Nâng cao năng lực cho gần 100 nữ lãnh đạo, thành viên hợp tác xã/tổ hợp tác
(PNTĐ) -Sáng 25/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức khai mạc hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho ban lãnh đạo, thành viên hợp tác xã/tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý năm 2023.
Dự hội nghị có, bà Nguyễn Thị Quỳnh Linh, Chuyên viên chính ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam; bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN. Hội nghị được tổ chức thành 2 lớp với hai giảng viên là TS Ninh Đức Hùng,Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp; Thạc sĩ Nguyễn Thị Vịnh, Trưởng phòng Đào tạo, Công ty cổ phần Đào tạo và tư vấn Kinh Bắc.
Tham gia lớp học là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội, chủ tịch/phó chủ tịch Hội LHPN 30 quận/huyện/thị xã lãnh đạo, thành viên HTX/THT (hợp tác xã/tổ hợp tác) 10 quận, huyện gồm; Long Biên, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Ba Vì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Hoài Đức, 60 chị là Lãnh đạo, thành viên của 17 HTX và 23 chị là thành viên của 12 Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tập thể; những năm qua Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ toàn Thành phố tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, đồng thời chủ động hỗ trợ thành lập và vận hành hoạt động của mô hình HTX/THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.
Tính đến ngày 20/4/2023, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 20 hợp tác xã, 30 tổ hợp tác. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ các sản phẩm từ các HTX/THT do phụ nữ làm chủ.
Từ sự hỗ trợ của Hội nhiều HTX/THT đã chủ động tăng quy mô sản xuất, thu hút thêm thành viên; mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi và phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, định hình thương hiệu trên thị trường như: HTX Tâm Ngọc (huyện Sóc Sơn) với 3 sản phẩm về trà Thảo dược đạt tiêu chuẩn OCOP 4*; HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) xây dựng nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến"…
Bà Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh: "Tham gia vào việc hỗ trợ, phát triển các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội; đoàn kết, vận động phụ nữ tham gia phát triển kinh tế cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Hoạt động của các HTX/THT do phụ nữ tham gia quản lý/điều hành hiện còn đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước nhiều thách thức mới. Trong đó việc thiếu kiến thức, kỹ năng tổ chức hoạt động và quản lý/điều hành HTX là một trong những nội dung quan trọng, trực tiếp cần được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong đó có tổ chức Hội.
Còn theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Phạm Thị Thanh Hương, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho ban lãnh đạo, thành viên Hợp tác xã/Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn Thành phố năm 2023 gần 100 chị là lãnh đạo, thành viên của 30 HTX, 25 Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn Thành phố.
Bà Phạm Thị Thanh Hương bày tỏ: "Tôi tin tưởng và hy vọng sau lớp tập huấn, chị em sẽ có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong quản lý/điều hành nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, THT; xây dựng thương hiệu sản phẩm và các kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm dịch vụ của mình; tạo nhiều việc làm cho lao động nữ, từ đó sẽ khẳng định được hiệu quả các mô hình kinh tế thị trường do phụ nữ quản lý, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương".
Tại hội nghị tập huấn, giảng viên, Tiến sĩ Ninh Đức Hùng,Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nhấn mạnh: 3 lợi thế lớn nhất của HTX nông nghiệp, thứ nhất là Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX.
Thứ hai, HTX Nông nghiệp là loại hình kinh tế tập thể có nhiều thành viên nhất trong tất cả các loại hình HTX khác. Nhưng lãnh đạo HTX phải biết và biến các thành viên này thành lượng khách hàng nội bộ của HTX.
Thứ ba, khi các thành viên trở thành khách hàng trong nội bộ HTX, thì lúc này tập hợp được diện tích đất rất lớn, đủ để sản xuất ra số lượng sản phẩm lớn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Các đồng chí tham gia hai lớp tập huấn cũng đã có những thảo luận sôi nổi về những vấn đề trong quản lý tài chính và vận hành hoạt động trong HTX.