Hội LHPN Hà Nội:
Phát huy hiệu quả Câu lạc bộ Phòng, chống mua bán người
(PNTĐ) - Hiện nay, các cấp Hội LHPN Hà Nội đang quản lý và duy trì hoạt động của 16 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người. 15 năm qua, đây là các địa chỉ tin cậy hỗ trợ, trang bị kỹ năng phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân khi họ trở về địa phương sớm ổn định tinh thần và đời sống, hòa nhập cộng đồng.

Sáng ngày 28/7, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đánh giá hoạt động mô hình tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Phó Chủ tịch Hội Phạm Thị Thanh Hương chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN 15 quận, huyện có CLB Phòng, chống mua bán người và Chủ nhiệm 16 CLB; đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương khẳng định ý nghĩa quan trọng của mô hình tuyên truyền phòng, chống mua bán người trên địa bàn Thủ đô. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết thêm, trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã chủ động tổ chức các cuộc tập huấn, truyền thông năng lực cho thành viên các mô hình, cán bộ, hội viên phụ nữ về phòng, chống mua bán người. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của địa phương.


Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 130 thành phố (nay là Ban Chỉ đạo 138), Hội LHPN Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình Câu lạc bộ Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đến nay, các cấp Hội LHPN Hà Nội đang quản lý và duy trì hoạt động của 16 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người. Đây là các địa chỉ tin cậy hỗ trợ, trang bị kỹ năng phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân khi họ trở về địa phương sớm ổn định tinh thần và đời sống, hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức hơn 5.200 cuộc tuyên truyền cho hơn 781.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, phát hành 36.900 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền kiến thức, pháp luật có liên quan và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức (trực tuyến, thi viết, thi sân khấu hóa…), thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Các câu lạc bộ phòng, chống mua bán người trên địa bàn Thủ đô đã hỗ trợ nhiều nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành mô hình tuyên truyền phòng, chống mua bán người, kinh nghiệm triển khai hỗ trợ nạn nhân mua bán người sau khi họ trở về. Đồng thời nêu các kiến nghị, đề xuất phương thức quản lý vận hành của câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình...
Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc năm 2018: Số nạn nhân bị mua bán người tăng lên mỗi năm, từ dưới 20.000 người năm 2003 lên đến 49.000 người năm 2018, số nạn nhân nữ chiếm 65%, trong đó 19% là trẻ em gái. Ở Việt Nam, từ năm 2018 - 2022, cả nước đã phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng và 1.240 nạn nhân.
Địa bàn TP Hà Nội - đầu mối giao thông lớn của khu vực miền Bắc nên cũng là địa bàn trung chuyển của các nhóm tội phạm mua bán người xuyên quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an TP đã khởi tố 3 vụ, 6 bị can về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Trong kỳ báo cáo, Công an TP còn khởi tố 2 vụ tổ chức, môi giới cho người trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.