Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ:

Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) Ngày 15/6, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tọa đàm "Phát huy vai trò của các cấp hội Phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo đó, nhiều ý kiến đã tham luận, đề xuất các giải pháp để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp góp phần hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội

Tham dự Hội nghị  có đồng chí (Đ/c) Trần Thị Thu Hà, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Đ/c Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội;  Đ/c Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội;  Đ/c Hoàng Thị Huyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp Nông thôn Hà Nội; Đ/c Nguyễn Tiến Minh, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín; Đ/c Tạ Hữu Thọ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín và đại diện cán bộ, hội viên Hội LHPN một số huyện.

Trước khi diễn ra Hội thảo, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể hội nghị đã đến dâng hương tại Văn Từ Thượng Phúc (Thường Tín). Văn Từ Thượng Phúc là nơi tôn vinh 68 Nhà khoa bảng qua các triều đại phong kiến...

 Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao  - ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dâng hương tại Văn Từ Thượng Phúc (Thường Tín)

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” và Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”., Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội".

 Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao  - ảnh 2
Đồng chí Trần Thị Thu Hà, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, trong những năm qua Hội LHPN Hà Nội đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Hiện nay, khi các địa phương chuyển sang giai đoạn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; hoạt động của các cấp Hội cũng đã và đang lựa chọn các nội dung phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao (nhất là công nghệ sinh học) trong sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gắn với hỗ trợ thiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ đã vừa sáng tạo chuyển đổi sản xuất, vừa bảo tồn các nghề truyền thống; đưa các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

 Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao  - ảnh 3

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu

Các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất như: HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng), HTX nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (huyện Đông Anh); HTX gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ) ... Các cấp Hội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố (sàn thương mại điện tử ”Chợ nhà mình”, 141 điểm phân phối thực phẩm sạch tới người tiêu dùng của các chuỗi sản xuất an toàn của Thành phố có sự tham gia của Hội ..) Các cấp Hội hiện tín chấp cho vay vốn từ các chương trình hơn 7.300 tỷ đồng giúp phụ nữ phát triển kinh tế ... 

Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận, đóng góp đưa ra các giải pháp để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

 Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao  - ảnh 4
Quang cảnh Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Oai cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội LHPN huyện Thanh Oai đã phối hợp với các cơ quan chức năng UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình hội  phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên môn hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết (Mô hình gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng; Trứng vịt xã Liên Châu), mô hình tổ hợp tác (chế biến thực phẩm an toàn xã Cự Khê, sản xuất rau củ quả an toàn tại xã Kim An); Tập huấn cách nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm làng nghề và cách tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng với biến đổi khí hậu và trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp và giá cả vật tư phân bón tăng cao; Tập huấn sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất; từ những mảnh ruộng cấy 1 vụ lúa, thậm chí bỏ hoang nhiều vụ, đã được các cấp Hội tuyên truyền tích tụ ruộng đất, chuyển đổi sang cây trồng mới, thay đổi tư duy sản xuất, tuyên truyền các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gao thơm Bối Khê xã Tam Hưng, Gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, trứng vịt xã Liên Châu, các mô hình chăn nuôi xa khu dân xã Liên Châu, Tân Ước, Đỗ Động.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giải quyết được công ăn việc làm cho một bộ phận lao động dôi dư ở nông thôn. Đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyển đổi tạo điều kiện hỗ trợ cải tạo giao thông, thủy lợi nội đồng, giúp người dân thuận lợi trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác vùng chuyển đổi đã được nâng lên gấp 3-4 lần so với cấy lúa, cá biệt có nơi giá trị thu nhập từ chuyển đổi gấp hơn 5 lần so với cấy lúa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện; góp phần không nhỏ trong quá trình tiến tới mục đích đưa huyện, các xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Hội LHPN huyện đã và tiếp tục triển khai, chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Phối hợp mở các lớp dạy nghề, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; Thành lập các mô hình hợp tác, sản xuất chuỗi liên kết chuyên canh; tổ chức các hoạt động ngày hội sáng tạo, giới thiệu, quảng bá thông tin sản phẩm qua hệ thống loa truyền thanh, website, chợ online của tổ chức Hội…

Với tham luận “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao”, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ đã đưa tới cái nhìn toàn diện về hiệu quả trong ứng dụng khoa học công nghệ. Toàn xã Đồng Phú có 316 hộ sản xuất lúa hữu cơ, xuân năm 2022 diện tích sản xuất lúa hữu cơ là 55ha/vụ Xuân, năng xuất lúa là 285 -320 kg/sào,  HTX đã liên kết với công ty Bảo Minh tiêu thụ 100% sản phẩm với giá thu mua lúa là  11.000đ/kg cho thu nhập của người dân từ 160 đến 185 triệu/ha/năm gấp 1,8 đến 2 lần sản xuất thông thường, đời sống của nhân dân được nâng cao, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ thu nhập từ bán thóc gạo, đậu tương đã mua sắm được trang thiết bị đồ dùng sử dụng trong gia đình, cho con cái ăn học, tạo việc làm, đóng góp cùng thôn xóm xây dựng các công trình công cộng từ đó hội viên phụ nữ phấn khởi yên tâm sản xuất và tham gia tích cực các hoạt động của Hội phụ nữ ở địa phương.

 Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao  - ảnh 5
Đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín nhấn mạnh hiện nay,  việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp có vị trí chiến lược lâu dài

Bên cạnh những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp thời gian  qua, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp Hữu cơ xã Đồng Phú vẫn còn những khó khăn như: Nguồn kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; các khâu sản xuất chưa được ứng dụng nhiều nên sản phẩm làm ra chi phí còn cao; nhận thức của một số hội viên phụ nữ và nhân dân về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ còn có những hạn chế; vẫn có tập quán canh tác truyền thống đơn thuần; mô hình trồng lúa hữu cơ chưa được nhân rộng khắp trong toàn xã.

Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thị Thủy cho rằng, trong những năm tới, để phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và thực hiện vùng sản xuất theo quy hoạch nông thôn mới, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn bảo vệ môi trường đề nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho HTX nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú một số máy móc hiện đại phục vụ cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: Máy cấy, máy gặt, máy sấy thóc để có điều kiện áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giảm chi phí đầu vào cho sản xuất tăng giá trị thu nhập cho nông dân. Đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin phát triển thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nói chung và lúa gạo hữu cơ xã Đồng Phú nói riêng. Các cấp Hội phụ nữ hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm của HTX trong hệ thống Hội phụ nữ.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Minh, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín nhấn mạnh, hiện nay, nông nghiệp và đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp có vị trí chiến lược lâu dài và là ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng chí đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng; khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông, lâm nghiệp và các tổ hợp tác, phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, phát huy được hết dư địa  nông nghiệp địa phương; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là ứng dụng thương mại điện tử; đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, khu vực nông thôn...

Tại Hội nghị đồng chí Trần Thị Thu Hà, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa buổi Hội thảo này. Đồng thời đồng chí cũng đề nghị các cấp Hội cần ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp;  phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết; đưa sản phẩm nông nghiệp lần sàn thương mại điện tử, bưu điện thành phố Hà Nội. Tuy nhiên để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cần đáp ứng một số tiêu chuẩn như truy xuất nguồn gốc...

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho lãnh đạo, cán bộ Hội các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc; các đồng chí là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội LHPN Hà Nội.
Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.