Người cán bộ Hội trưởng thành từ phong trào Ba đảm đang

Chia sẻ

Từ người buôn bán nhỏ ở chợ Nghệ, thị xã Sơn Tây, được giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia các hoạt động đấu tranh ở cơ sở, bà Phan Thị Biên (sinh năm 1932, trú tại phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây) có nhiều đóng góp thiết thực, ý nghĩa cho công tác Hội và phong trào thi đua do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.

Bà Phan Thị Biên - nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ phường Ngô Quyền, thị xã Sơn TâyBà Phan Thị Biên - nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây

Năm 17 tuổi, cùng với bạn bè đồng trang lứa, bà Phan Thị Biên tham gia buôn bán nhỏ tại chợ Nghệ, chứng kiến chị em phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng của địch, không quản ngại nguy hiểm, bà cùng chị em đứng lên đấu tranh, yêu cầu địch phải nhượng bộ. Năm 1954, hoà bình lập lại, Thị xã ngày đầu giải phóng gặp rất nhiều khó khăn. Ở tuổi 22, bà Phan Thị Biên cùng với chị em cùng nghề buôn, góp vốn thành lập Hợp tác xã (HTX) chỉ khâu Hợp Cảnh – HTX đầu tiên của thị xã, thu hút gần 30 lao động. Đặc biệt, từ năm 1965, chị em phụ nữ trong Hợp tác xã hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua 5 tốt do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với các nội dung: đoàn kết sản xuất tiết kiệm tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt và xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt. Với những kết quả đạt được trong lao động sản xuất và chăm lo gia đình, bà Phan Thị Biên được thay mặt chị em phụ nữ trong hợp tác xã tham dự Đại hội Thi đua Phụ nữ 5 tốt toàn miền Bắc và vinh dự được gặp Bác Hồ.

Năm 1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phát động phong trào Ba đảm nhiệm (sau này là Ba đảm đang). “Từ những thành quả đạt được trong phong trào thi đua 5 tốt, tôi cùng chị em hội viên bắt tay thực hiện phong trào Ba đảm đang với nhiệt huyết cách mạng và say mê sáng tạo. Nhiều phần việc, hoạt động có ý nghĩa thiết thực đã được chị em thực hiện và được các cấp Hội đánh giá cao” – bà Phan Thị Biên chia sẻ.

Bà Biên kể lại: Thời gian này, ở thị xã không có các lớp nhà trẻ, mẫu giáo, được sự đồng ý ủng hộ của gia đình, tôi đã nhường 2 gian nhà của mình để thành lập nhà trẻ, tất cả dụng cụ học tập phục vụ nhà trẻ đều do gia đình tôi lo liệu. Để xây dựng lớp mẫu giáo ở phường, tôi vận động chị em vác tre, gánh than dựng nhà khang trang, thu nhận 40-50 cháu vào học. Ngoài ra, tôi tổ chức các lớp bình dân học vụ, vận động các nhà rộng, trường học buổi tối thành lập 8 lớp trường hội, động viên giáo viên giảng dạy ngoài giờ, nhờ đó nhiều chị em từ chỗ không biết chữ đã biết viết, biết đọc, góp phần nâng cao trình độ học vấn, động viên chị em nỗ lực học hỏi, vươn lên trong cuộc sống.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà Biên là Trung đội phó dân quân tự vệ. Bên cạnh việc cùng chị em tham gia tuần tra canh gác đêm cùng chị em, bà còn thành lập Hội mẹ chiến sỹ, đun nước mang ra các ụ súng chiến đấu hoặc để sẵn phục vụ bộ đội trên đường hành quân qua sử dụng; thu gom quần áo cũ tặng bộ đội lau súng. Khi thị xã Sơn Tây kết nghĩa với thị xã Tây Ninh, bà cùng chị em xây dựng Hũ gạo Tây Ninh, Hộp tiền tiết kiệm Tây Ninh, hàng ngày đi chợ về tiết kiệm được bao nhiêu cho vào hộp; đến bữa nấu ăn, bỏ thêm gạo bỏ vào túi.

Hăng hái đi đầu trong lao động, sản xuất, chiến đấu, bà Phan Thị Biên vẫn dành thời gian tham gia công tác Hội phụ nữ ở địa phương. Từ một tổ trưởng phụ nữ cơ sở, bà đã không ngừng phấn đấu, được chị em tín nhiệm, đề cử tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ phường, sau đó là Hội trưởng Hội Phụ nữ phường Ngô Quyền. Nhờ những kết quả đạt được trong phong trào Ba đảm đang và công tác Hội, bà được vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1967, bà Biên được điều động thoát ly, tham gia công tác ở Ban Công nghiệp tại Uỷ ban thị xã Sơn Tây, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ chi bộ kinh tế.

Năm 1969, gia đình bà động viên 2 trong số 5 người con trai lên đường nhập ngũ và một người con của bà đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, 10 năm sau, cuộc kháng chiến ở biên giới phía Bắc, 2 người con sau của bà theo bước các anh nhập ngũ. Tự hào về truyền thống gia đình cũng như gần 30 năm tham gia công tác Hội, bà Biên ghi nhớ mãi tình cảm ấm áp yêu thương, gắn bó của chị em để bà khắc phục, vươn lên trong cuộc sống.

KIM SƠN

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

Hội LHPN quận Hoàng Mai: Tập huấn chuyên đề về học tập và làm theo Bác Hồ

(PNTĐ) - Thiết thực hưởng ứng các hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024),  Hội LHPN quận  Hoàng Mai phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho 250 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.