Phụ nữ Tây Hồ lan tỏa văn hóa ứng xử đẹp nơi công cộng
(PNTĐ) - Tại quận Tây Hồ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận đã và đang trở thành lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt trong việc đưa tinh thần của các quy tắc ứng xử nơi công cộng lan tỏa sâu rộng bằng những cách làm sáng tạo và linh hoạt.
Trong hành trình xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, Quy tắc ứng xử nơi công cộng không chỉ là những dòng chữ khô khan trên giấy, mà đã và đang được cụ thể hóa bằng những mô hình sinh động, gần gũi với đời sống người dân.
Không đơn thuần là tuyên truyền bằng khẩu hiệu hay văn bản, Hội LHPN quận Tây Hồ đã biến những điều tưởng chừng lý thuyết thành hành động cụ thể qua ba mô hình tiêu biểu, gắn liền với đời sống thường nhật: chợ dân sinh, di tích văn hóa, tổ dân phố.
Đưa quy tắc vào cuộc sống thường nhật
Điển hình, mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” được triển khai đầu tiên tại chợ Tứ Liên (phường Tứ Liên) vào tháng 8/2024. Đây là một trong những chợ truyền thống tiêu biểu của quận, với 298 quầy, sạp thuộc 12 ngành hàng, nơi các hộ kinh doanh, đặc biệt là nữ tiểu thương, gắn bó mật thiết với hoạt động buôn bán hằng ngày.

Được chọn làm mô hình đầu tiên của quận, chợ Tứ Liên đáp ứng đầy đủ 15 tiêu chí văn minh và 4 tiêu chí an toàn, hiệu quả, như: Không mua bán ngoài phạm vi quy định; niêm yết giá rõ ràng; không nói thách; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đầy đủ nhãn mác; cân đủ, bán đúng giá. Khu vực kinh doanh được quy hoạch theo ngành hàng, tạo thuận tiện cho người mua và đảm bảo cảnh quan chợ xanh - sạch - đẹp.
Không dừng lại ở quy định trên giấy, Hội LHPN quận phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý chợ và chính quyền địa phương để tuyên truyền sâu rộng. Tổ chức phát thanh hằng ngày tại chợ, tăng cường nhắc nhở trực tiếp tiểu thương, và khuyến khích các hộ kinh doanh tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, từ thiện xã hội. Đặc biệt, các ngành hàng thực phẩm đều phải có chứng nhận an toàn hoặc cam kết với chính quyền địa phương.
Sự kiện ra mắt mô hình được tổ chức trang trọng, có sự tham dự của gần 300 tiểu thương, đại diện các ban ngành và lãnh đạo quận. Đồng chí Nguyễn Lê Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ đánh giá cao nỗ lực của Hội Phụ nữ và Ban Quản lý chợ trong việc xây dựng mô hình đầu tiên này, đồng thời kỳ vọng đây sẽ là nền tảng để nhân rộng ra toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn, góp phần hiện thực hóa chương trình xây dựng “phường đạt chuẩn đô thị văn minh” giai đoạn 2020 - 2025.
Tiếp nối thành công tại chợ Tứ Liên, đến tháng 4/2025, mô hình tiếp tục được triển khai tại chợ Phú Gia (phường Phú Thượng). Điểm đặc biệt tại chợ Phú Gia là việc Hội LHPN chủ động phối hợp để cải thiện cơ sở hạ tầng (điện, nước, vệ sinh, chỗ để xe), củng cố quản lý minh bạch, đảm bảo an ninh trật tự và tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại đây, hai tiêu chuẩn và 18 tiêu chí ứng xử tiếp tục được cụ thể hóa, trở thành quy chuẩn gần gũi, dễ áp dụng cho mọi tiểu thương, từ giao tiếp văn minh, ăn mặc lịch sự đến không xả rác, giữ gìn không gian chung.
Mỗi phiên chợ không chỉ là nơi giao thương, mà đã dần trở thành không gian văn hóa, nơi người bán và người mua cùng thực hành ứng xử lịch sự, thân thiện, tạo nên diện mạo mới cho các chợ truyền thống văn minh, an toàn, hiệu quả.
Lan tỏa ứng xử văn minh trong không gian cộng đồng
Không chỉ gắn bó với đời sống dân sinh, Hội LHPN quận Tây Hồ còn đưa Quy tắc ứng xử đến những nơi có tính đặc thù cao như di tích lịch sử văn hóa. Tại Phủ Tây Hồ, một trong những địa điểm linh thiêng và thu hút đông đảo người dân lẫn du khách, mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” đã được ra mắt vào ngày 26/8/2024, và triển khai mạnh mẽ.
Tọa lạc trên bán đảo ven Hồ Tây, Phủ Tây Hồ không chỉ là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt, mà còn là điểm đến của hàng triệu lượt người dân, du khách thập phương mỗi năm.

Vào những dịp lễ, Tết hay ngày rằm, mùng một, không khí nơi đây luôn tấp nập với dòng người hành lễ, thắp hương, cầu an. Chính sự đông đúc và tính chất tín ngưỡng đặc biệt khiến việc giữ gìn sự tôn nghiêm, trật tự tại di tích trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Nhận thức rõ điều đó, Hội LHPN quận Tây Hồ đã phối hợp với UBND phường Quảng An và Tiểu ban Quản lý di tích xây dựng mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử tại Phủ Tây Hồ, trên cơ sở Hướng dẫn số 20/HD-BTV ngày 15/12/2022 của Hội LHPN Hà Nội. Các tiêu chí được rà soát, bổ sung cụ thể, bám sát thực tiễn như: Ăn mặc kín đáo, không mang vàng mã vào nơi thờ tự, không nói tục, chửi bậy, không xả rác bừa bãi…
Đặc biệt, mô hình còn cho ra mắt Nhóm nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự gồm các hội viên phụ nữ phường Quảng An. Họ chính là những người đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động phật tử, người dân và du khách cùng tuân thủ nếp sống văn hóa tại nơi linh thiêng. Đây là hình thức truyền thông mềm, nhưng hiệu quả, khi người thực hiện cũng chính là người trong cộng đồng, dễ tạo thiện cảm và lan tỏa.
Ông Trương Tiến Hồi - Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồchia sẻ: “Chúng tôi đã rà soát, bổ sung trang thiết bị cần thiết, đồng thời phối hợp với Hội Phụ nữ và nhóm nòng cốt để xây dựng di tích trở thành mô hình mẫu, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, tôn giáo đúng chuẩn mực”.
Từ sự tấp nập của Phủ Tây Hồ đến những quy tắc tưởng chừng nhỏ nhặt như không nói to, giữ vệ sinh, mặc trang phục phù hợp… mô hình cho thấy sức mạnh mềm của phụ nữ trong việc dẫn dắt cộng đồng thực hành văn hóa ứng xử văn minh một cách tự nhiên và hiệu quả. Các cán bộ, hội viên phụ nữ không chỉ là người giữ gìn nếp nhà, mà đang góp phần giữ gìn nếp sống đẹp cho cả cộng đồng.
Ngoài ra, vai trò của phụ nữ trong việc định hình hành vi ứng xử nơi công cộng không dừng lại ở các không gian lớn, đặc thù như di tích tín ngưỡng, mà còn lan tỏa mạnh mẽ ngay trong từng khu dân cư - nơi hình thành nếp sống hằng ngày của người dân Thủ đô.
Một trong những thành công đáng ghi nhận của Hội LHPN quận Tây Hồ là khả năng lan tỏa các giá trị ứng xử văn minh đến từng khu dân cư. Mô hình “Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” được triển khai tại tổ dân phố số 16 phường Xuân La và nhiều địa bàn khác, đã đưa các quy tắc vào nơi gần gũi nhất với đời sống mỗi người – khu phố, ngõ xóm, gia đình.
Thông qua các buổi sinh hoạt tổ nhóm, phong trào như “Nhà sạch, ngõ đẹp”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hội viên phụ nữ trở thành những “người giữ lửa” cho các giá trị chuẩn mực trong ứng xử hằng ngày. Việc giữ vệ sinh môi trường, sắp xếp xe cộ gọn gàng, nói năng chuẩn mực… dần trở thành thói quen, hình thành nét đẹp cộng đồng từ những điều giản dị nhất.

Đóng góp thiết thực cho một Thủ đô hiện đại, văn minh
Những mô hình do phụ nữ Tây Hồ khởi xướng không chỉ mang lại kết quả ngắn hạn mà còn đặt nền móng cho sự thay đổi lâu dài về hành vi ứng xử nơi công cộng. Việc thực hiện quy tắc không còn mang tính bắt buộc mà trở thành nhu cầu tự thân, thể hiện bản lĩnh và văn hóa sống của người dân đô thị.
Điều tạo nên sức hút và hiệu quả từ các mô hình trên chính là cách triển khai sáng tạo, sát thực tế của Hội LHPN Tây Hồ. Không áp dụng rập khuôn, mỗi mô hình được “may đo” theo đặc điểm riêng của từng không gian công cộng. Ở chợ, nội dung tập trung vào giao thương; ở di tích, nhấn mạnh yếu tố văn hóa, tín ngưỡng; còn ở khu dân cư, là đời sống thường nhật và tình làng nghĩa xóm.
Các cấp Hội từ quận đến phường đóng vai trò điều phối, kết nối chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan. Đội ngũ cán bộ Hội không chỉ là người tổ chức mà còn là tấm gương thực hiện, góp phần tạo ra sự lan tỏa thực chất trong cộng đồng.
Những thay đổi tích cực ấy không chỉ giúp cải thiện không gian công cộng, mà còn nâng cao nhận thức và hành vi của người dân, đặc biệt là phụ nữ - những người giữ vai trò quan trọng trong việc định hình nếp sống của gia đình và xã hội.
Qua đó, hình ảnh người phụ nữ Thủ đô cũng được nâng lên: không chỉ dịu dàng, trách nhiệm trong gia đình, mà còn năng động, sáng tạo, tiên phong trong cộng đồng. “Sống xanh, ứng xử đẹp” không còn là khẩu hiệu mà đã dần trở thành hiện thực trong từng góc phố, khu chợ, nếp nhà của quận Tây Hồ.
Nhìn về tương lai, việc nhân rộng các mô hình này sẽ tiếp tục là trọng tâm trong kế hoạch của Hội LHPN quận. Với nền tảng vững chắc và sự vào cuộc tích cực từ cơ sở, phụ nữ Tây Hồ chắc chắn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hành trình xây dựng một Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại.