Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới
(PNTĐ) - Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” đã được triển khai thực hiện rộng khắp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của các tầng lớp phụ nữ cả nước.
Tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam
Xuất phát từ quan điểm của Đảng về phụ nữ và công tác phụ nữ trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; hướng đến mục tiêu “Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, xây dựng người Phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” được xác định trong chiến lược phát triển của Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035; đồng thời, tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, kế thừa và phát huy thành quả các phong trào thi đua (PTTĐ) của Hội LHPN Việt Nam trong thời gian qua, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước thực hiện PTTĐ “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đó, người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới được xác định có bốn tiêu chí: Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Việc phát động thực hiện PTTĐ nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khích lệ, động viên và phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự chủ, nỗ lực vươn lên, chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân, của gia đình để thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ và công sức của các lực lượng phụ nữ, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước trong tình hình mới, hướng tới từng bước xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới.

Điểm mới về nội dung và cách thức tổ chức PTTĐ “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” là:
(1) Nội hàm các tiêu chí hướng vào chính bản thân người phụ nữ, cụ thể, thiết thực;
(2) Thay đổi theo hướng nâng về chất, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với người phụ nữ, không chỉ đánh giá quá trình mà còn đánh giá kết quả thực hiện;
(3) Giao quyền chủ động cho các cấp Hội nghiên cứu cụ thể các tiêu chí của PTTĐ để thực hiện phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế của địa phương;
(4) Gắn kết việc thực hiện PTTĐ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động phụ nữ rèn luyện các phẩm chất đạo đức: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”;
(5) Tiêu chí đánh giá PTTĐ bao hàm cả các tiêu chí đánh giá về khâu tổ chức thực hiện của các cấp Hội.
Nhiều kết quả nổi bật
Đến nay, 100% Hội LHPN các tỉnh, thành, đơn vị đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện PTTĐ, cụ thể hóa các tiêu chí của PTTĐ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương vừa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở vừa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo hội viên, phụ nữ tại địa phương. Một số Hội LHPN các tỉnh, thành đã chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp với chính quyền triển khai thực hiện PTTĐ trong toàn tỉnh, thực hiện lồng ghép với các phong trào tại địa phương vừa tạo nguồn lực, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, rèn luyện năng lực, khả năng sáng tạo của các cấp Hội.
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PTTĐ với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo như: tuyên truyền PTTĐ qua các phương tiện truyền thông, nền tảng mạng xã hội, mở các chuyên trang, chuyên mục trên các kênh truyền thông, talkshow, toạ đàm, tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, các hội thi, giao lưu....; ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng các sản phẩm truyền thông về PTTĐ (tờ rơi, sách lật điện tử...), tạo mã QR code trên các sản phẩm truyền thông giới thiệu về PTTĐ; viết tin bài đăng trên các trang/cổng thông tin điện tử, Fanpage, các nhóm Zalo, Facebook do các cấp Hội quản lý giới thiệu... thu hút sự quan tâm, chia sẻ, tương tác của đông đảo các tầng lớp phụ nữ, nhân dân với hoạt động Hội.

Nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu, nhiều cách làm hay trong thực hiện PTTĐ như: Hội LHPN Thành phố Hà Nội xây dựng Quy chế vinh danh phụ nữ Thủ đô tiêu biểu hằng năm (xây dựng năm 2018, sửa đổi bổ sung năm 2022); Hội LHPN tỉnh Cà Mau với mô hình “Mỗi kỳ một gương sáng”; Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh với talkshow “Phụ nữ thời đại mới”,... Một số mô hình tiêu biểu như: “Mỗi Chi hội mỗi tuần hành động nhân văn xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh” xây dựng phong trào phụ nữ thời kỳ mới; mô hình “Trao tri thức - Dựng tương lai”; mô hình “Chợ Cù lao - 4.0 không dùng tiền mặt”; CLB “Dệt thổ cẩm - Dân vũ thể thao”; Mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với học tiếng phổ thông” tại bản Huổi Châng, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên)... Trong gần 3 năm, đã có hơn 150 nghìn điển hình tập thể, cá nhân được tôn vinh, tuyên truyền nhân rộng.
Tuy nhiên, qua khảo sát thông tin trên toàn quốc và theo dõi hoạt động của các tỉnh, thành, cho thấy việc thực hiện PTTĐ còn một số khó khăn, hạn chế như việc thực hiện PTTĐ chưa đồng đều giữa các địa phương, vùng miền, đối tượng… Những khó khăn, hạn chế của PTTĐ bắt nguồn từ các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc triển khai thực hiện PTTĐ như năng lực, trình độ kiến thức, kỹ năng của cán bộ Hội các cấp còn hạn chế, chưa chủ động tham mưu thực hiện hoặc lồng ghép thực hiện các hoạt động của PTTĐ phù hợp để thu hút sự tham gia của hội viên, phụ nữ...
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua
Để việc triển khai thực hiện PTTĐ “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” ngày càng thực chất, hiệu quả, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các cấp Hội, thúc đẩy phong trào phụ nữ và nhiệm vụ công tác Hội trong giai đoạn mới, thu hút sự tham gia đông đảo của hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân, các cấp Hội LHPN Việt Nam cần quan tâm một số giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện PTTĐ sau: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Mỗi cán bộ Hội phải gương mẫu, đi đầu, là nhân tố thúc đẩy PTTĐ tại đơn vị, làm cho PTTĐ trở thành hành động thường xuyên, tự giác, tự nguyện như lời Bác Hồ dạy: “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Tập trung đổi mới cách thức chỉ đạo PTTĐ theo phương châm thi đua để thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Hội, các nội dung thi đua phải hướng về cơ sở, tạo điều kiện để các cấp Hội cải tiến, chủ động trong đăng ký, triển khai nội dung thi đua, chú trọng phát huy nội lực và vai trò chủ thể của hội viên, phụ nữ.
Các cấp Hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh nội hàm các tiêu chí của PTTĐ đáp ứng yêu cầu sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới với tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tham gia tích cực phong trào “Bình dân học vụ số” để trở thành công dân số.
Tích cực tuyên truyền những cách làm hay, việc làm tốt, gương hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong cộng đồng để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng; chú trọng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội để có thể tham mưu, đề xuất, tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng triển khai thực hiện PTTĐ; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt là phát huy vai trò của hội viên nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao vị thế cho hội viên, phụ nữ thông qua việc thực hiện PTTĐ, xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời đại mới.
(Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt. Bài viết được trích lược từ kỷ yếu Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” năm 2024).