Phụ nữ Thủ đô có trách nhiệm xây dựng thành phố hoà bình, sáng tạo
(PNTĐ) - Sáng ngày 20/12/2024, tại huyện Thạch Thất, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình truyền thông Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hoá, góp phần xây dựng thành phố hoà bình, sáng tạo năm 2024.
Dự và chỉ đạo chương trình có bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, đại diện lãnh đạo Huyện uỷ, UBND, Hội LHPN huyện Thạch Thất cùng đại diện lãnh đạo Hội LHPN các quận, huyện thị xã; CLB doanh nhân nữ Hà Nội và các đại biểu là nữ nghệ nhân, thợ giỏi, lao động nữ huyện Thạch Thất.
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm thị Thanh Hương cho biết: Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng có nghề và 327 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện và thị xã. Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa làng nghề. Ngày 22/2/2022 Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về việc phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Theo mục tiêu Nghị quyết, một trong 6 lĩnh vực ưu tiên đầu tư, phát triển công nghiệp văn hoá thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính là thủ công mỹ nghệ trong đó có vai trò nòng cốt của các làng nghề.
Các làng nghề đã thu hút khoảng trên 1 triệu lao động, trong đó có nhiều làng nghề lao động nữ chiếm trên 65%. Trong số gần 350 nghệ nhân làng nghề thì có 1/13 nữ Nghệ nhân Nhân dân, 5/42 nữ Nghệ nhân Ưu tú, 50/290 nữ nghệ nhân. Xác định vai trò quan trọng của phụ nữ tại các làng nghề, thời gian qua, các cấp Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước và Thành phố về phát triển làng nghề, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tại các làng nghề phát huy tiềm năng, sức sáng tạo khôi phục, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, góp phần tạo dựng thương hiệu các sản phẩm làng nghề; thổi hồn vào từng tác phẩm để gửi gắm những giá trị văn hóa, nghệ thuật, thông điệp của làng nghề đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tổ chức các hoạt động tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành tại khu vực làng nghề. Ngày càng có nhiều nữ nghệ nhân, thợ giỏi vượt khó đi lên làm giàu từ làng nghề của quê hương, thực hiện tốt phương châm “Ly nông bất ly hương”, chủ động nâng cao kỹ năng nghề, nghiên cứu tạo ra các thiết kế mới, thực hiện quy trình sản xuất truyền thống gắn với ứng dụng công nghệ, tạo ra những sản phẩm làng nghề ngày càng độc đáo, vừa truyền thống, vừa hiện đại, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực phát triển công nghiệp văn hoá tại làng nghề.
Chương trình nhằm Truyền thông nét đẹp văn hoá làng nghề Hà Nội và những tác động tới sự phát triển của làng nghề Hà Nội trong giai đoạn hiện nay và định hướng các nội dung phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong bảo tồn và phát triển văn hoá làng nghề góp phần xây dựng thành phố “Văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Tại chương trình, các đại biểu đã nghe TS Lê Thị Thu Phượng, Học viện Hành chính quốc gia chia sẻ về phát triển công nghiệp văn hoá tại làng nghề Thủ đô. Tiếp đó là toạ đàm trao đổi, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo để phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong bảo tồn và phát triển công nghiệp văn hoá tại các làng nghề, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên lề buổi truyền thông còn có không gian trưng bày sản phẩm sáng tạo làng nghề, trình diễn kỹ năng nghề, giúp người xem hình dung rõ hơn về vai trò trách nhiệm và những đóng góp của các nữ nghệ nhân, thợ giỏi, nữ lao động tại các làng nghề trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống.