Phụ nữ Thủ đô xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh trong kháng chiến chống Mỹ
(PNTĐ) - Tôi thấy mình thật may mắn khi được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ về một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết và tự hào vẫn luôn in đậm trong tâm trí của tôi, sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.
Tại hội thảo, Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu chia sẻ tham luận với chủ đề: Phụ nữ Thủ đô sản xuất và công tác xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của anh hùng lao động Cù Thị Hậu
Sinh ra và lớn lên ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trong một gia đình đông anh em, cuộc sống vô cùng khó khăn, khi mẹ mang thai tôi được 3 tháng, thì bố tôi mất. Khi học xong lớp 7 tôi phải nghỉ học do sức khoẻ của mẹ tôi dần yếu đi, tôi đi làm công nhân xây dựng ở Công ty sửa chữa nhà cửa Hà Nội.
Năm 1963, khi tôi tròn 19 tuổi tôi được tuyển vào học nghề 8 tháng tại Nhà máy Dệt 8/3. Năm 1965, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng, đứng trước vận mệnh của dân tộc, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nhân nhà máy một lòng quyết tâm, sôi nổi thi đua hưởng ứng các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Ba điểm cao” của công nhân viên chức.

Nhớ lại ngày ấy, sau khi phong trào “Ba đảm đang” được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, chị em chúng tôi đã hăng hái hưởng ứng phong trào. Khi đó Nhà máy phải tiến hành di dời máy móc, thiết bị đến các địa điểm sơ tán cách xa nhà máy trên 10km, với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, anh, chị, em công nhân không ngại sớm, tối đã khẩn trương lắp đặt máy móc, thiết bị rồi tiếp tục chia ca để sản xuất; Tập thể các cô nuôi dạy ở nhà trẻ, cán bộ y tế ở trạm xá, cấp dưỡng ở nhà ăn của nhà máy sắp xếp chia thành các tổ, nhóm phục vụ đầy đủ bữa cơm ca đảm bảo đủ định lượng, chăm sóc sức khoẻ cho công nhân, trông giữ con cho các mẹ yên tâm bám máy duy trì và giữ vững sản xuất trong điều kiện thời chiến, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao.
Khi đó Nhà máy có khoảng 3.000 công nhân, làm việc tại nhiều phân xưởng khác nhau, phần lớn là phụ nữ và tuổi đời còn trẻ chỉ từ 18 đến 20 tuổi. Phân xưởng Dệt của chúng tôi có nhiều bộ phận, chia 3 ca làm việc đủ 24 tiếng (ca sáng từ 6 giờ đến 14 giờ, ca chiều từ 14 giờ đến 22 giờ và ca đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng), công nhân đứng máy dệt 100% là chị em phụ nữ.
Nhà máy có 1.200 máy dệt, mỗi chị em thường đứng 8 máy, 12 máy, 16 máy và một số ít chị em đứng được 24 máy. Không khí làm việc ở phân xưởng lúc nào cũng sôi sục khí thế thi đua, đẩy mạnh sản xuất, ai cũng nỗ lực để vượt năng suất, một số chị em trong phân xưởng đã tự học tập nâng cao tay nghề để đảm nhận thay công việc của nam giới đi chiến đấu như bốc vác, vận chuyển, sửa chữa máy, xung phong làm việc tăng ca, thêm giờ...

Tôi vẫn luôn nhớ về hình ảnh: hôm nào mình làm ca chiều sẽ phải đi bộ khoảng 35 km, buổi trưa tôi đi bộ từ nhà ở phố Hoàng Diệu lên chợ Đồng Xuân, sau đó bắt tàu điện về chợ Mơ và đi bộ vào Nhà máy 4 km; sau đó tôi đứng máy 8 tiếng đồng hồ, với 24 máy dệt nên tôi di chuyển liên tục, mỗi ca khoảng 20 km; và lúc tan ca chiều 22 giờ thì không còn tàu điện nên tôi đi bộ từ Nhà máy ở Minh Khai về nhà tôi 10 km, mất 2 tiếng đồng hồ, khi về đến nhà thì đồng hồ đã báo sang ngày hôm sau.
Khi đó tôi không thấy mệt, luôn làm việc với tinh thần nhiệt huyết, hăng say đứng 24 máy dệt và dệt được gần 800 mét vải trong 1 ca làm việc. Không chỉ có tôi mà tất cả chị em công nhân ở nhà máy đều nêu cao tinh thần xung phong, gương mẫu, đạt ngày công, giờ công cao, phát huy sáng kiến, hoàn thành kế hoạch được Nhà nước giao cho Nhà máy hàng năm.
Vừa đảm đang công việc sản xuất, chị em với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình; vận động chồng đi chiến đấu, đồng thời phấn đấu sản xuất giỏi, ổn định kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan, học hành tiến bộ; chăm sóc chu đáo cha mẹ già yếu làm yên lòng người thân đang chiến đấu ở nơi xa; đoàn kết gắn bó với tập thể, xóm làng. Những năm tháng đó, chị em công nhân Nhà máy vừa bám trụ sản xuất, phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Vải thương hiệu “8-3” có mặt ở các tỉnh, thành phố miền Bắc, đủ các loại: Phin hoa, xanh chéo, pôpơlin, láng, kaki... bày bán ở cửa hàng bách hoá. Riêng vải phục vụ quốc phòng phải dệt riêng để nhuộm màu xanh Tô Châu cho các nhà máy hậu cần may quân phục, võng... Đặc biệt, hồi ấy nhà máy còn sản xuất dây thừng, dây chão cho “đoàn tàu không số”.
Thực hiện khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Tay thoi, tay súng”, nhà máy đã thành lập “Đại đội Dệt 8-3” gồm hơn 100 nam đoàn viên thanh niên là công nhân xung phong nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam; thành lập “Trung đội tự vệ nhà máy Dệt 8/3” vừa giỏi sản xuất, vừa là lực lượng xung kích chiến đấu. Thường sau khi hết ca làm việc sáng chúng tôi tiến hành họp tổ Đảng, tổ Công đoàn và Chi đoàn thanh niên và tập quân sự.
Khi có báo động ngay lập tức chị em cầm súng chạy lên nóc nhà tham gia chiến đấu; nhiều chị em với tinh thần gan dạ, thông minh, anh dũng đã bám trụ tại trận địa pháo trên nóc Nhà máy, lập nhiều chiến công: ngày 10/12/1967 bắn rơi 01 phản lực, ngày 13/03/1968 bắn rơi 01 máy bay không người lái của không quân Mỹ.
Trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 đã phối hợp với tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Xay Lương Yên, Nhà máy Kẹo Hải Châu, trận địa Vân Đồn đan lưới lửa phía Nam thành phố bắn rơi 1 chiếc F4 của quân địch. Đầu năm 1970, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà máy Dệt 8/3 đã phát động phong trào “Ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi” dành cho các thợ dệt, thợ sợi và phong trào “Mở máy sớm, đóng máy muộn bù cho những giờ mất điện”, phong trào “Vệ sinh máy sạch, giữ máy tốt”.
Chị em các xưởng đã nô nức ôn luyện tay nghề, thao diễn kỹ thuật và ngay năm đầu tiên đã có 185 thợ dệt, 201 thợ sợi đạt danh hiệu “Thợ giỏi cấp nhà máy”. Phong trào “Ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi” ở Nhà máy Dệt 8-3 đã tỏa lan ra các nhà máy dệt trong ngành, trở thành phong trào của ngành Dệt và đã xuất hiện những thợ dệt, thợ sợi giỏi cấp ngành. Tôi rất vinh dự năm đó đạt danh hiệu Thợ dệt giỏi nhất miền Bắc.
Nhìn lại trang sử vàng của 60 năm về trước, chúng ta có quyền tự hào mà khẳng định rằng: Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam cũng như hoạt động của Hội iên hiệp phụ nữ Việt Nam, đỉnh cao của phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với việc tham gia tích cực trong phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện được vai trò, khả năng cách mạng to lớn, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, ý chí tự cường vươn lên, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Tôi thấy mình thật may mắn khi được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, những kỷ niệm, ký ức đẹp đẽ về một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy nhiệt huyết và tự hào vẫn luôn in đậm trong tâm trí của tôi, sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời.