dẫn đến việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ không hiệu quả...
Cán bộ Hội Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Tuy vậy, theo như Hướng dẫn quy trình và cách thức hỗ trợ (SOP) và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán người dành cho cán bộ Hội LHPN các cấp, sự tham gia tích cực của các ban ngành khác như ngành Hành pháp và Tư pháp, Dịch vụ Xã hội, Y tế... cũng vô cùng quan trọng. Tôi rất mong nhận được cam kết mạnh mẽ của các quý vị trong việc đẩy mạnh hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để hỗ trợ đầy đủ cho các nạn nhân bị bạo lực", bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quy trình và cách thức hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực và mua bán trên thực tế; những khó khăn, cách làm và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, bị mua bán...Từ đó hướng tới thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành trong việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, cùng là yếu tố then chốt để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.