Hội LHPN TP Hà Nội:
Sân khấu hoá truyền thông pháp luật về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
(PNTĐ) - Ngày 8/8, Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên pháp luật về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” năm 2024 nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ và cả cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Hội thi nhằm thực hiện Quyết định số 3101/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”; Kế hoạch số 32/KH-BTV ngày 07/02/2024 của Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Hà Nội triển khai Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026” năm 2024.

Tham dự Hội thi có đồng chí Phan Thị Quỳnh Như, Phó Trưởng Ban Chính sách luật pháp, TƯ Hội LHPN Việt Nam; đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thi, đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cho biết: Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, không thể phủ nhận xã hội vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em như xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tai nạn thương tích…

Đây là những nguy cơ gây tổn thương, để lại di chứng nặng nề cho các nạn nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội... Một số vụ việc bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trẻ em, bạo lực học đường,... có tính chất rất nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Năm 2023, toàn thành phố phát hiện 45 hộ có bạo lực gia đình, giảm 37 vụ so với năm 2022, trong đó: 19 vụ bạo lực về tinh thần; 26 vụ bạo lực về thân thể. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là nữ 36/45 người, chiếm 80%; góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 37 người; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 1 người; áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã/thị trấn 5 người.
Toàn Thành phố xảy ra 138 vụ xâm hại trẻ em, 286 đối tượng xâm hại 143 trẻ em. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân thành phố, năm 2023, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội thụ lý 17.503 vụ việc về hôn nhân gia đình (tăng 105 vụ so với cùng kỳ năm 2022), giải quyết 17.108 vụ việc (tăng 121 vụ việc so với 2022). Các tranh chấp về hôn nhân gia đình chủ yếu từ mâu thuẫn gia đình, bạo lực, ngoại tình, nghiện cờ bạc rượu chè, mâu thuẫn kinh tế.

Theo số liệu mới nhất tại Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương nhấn mạnh: Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều hoạt động thực hiện bình đẳng giới và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em như: tuyên truyền kiến thức phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ; tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình; trang bị kỹ năng xử lý tình huống, nhận diện những hành vi có nguy cơ và không an toàn đối với phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền xây dựng, nâng cao nhận thức, kỹ năng trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nam giới; tập huấn kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ giáo viên, học sinh về giới tính, phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường tại các trường học; tổ chức 15 phiên tòa giả định về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tổ chức các hội thi sân khấu hóa, cuộc thi viết bài, cuộc thi trực tuyến về“Tìm hiểu pháp luật về phòng chống bạo lực và xâm hại phụ nữ, trẻ em”, “Chung tay vì môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” ... đã thu hút hàng chục ngàn người tham gia; thành lập Hội đồng Tư vấn cấp Thành phố tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; chỉ đạo thành lập 74 tổ “Tư vấn giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em”; 1.978 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 110 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; 05 mô hình điểm “Thành phố An toàn, thân thiện đối với trẻ em gái”; 11 Tổ dân phố an toàn, 09 Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em và các mô hình CLB gia đình văn minh hạnh phúc, CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ, trẻ em,…
“Với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em, tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội tiếp nhận và giải quyết 17 đơn thư, tiếp nhận 04 vụ việc từ Ngôi nhà bình yên, nắm bắt thông tin 04 vụ việc qua dư luận xã hội; tham gia hòa giải thành công 59/66 vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực… phụ nữ, trẻ em trên địa bàn Thành phố” – Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đánh giá.

Tham gia Hội thi, 6 đội thi trong cụm thi đua số 1 gồm: quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng trải qua hai phần thi: Phần thi kiến thức trắc nghiệm và phần thi xử lý tình huống thực tế dưới hình thức sân khấu hóa về các nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Phần thi kiến thức bằng hình thức trắc nghiệm về luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Nghị định 125/2021/NĐ-CP, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP…
Phần thi xử lý tình huống thể hiện kỹ năng xử lý những tình huống thường gặp liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Các đội thi xây dựng tiểu phẩm ngắn để giải quyết tình huống (khuyến khích có nam giới và học sinh tham gia). 6 đội thi đã mang đến Hội thi những kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong công tác vận động, tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.



Thông qua hội thi, mỗi cán bộ hội viên phụ nữ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, cùng gia đình, đặc biệt là nam giới có những việc làm cụ thể, thiết thực với mục tiêu cộng đồng cùng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em.



Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa, 2 giải Nhì thuộc về Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình, Hoàng Mai, 3 giải Ba thuộc về: Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên cùng 3 giải Chuyên đề.
Một số hình ảnh tại Hội thi:









