Phụ nữ Thủ đô phải là đầu tàu gương mẫu
Ngày 12/3, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức hai hội thảo “Tham vấn ý kiến định hướng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026”. Với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, các đại biểu tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào dự thảo Báo cáo chính trị (lần 1) của Hội LHPN Hà Nội.
Đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội chủ trì hội thảo Tham vấn ý kiến cho Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Phụ nữ TP nhiệm kỳ 2021-2026 (Ảnh: Thanh Thanh)
Tham dự hai hội thảo có đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ TP Hà Nội cùng lãnh đạo một số quận, huyện ủy và các tổ chức, đoàn thể của TP Hà Nội gồm: Liên đoàn Lao động, Thành đoàn Hà Nội, Hội Nông dân TP, Hội Nữ trí thức Hà Nội, Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội, Hiệp hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP…
Thông điệp mới, ngắn gọn, sắc sảo
Tham luận tại hội thảo các đại biểu đi sâu phân tích từ kết cấu báo cáo đến những nội dung cụ thể đánh giá kết quả của phong trào phụ nữ, nhìn nhận những mặt hạn chế để tìm giải pháp khắc phục; góp ý vào chủ đề Đại hội, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ tới được nhìn nhận từ các góc cạnh khác nhau.
Góp ý kiến vào 2 phương án của Chủ đề Đại hội, đồng chí Trịnh Huy Thành, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội bổ sung thêm thành tố “gương mẫu” vào phương án 1 và chọn phương án này làm chủ đề của Đại hội. Đó là “Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng; phụ nữ Hà Nội gương mẫu, đoàn kết, sáng tạo, khát vọng vươn lên; hội nhập, phát triển toàn diện; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tích cực xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, cả hai phương án chủ đề đều dài quá, cần khái quát 1 thông điệp, ngắn ngọn, sắc sảo. Bà Trần Thị Thanh Tươi, Phó Trưởng ban nữ công, Liên đoàn Lao động TP cho rằng, chủ đề Đại hội cần bám sát nghị quyết Đại hội XVII của TP và bổ sung thêm một ý về “thực hiện bình đẳng giới” vào nội dung của phương án 1.
Theo kế hoạch Hội LHPN Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu Phụ nữ TP Hà Nội vào tháng 9/2021. Hội LHPN Hà Nội vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn là 1 trong 5 tỉnh, thành làm điểm tổ chức Đại hội để rút kinh nghiệm tổ chức Đại hội trong cả nước.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân cho rằng, chủ đề Đại hội cần rõ hơn, nêu điểm nổi bật toàn diện, quan trọng nhất của phụ nữ mà khi đọc chủ đề toát lên được vai trò, đích đến của Đại hội nhiệm kỳ mới. Theo bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, về chủ đề của Đại hội, văn kiện cần thể hiện được giá trị xác định được phương hướng tác động đến phụ nữ Thủ đô theo hướng "phù hợp trong đa dạng". Bà Đào Thị Bảo Thư, Điều phối viên dự án, Tổ chức Plan International Việt Nam góp ý bổ sung vào chủ đề ở phương án 2, đưa thêm nội hàm “bình đẳng giới”.
Góp ý về phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô thi đua 3 tốt” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, nhiều đại biểu cho rằng cần có sự thay đổi, cần diễn giải sao cho đọc lên là rõ được phong trào có nội dung gì, tên gọi cũng phù hợp hơn với thời đại hiện nay.
Bà Hà Thị Thanh Vân cho rằng cân nhắc sử dụng từ, phong trào Phụ nữ thi đua 3 tốt đổi thành “Phẩm chất đạo đức tốt, năng lực tốt, quản trị gia đình tốt”. Quản trị gia đình đã bao gồm có quản trị bản thân, quản trị tài chính và năng lực tốt đã có năng lực kiến thức, năng lực kỹ năng và năng lực thái độ.
Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động hội
Về mục tiêu chung của Đại hội, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Trịnh Huy Thành bổ sung, góp ý thêm 2 nội hàm, đó là “Nắm chắc tình hình, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ; phối hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề phát sinh từ cơ sở; tích cực tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát tiếp xúc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy địa phương”. Đồng chí Trịnh Huy Thành cũng góp ý bổ sung phần đánh giá các yếu tố tác động đến hoạt động của Hội PN trong 5 năm tới như thực hiện chính quyền đô thị, cấp xã, phường sẽ không tổ chức HĐND, rồi tác động của chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0) sẽ tác động đến phương thức vận động hội viên phụ nữ ra sao...
Chánh văn phòng Hội LHPN Việt Nam Trần Thu Thủy đề nghị Hội LHPN Hà Nội cần nghiên cứu bổ sung vào Báo cáo chính trị những thuận lợi, khó khăn trong dự báo tình hình 5 năm tới của tổ chức Hội. Theo đó, Hội cần bám sát 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy cụ thể hóa thành nhiệm vụ, trọng tâm, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025. Hội LHPN Hà Nội cần sáng tạo trên cơ sở các phong trào thi đua của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, để từ đó dự báo tình hình phong trào phụ nữ và yêu cầu của công tác vận động phụ nữ, của Thủ đô trong tình hình mới.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân góp ý nên chia thành các nhóm chỉ tiêu thì chỉ đạo các cấp Hội rõ hơn, như về an sinh xã hội, văn hóa, gia đình… để có cái nhìn tổng quan.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến, hiện nay, đứa trẻ từ khi sinh ra lớn lên, đi học mầm non, cấp 1, cấp 2 chủ yếu đều là mẹ, bà, cô giáo chăm sóc, dạy dỗ, nên đang bị phụ nữ hóa, sẽ bị lệch không cân đối trong phát triển. Vì vậy, cần khuyến khích người cha tham gia vào nuôi dạy con nhiều hơn. Cần quan tâm hơn đến số đông là các chị em ở nông thôn. Đồng thời, cần số hóa, ứng dụng CNTT trong hoạt động tổ chức Hội.
Các đại biểu đều nhấn mạnh việc đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa Hội LHPN với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức trong nhiệm kỳ tới cần được đưa vào thực hiện nhiệm vụ. Bà Lê Thị Kim Điệp, Chủ tịch LĐLĐ quận Nam Từ Liêm cho rằng, các chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp phải bám vào các chương trình nhiệm vụ của Đảng bộ TP Hà Nội; bổ sung thêm sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh: Nên đẩy mạnh áp dụng công nghệ số hóa như xây dựng app cho hoạt động Hội LHPN các cấp. Cộng đồng nữ doanh nhân Hà Nội sẽ phối hợp với Hội để tìm thêm các nguồn kinh phí để giúp phụ nữ tiếp cận và sử dụng CNTT vào công việc hiệu quả hơn. “Làm sao để chị em làm kinh tế tăng hiểu biết về thị trường, vốn, kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực cho họ. Khi phụ nữ nâng cao trình độ, năng lực, làm chủ kinh tế là sẽ tự nâng cao, làm chủ bản thân”.
Tập hợp đóng góp trí tuệ hoàn thiện báo cáo
Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành đánh giá cao Hội LHPN Hà Nội đã chuẩn bị các bước quan trọng để tổ chức Đại hội Đại biểu Phụ nữ TP nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, việc đóng góp ý kiến nhằm xây dựng Báo cáo chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ kỳ vọng vào Đại hội có được một Báo cáo chính trị không chỉ là kết tinh trí tuệ của hội viên phụ nữ mà còn là đóng góp trí tuệ của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể luôn quan tâm lãnh đạo chỉ đạo đối với tổ chức Hội để không những xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với 6 hạn chế của nhiệm kỳ qua, cùng với 3 nhiệm vụ trọng tâm, và 7 chỉ tiêu cụ thể, đại biểu mong muốn Hội LHPN Hà Nội cần nghiên cứu kỹ hơn nữa những giải pháp rõ ràng, cụ thể hơn nữa để đưa vào dự thảo Báo cáo chính trị. Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào những nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XII (nhiệm kỳ 2022-2027). Đây chính là những căn cứ quan trọng để xây dựng văn kiện Đại hội Đại biểu Hội LHPN TP giai đoạn 2021-2026.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm đóng góp đối với dự thảo Báo cáo chính trị. Các ý kiến đã tập trung đánh giá nêu bật kết quả hoạt động Hội những hạn chế cần khắc phục trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố và địa phương cũng như những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Tiểu ban văn kiện Đại hội sẽ tiếp tục tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn chỉnh Báo cáo trong thời gian tới.
HOÀNG ANH - VÂN NGA