Diễn đàn Phụ nữ Thủ đô xây dựng Thành phố Hòa bình - sáng tạo:
Phụ nữ Thủ đô: Nguồn lực quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa
(PNTĐ) - Với lực lượng đông đảo chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Thủ đô là nguồn lực quan trọng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, đã có những đóng góp thiết thực trong việc bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Thăng Long - Hà Nội: Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc
Thăng Long-Hà Nội - chốn kinh kỳ ngàn năm của dân tộc ta được biết đến với hình ảnh 36 phố phường, với các biểu tượng văn hóa được hun đúc từ ngàn năm văn hiến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các... là nơi hội tụ trí tuệ, nhân tài và tinh hoa văn hóa của đất nước.
Người Hà Nội luôn tự hào về nét thanh lịch, tao nhã và bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của chốn kinh kỳ xưa, và coi trọng từ lời ăn tiếng nói, cách giao tiếp, ứng xử, cách ăn mặc, cách làm nghề, giữ nghề cũng như cách thực hành, bảo tồn và lưu truyền các di sản văn hóa truyền thống. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi hội tụ người dân khắp mọi vùng miền đất nước, mang theo thói quen, nếp nghĩ, cách sinh hoạt và bản sắc văn hóa đa dạng về Thủ đô học tập, làm ăn, sinh sống và phát triển.
Hà Nội là địa phương có tài nguyên di sản văn hóa phong phú và đa dạng nhất nước ta với 5.922 di tích, trong đó có 1 Di sản Văn hóa Thế giới (Hoàng Thành Thăng Long), 1 Di sản Tư liệu Thế giới (Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám), 21 cụm Di tích Quốc gia đặc biệt cùng 1.160 di tích cấp quốc gia, 1.456 di tích cấp Thành phố. Về di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội có 1.793 di sản thuộc 7 loại hình (tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian). Hà Nội có 5 di sản được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể diện cho nhân loại và 26 di sản cấp Quốc gia.
Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây được coi là một nguồn lực nội sinh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, Thành phố vì Hòa Bình, Thành phố Sáng tạo.
Vai trò và vị thế của phụ nữ Thủ đô trong bảo tồn di sản văn hóa
Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa, phụ nữ Thủ đô luôn là người đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Hà Nội, đồng thời là nguồn lực góp phần lan tỏa sâu rộng các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với số lượng đông đảo tham gia các hoạt động văn hóa từ cấp cơ sở, từ nhà ra phố, từ phường xã đến quận, huyện, thành phố, phụ nữ Thủ đô luôn đi đầu và có những đóng góp nổi bật trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội.
Trong gia đình, với vai trò là người bà, người mẹ, người chị, bằng các công việc hàng ngày như dạy dỗ, chăm sóc con cái, trang trí nhà cửa, thêu dệt, may mặc, nấu ăn... đến các công việc quan trọng trong gia đình, họ tộc, làng xã như tang ma, cưới hỏi, giỗ chạp, phụ nữ Hà Nội đã giữ gìn và truyền lại những giá trị truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian và lối sống của cộng đồng các thế hệ.
Bài tham gia Diễn đàn gửi về Báo Phụ nữ Thủ đô theo 2 cách:
- Gửi qua địa chỉ email: phunusangtao2024@gmail.com
- Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài phong bì ghi rõ tham gia Diễn đàn “Phụ nữ Thủ đô xây dựng Thành phố Hòa bình - sáng tạo” năm 2024.
Trân trọng kính mời cán bộ, hội viên phụ nữ, độc giả, chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia Diễn đàn.
Nhiều nét đẹp văn hóa của Thủ đô đã được gìn giữ qua bàn tay của người phụ nữ như tiếng nói, nét thanh lịch của người Hà Nội xưa, những tri thức về ẩm thực, về nghề thủ công và lễ hội truyền thống. Bằng đôi bàn tay khéo léo, sự cần mẫn, tinh tế và sáng tạo, phụ nữ Thủ đô đã và đang tham gia bảo tồn và tiếp tục phát huy nhiều nghề thủ công truyền thống như thêu, dệt, đan lát, làm giấy, làm đồ thủ công mỹ nghệ, thành lập và tham gia các CLB truyền dạy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như chèo, ca trù, hát xẩm, hát trống quân, múa rối, múa bồng... Hình ảnh người phụ nữ Thủ đô xuất hiện trong mọi khâu chuẩn bị tổ chức, thực hành các nghi thức và nghi lễ các lễ hội truyền thống. Nhiều nữ nghệ nhân dân gian nắm giữ “bí quyết” về việc thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, được cộng đồng tin tưởng và nể trọng. Với tri thức, kỹ năng nắm giữ, những nữ nghệ nhân dân gian miệt mài cống hiến, sáng tạo và truyền dạy những làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian về nghề cho các thế hệ trẻ mai sau.
Có thể thấy, phụ nữ Thủ đô ở bất kỳ thời đại nào cũng giữ vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, phụ nữ Thủ đô luôn bền bỉ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp và tài nguyên di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, từ đó góp phần quan trọng trọng việc bồi đắp nền tảng văn hóa và trao truyền cho các thế hệ mai sau.