Nâng cao kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(PNTĐ) - Ngày 21/8/2024, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở; tập huấn kiến thức, kĩ năng cho địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Đối tượng tham dự tập huấn là gần 100 thành viên địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở thuộc 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, huyện Thạch Thất.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Hội nghị tập huấn, báo cáo viên là bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Chính sách Luật pháp, Hội LHPN Hà Nội đã giúp các đại biểu hiểu rõ các nội dung trong Dự án 8. Cụ thể dự án 8 có mục tiêu là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Địa bàn thực hiện dự án ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bà Dương Lý Anh cũng cung cấp tổng quan chung về tình hình bạo lực gia đình hiện nay. Theo đó, năm 2023 Hà Nội có 45 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, bạo lực thể xác chiếm đa số; 17.503 vụ việc về hôn nhân gia đình (tăng 105 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Các tranh chấp về hôn nhân gia đình chủ yếu từ mâu thuẫn gia đình, bạo lực, ngoại tình, nghiện cờ bạc rượu chè, mâu thuẫn kinh tế. Nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện năm 2019 và Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, cả nước có 62,9 % phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời; 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ; 69% trẻ em đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào, như đánh, đấm, đạp, tát… 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực; bạo lực với người cao tuổi như “bỏ mặc không quan tâm về tình cảm” chiếm 10,2%.
Theo báo cáo viên, nguyên nhân của bạo lực gia đình do sự bất bình đẳng giới, định kiến giới; nhận thức, kỹ năng, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại của phụ nữ, trẻ em và cộng đồng chưa cao (dễ bị dụ dỗ…); việc phát hiện, thu thập chứng cứ, xử lý vi phạm vẫn còn những hạn chế...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nâng cao kiến thức về bình đẳng giới. Theo đó, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình; được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Cùng với đó, báo cáo viên cũng tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Cách bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng chống bạo lực gia đình; Làm rõ các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình; hướng dẫn thành lập và vận hành “Địa chỉ tin cậy”; trang bị kỹ năng phát hiện nạn nhân bị bạo lực gia đình...
Về các quy trình hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, người tiếp cận có thể là cán bộ Hội Phụ nữ, thành viên Tổ hòa giải, trưởng thôn/bản, người thân hoặc bất cứ ai có thể chủ động dùng các kỹ năng cá nhân để gặp gỡ, nói chuyện, quan sát, lắng nghe... để sàng lọc phát hiện sớm nạn nhân bạo lực, người có nguy cơ bị bạo lực hoặc người tiếp cận/tiếp nhận thông tin về vụ việc hoặc thông qua quan sát để sàng lọc, phát hiện sớm người có bạo lực/người có nguy cơ bị bạo lực;
Người tiếp cận có thể hỗ trợ tại chỗ như: Ngăn chặn bạo lực: Thông tin cho các thành viên trong mạng lưới để có hỗ trợ kịp thời, đảm bảo người gây bạo lực không tiếp cận để gây bạo lực nạn nhân hoặc giảm căng thẳng giữa 2 bên. Tư vấn, cung cấp thông tin cho người bị bạo lực về giảm căng thẳng; Cung cấp thông tin các dịch vụ trợ giúp có thể cho người bị bạo lực tại cộng đồng, cơ sở pháp lý bảo vệ cho người bị bạo lực; Thu xếp chỗ ở cho người bị bạo lực hoặc kết nối với địa chỉ tin cậy cộng đồng để đến tạm lánh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi với chuyên gia để làm rõ hơn nội dung liên quan.