Hội LHPN Hà Nội:
Năng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Chiều 29/8, trong khuôn khổ lớp tập huấn "Nâng cao kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới cho cán bộ Hội Phụ nữ các cấp”, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng đã tổ chức tạo đàm "Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số".
Tham dự tọa đàm có Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết, Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội và ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng; cùng tham dự là đội ngũ cán bộ Hội LHPN các quận, huyện và các xã miền núi của TP Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận phân tích những rào cản đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Đó là trình độ học vấn, gánh nặng việc nhà, thiếu kiến thức và kỹ năng trong sản xuất kinh doanh, thiếu tiếp cận nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất kinh doanh...

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết, Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trong thời gian qua, TƯ Hội đã tham mưu đề xuất nhiều chương trình, đề án như Đề án của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội và hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ; cụ thể hóa nội dung hỗ trợ phụ nữ trong 3 chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Tuy nhiên hiện nay chị em phụ nữ dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân, chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập, phát triển kinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như giúp chị em vay vốn phát triển sản xuất từ các nguồn vốn vay ưu đãi để triển khai nhiều dự án. Điển hình như từ nguồn vốn Dự án bò sữa của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai tại các xã miền núi của huyện Ba Vì. Với nguồn vốn gốc là 2 tỷ đồng, dự án thực hiện giải ngân cho 80 hộ vay với số tiền 25 triệu đồng/hộ, phát triển kinh tế gia đình làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Hay như dự án "Trồng cây dược liệu dưới tán rừng" được thực hiện tại huyện Ba Vì, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp... Hội LHPN các quận, huyện còn thành lập và ra mắt nhiều mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ không chỉ làm giàu, phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp chị em phụ nữ, lao động trên địa bàn có việc làm ổn định. Tuy nhiên cùng với xu thế phát triển của thời đại công nghệ, nhất là công nghệ 4.0, phụ nữ dân tộc thiểu số đang đối mặt với rào cản trong việc làm quen với công nghệ số, kinh tế số và xã hội số. Do không ít chị em hạn chế về trình độ học vấn, ngôn ngữ và thiếu hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, công nghệ nên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh...

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đến từ Hội LHPN các quận, huyện và các xã miền núi đã chia sẻ những mô hình cách làm hay trong nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; đồng thời chia sẻ những rào cản đối với phụ nữ nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội; khi phụ nữ tham gia làm kinh tế thiếu sự ủng hộ, hợp tác...
Chính vì vậy các đại biểu thống nhất việc phát huy vài trò của tổ chức Hội Phụ nữ tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền và vận động bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số và cộng đồng nhằm thay đổi "nếp nghĩ, nếp làm", góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em gái. Nâng cao kiến thức kỹ năng cho phụ nữ dân tộc thiểu số để trở thành thành viên tích cực và tự tin tham gia các tổ hợp tác sản xuất và khởi nghiệp kinh doanh...
