Ra mắt thí điểm mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại huyện Chương Mỹ
(PNTĐ) -Chiều 21/9, Hội LHPN Hà Nội ra mắt thí điểm mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đây là một trong những mô hình, hoạt động trong thực hiện Quyết định số 3101/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”.
Tham dự hội nghị có bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Lâm- Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Chương Mỹ, bà Bùi Minh Đức - Chủ tịch Hội LHPN huyện Chương Mỹ…
Chị Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch hội LHPN xã Thụy Hương cho biết: Sau khi tiếp thu kế hoạch và hướng dẫn của Hội LHPN Thành phố, Hội LHPN Huyện, Hội LHPN xã Thụy Hương đã báo cáo Đảng ủy và phối hợp UBND xã khảo sát trên địa bàn 7 thôn và lựa chọn thôn Chúc Đồng 2 làm điểm ra mắt mô hình.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong những năm gần đây công tác chăm lo bảo vệ phụ nữ và trẻ em được Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ xã đến thôn đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, sự nhận thức của tất cả thành viên trong gia đình về vấn đề bình đẳng giới, cách bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em, sự chia sẻ công việc trong gia đình của nam giới được chuyển biến tích cực; tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường giảm đáng kể...

Hội phụ nữ xã Thụy Hương phối hợp chặt chẽ với UBND xã và BCĐ mô hình, tập trung nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện bằng những việc làm, hoạt động thiết thực, cụ thể phù hợp với thôn Chúc Đồng 2. Để mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn Chúc Đồng 2 thực sự trở thành điểm sáng, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của hội viên, phụ nữ và cộng đồng; góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Ông Nguyễn Hữu Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thụy Hương nhấn mạnh: Trên cơ sở hiệu quả hoạt động của mô hình này, chúng tôi sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn các thôn còn lại của xã. UBND xã đề nghị các ban, ngành liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình chủ động, tích cực làm tốt công tác phối hợp với Hội LHPN xã, các thôn, xóm thông tin tuyên truyền về các nội dung hoạt động của Mô hình. Đồng thời tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, đối với Hội LHPN xã là cơ quan đầu mối được giao phụ trách mô hình, tổ chức và thực hiện các nội dung của mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em" đạt hiệu quả theo kế hoạch được giao.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng đề nghị lãnh đạo các thôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, tích cực phối hợp để các thành viên của Ban chỉ đạo mô hình thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Yêu cầu các thành viên của Tổ tư vấn chuyên sâu tại thôn Chúc Đồng 2 phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình cố gắng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy chế hoạt động của mô hình. Là cơ sở trực tiếp trợ giúp nạn nhân bạo lực, nơi nạn nhân bị bạo lực gia đình có thể tin tưởng tìm đến trong trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp. Từ đó tránh hành vi bạo lực, đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng.
Sau hội nghị này, đồng chí Bí thư Đảng ủy yêu cầu Ban chỉ đạo, Tổ tư vấn chuyên sâu, nhóm gia đình nòng cốt của Mô hình triển khai họp, thống nhất nội dung xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh: Năm 2020, Hội LHPN Hà Nội triển khai thí điểm mô hình “Làng quê an toàn” tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên đạt hiệu quả thiết thực. Năm 2023, tiếp nối các chuỗi hoạt động vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN Hà Nội triển khai mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại huyện Quốc Oai, huyện Mê Linh và huyện Chương Mỹ. Mô hình là sự thể hiện rõ nét trên thực tế về một môi trường sống an toàn. Nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, khả năng tiếp cận tới các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, xâm hại; tăng cường sự tự tin trong quá trình tham gia hoạt động tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, xã hội. Huy động sự tham gia chủ động và cụ thể của nam giới vào quá trình triển khai hoạt động mô hình nhằm đảm bảo tính bền vững, thành công của mô hình.

Để mô hình thí điểm được triển khai thành công, hiệu quả, thay mặt BTV Hội LHPN Hà Nội, bà Lê Thị Thiên Hương đề nghị các cấp Hội LHPN huyện Chương Mỹ thực hiện một số nội dung sau:
Hội LHPN huyện Chương Mỹ tham gia vận động các nguồn lực, hỗ trợ cán bộ hội viên và nhân dân các điều kiện vật chất, hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống… trong gia đình và ngoài xã hội; phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện các nội dung của mô hình; thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động của mô hình; báo cáo định kỳ kết quả hoạt động của mô hình qua báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm gửi Hội LHPN Hà Nội.
Hội LHPN xã Thụy Hương tích cực tham mưu và bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của hội viên phụ nữ trong thực hiện các nội dung về an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và toàn thể nhân dân trên địa bàn xã tích cực tham gia vào việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em thông qua mô hình.
Đẩy mạnh công tác tập huấn, cung cấp kiến thức, hướng dẫn kĩ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em, kĩ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực…; có các hoạt động cụ thể như: Bố trí, khai thác các nguồn lực thực hiện các hoạt động về an toàn cho phụ nữ và trẻ em: triển khai các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"…
Tuyên truyền, vận động, thu hút phụ nữ và nhân dân tham gia các hoạt động của mô hình, tạo sức lan tỏa, thi đua trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, kịp thời báo cáo với Hội LHPN Huyện những khó khăn, vướng mắc và vấn đề phát sinh để có định hướng tháo gỡ. Thường xuyên báo cáo kết quả, tiến độ triển khai, hoạt động xây dựng mô hình về Hội LHPN Huyện.
Bên cạnh đó, Hội LHPN Hà Nội cũng mong muốn mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn. Các thành viên gia đình, đặc biệt là nam giới bằng các việc làm cụ thể, thiết thực cùng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Sau buổi ra mắt mô hình, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai hoạt động tập huấn kỹ năng nhận diện các vấn đề hiện nay tại địa phương ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em như: Kiến thức về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em; chia sẻ về các tình huống không an toàn; kiến thức về bình đẳng giới; kĩ năng tư vấn, tuyên truyền, kỹ năng phát hiện, xử lý các vấn đề xâm hại phụ nữ, trẻ em,…