Hội LHPN Hà Nội:

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 25/11, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ; mô hình hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội tham dự Hội nghị.

Cùng tham dự có đại diện Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Công an Thành phố, các đoàn thể chính trị TP, Hội LHPN một số quận huyện và đơn vị trực thuộc, đại diện một số mô hình hỗ trợ nạn nhân mua bán người trên địa bàn Thành phố…

Đa dạng các mô hình tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội, nhằm góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên phụ nữ. Năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức tác động đến tư tưởng, đời sống, việc làm, hoạt động của nhiều ngành trong đó có công tác Hội, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, an ninh thế giới, dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, giá cả tăng cao, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 1
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội

Trên cơ sở tổng kết Đề án tuyên truyền pháp luật giai đoạn 2017-2021, Hội đã trình UBND Thành phố ban hành kế hoạch số 36  về Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2026; Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2022-2026”; tiếp tục triển khai Đề án 938 của Chính phủ về Tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trẻ em. Các cấp hội cũng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở tư pháp, Hội luật gia, Đoàn luật sư, các ban ngành, đoàn thể các cấp;  quan tâm ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi trực tiếp và trực tuyến. Một số mô hình tư vấn tuyên truyền pháp luật, phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân tiếp tục được phát huy và nhân rộng.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Lê Kim Anh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ vẫn còn một số khó khăn, thách thức và không ít hạn chế. Để phát huy kết quả đạt được, rút ra kinh nghiệm tiếp tục triển khai trong năm 2023, nhất là trước yêu cầu của giai đoạn mới, một số mô hình tuyên truyền tư vấn pháp luật được xác định trong các đề án như Tủ sách pháp luật điện tử, mô hình “một điểm dừng hỗ trợ ban đầu cho phụ nữ trẻ em bị bạo lực xâm hại”, thông qua hội nghị, Hội LHPN Hà Nội mong muốn ghi nhận các đánh giá khách quan về kết quả công tác phối hợp của Hội với các ngành; việc đổi mới phương thức của Hội; đánh giá hiệu quả các mô hình trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ; mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người tại cơ sở cũng như các giải pháp cần quan tâm tập trung trong thời gian tiếp theo.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 3
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ

Báo cáo Đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho phụ nữ; mô hình hỗ trợ nạn nhân mua bán người cho thấy, bám sát kế hoạch chỉ đạo của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các cấp Hội tập trung đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức 322 cuộc tuyên truyền, truyền thông, hội thảo, tập huấn cho 56.532 lượt người tham dự, trong đó chú trọng đến nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ nông thôn, phụ nữ tôn giáo, các xã xa trung tâm thành phố, ít tiếp cận thông tin pháp luật.

Hội LHPN đã tổ chức các cuộc trực tuyến trên trang Fanpage “Hội LHPN thành phố Hà Nội” và nhiều cuộc thi khác như thi clip, thi tiểu phẩm… để tuyên truyền pháp luật. Cấp huyện tổ chức 07 cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật bám sát chủ đề năm của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và chủ đề năm của Trung ương Hội “Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, gắn với việc triển khai các chương trình, đề án liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật vào các đợt cao điểm hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7; Ngày pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11, Ngày Quốc tế trẻ em gái, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ…

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 4
Một trong nhiều hoạt động sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ của Hội LHPN Hà Nội. (Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội trao giải Nhì cho 2 tập thể đạt giải cuộc thi trực tuyến tìm  hiểu pháp luật về bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình)

Về các mô hình tuyên truyền pháp luật và mô hình hỗ trợ nạn nhân mua bán người, năm 2022, Hội LHPN chỉ đạo triển khai điểm 02 mô hình: Câu lạc bộ “Chủ nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” tại 5 quận, huyện và mô hình Ban Tự quản chung cư an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em tại 3 quận; Duy trì hoạt động của Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em và 2 tổ chuyên gia; tham vấn ý kiến các chuyên gia và thành viên Hội đồng về giải quyết 04 vụ việc phức tạp liên quan đến quyền của phụ nữ, trẻ em.

Các cấp Hội thành lập và duy trì: 184 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật (26 nhóm mới thành lập); 74 tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc liên quan phụ nữ và trẻ em (10 tổ mới thành lập); 438 tủ sách, ngăn sách, túi sách pháp luật (02 tủ sách mới thành lập); 1962 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 15 CLB “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”; 21 CLB “Phụ nữ và gia đình thực hiện ATGT”; CLB “Phụ nữ với công tác xã hội”; CLB “Nói không với bạo lực gia đình”, CLB “Nam giới lên tiếng”, CLB “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ, trẻ em”, CLB “Gia đình nói không với bạo lực”; Tổ hòa giải; mô hình Ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em; Nhóm tư vấn, trợ giúp pháp lí ban đầu; mô hình Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho phụ nữ, trẻ em; CLB Phụ nữ nhập cư, nhóm nòng cốt lao động di cư, điểm cung ứng thông tin cho lao động di cư… Chủ động biên soạn và khai thác tài liệu tuyên truyền pháp luật (25.000 sổ tay tuyên truyền pháp luật, tờ rơi, tờ gấp) đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả các mô hình

Tại Hội  nghị, đại diện các Sở, ngành, Hội LHPN một số quận, huyện, đại diện mô hình trên địa bàn TP đã phát biểu về công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ cũng như kinh nghiệm vận hành hiệu quả các mô hình tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ nạn nhân mua bán người…

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 5
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chương Mỹ

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chương Mỹ cho biết, trong thời gian qua, Huyện Hội đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Trong đó, nổi bật là hoạt động tại xã Ngọc Hòa và Nam Phương Tiến (trong đó xã Ngọc Hòa có khoảng 70% là người dân công giáo) như cung cấp thiết bị tập thể dục ngoài trời; phụ kiện nhà vệ sinh an toàn và trang bị nội thất cho phòng tham vấn tâm lý học đường tại trường THCS; Thành lập quỹ tiết kiệm cộng đồng, cung cấp giống vật nuôi cho 32 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; Tổ chức sinh hoạt CLB phụ nữ tại 2 xã với các chủ đề “Tôi có giá trị”, “Tôi là duy nhất”, “Tôi có thể chọn điều tốt hơn” và “Tôi đang dần trở nên xinh đẹp”; Thành lập và tổ chức 11 buổi sinh hoạt CLB “Nam Giới Tiên Phong” ở 2 xã; Tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho hội viên phụ nữ; Tập huấn về giới và bình đẳng giới cho 78 thành viên CLB Nam giới Tiên phong và cán bộ Hội LHPN của hai xã; Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn tặng 02 sinh kế (bằng con giống, vật nuôi) cho phụ nữ công giáo có hoàn cảnh khó khăn; triển khai các hoạt động có sự tham gia của nam giới là công dân công giáo.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 6
Hội LHPN huyện Chương Mỹ tặng sinh kế (bằng con giống, vật nuôi) cho phụ nữ công giáo có hoàn cảnh khó khăn

Bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm đem tới Hội nghị kinh nghiệm triển khai hiệu quả mô hình nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ nạn nhân mua bán người. Theo đó, từ năm 2021, Huyện Hội đã thành lập điểm 2 CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình” tại 2 xã là Yên Viên và Đông Dư. Mới đây đã thành lập CLB “Nam giới đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em” ở xã Dương Xá. Sau một thời gian vận hành, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về BĐG, HNGD, phòng chống bạo lực gia đình… đã giúp nâng cao hiểu biết cho nam giới. Thống kê 2 năm vừa qua cho thấy, Huyện Hội không nhận được đơn thư nào liên quan đến bạo lực gia đình.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 7
Bà Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm cho biết, Huyện Hội đã thành lập được 5 CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình”. Trong tháng 11 này sẽ thành lập thêm 2 CLB

Bài học kinh nghiệm của Huyện Hội chính là phải huy động sự vào cuộc của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền là nam giới, vận động các đồng chí này tham gia CLB do Hội thành lập. Nhờ đó, tiếng nói của CLB được nâng lên và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền sẽ tuyên truyền vận động nam giới tham gia CLB. Thứ hai, phải lựa chọn chủ đề sinh hoạt CLB đúng, trúng với nhu cầu của nam giới. Hình thức sinh hoạt đa dạng, thời gian sinh hoạt ngắn gọn (chỉ diễn ra khoảng 60 phút)… Từ thành công của mô hình điểm, đến nay, Huyện Hội đã thành lập được 5 CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình”. Trong tháng 11 này sẽ thành lập thêm 2 CLB nữa. Bên cạnh đó, Gia Lâm cũng có 2 CLB hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại xã Đặng Sá và Phù Đổng. Nạn nhân mua bán người trở về địa phương đã được Hội giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng, được hỗ trợ công cụ lao động. Đến nay, các chị đều đã có cuộc sống ổn định, và còn tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do Huyện Hội tổ chức.

Tại Hội nghị, bà Vũ Lan Anh chia sẻ khó khăn khi hỗ trợ nạn nhân mua bán người là thời gian đầu các chị còn có tâm lý sợ bị kỳ thị nên không muốn chia sẻ. Vì vậy, nếu cán bộ Hội không thực sự nhiệt huyết, kiên trì thì sẽ khó giúp đỡ được nạn nhân. Bà Lan Anh đề xuất trong thời gian tới sẽ có thêm các cơ chế chính sách để hỗ trợ nạn nhân mua án người trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực, mua bán người - ảnh 8
Hội LHPN Hà Nội truyền thông "Pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động" tại huyện Đông Anh, tháng 7 năm 2022

Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh (địa bàn có số nữ lao động nhập cư lớn, gần 22.000 người) lại chia sẻ về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ khu công nghiệp và khu chế xuất. Thời gian qua, Huyện  Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thông qua sinh hoạt Chi hội, CLB, tổ nhóm phụ nữ tín dụng - tiết kiệm,  tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi, hội thi... cho 112.056 lượt CBHVPN và phụ nữ khu công nghiệp, khu chế xuất thuê trọ. Hội cũng đã thành lập 3 CLB Nữ công nhân nhập cư sinh hoạt 1 kỳ/tháng với các chủ đề; xây dựng mô hình “Nhà trọ an toàn”, hỗ trợ công nhân nhập cư tiếp cận thông tin về nhà ở, việc làm, đào tạo nghề thông qua 12 điểm cung cấp thông tin có trang bị tủ sách pháp luật, ra mắt ứng dụng “Tìm kiếm Nhà trọ an toàn”, “WE CHECK” trên điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, do địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái; nữ lao động nhập cư đông nhưng thường xuyên di biến động, làm việc theo ca… khiến cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ khu công nghiệp và chế xuất cũng còn gặp một số khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, Huyện Hội sẽ triển khai một số giải pháp như tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, cách thức tuyên truyền PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền trên trang mạng xã hội, các nhóm zalo, facebook của Hội.. Bên cạnh đó là quan tâm đầu tư công tác tập huấn cho cán bộ và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội để nâng cao năng lực và kỹ năng tuyên truyền trong công tác PBGDPL; Tích cực phát hiện, biểu dương và nhân rộng những tập thể, cá nhân cán bộ, hội viên phụ nữ có thành tích trong tuyên truyền PBGDPL...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.