Tăng cường dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tính đến năm 2024, có khoảng 6 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2.8 triệu phụ nữ. Những phụ nữ di cư hồi hương gặp nhiều khó khăn trong hoà nhập cộng đồng, cần được sự hỗ trợ.

Hàng trăm phụ nữ di cư hồi hương được hỗ trợ

Sau 20 năm bị lừa bán sang nước ngoài, chị Đ (ở Ba Vì, Hà Nội) mới được trở về quê hương. Thế nhưng, ở nơi chôn rau cắt rốn, chị lại gặp vô vàn khó khăn khác. Đặc biệt, chị Đ còn gặp khó khăn trong nhập khẩu và nhà ở. Chị đã được các cán bộ Hội Phụ nữ và Văn phòng Dịch vụ một điểm đến - Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (gọi tắt là OSSO) trao đổi, tư vấn, hỗ trợ chị nhập khẩu tại Việt Nam.

Tăng cường dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương - ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị họp với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương của Văn phòng OSSO Hà Nội do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức ngày 4/10/2024.

 

Hay chị L, hơn 10 năm đi xuất khẩu lao động bằng hình thức không chính thống, đến tháng 5/2024, gia đình mất liên lạc với chị. Ba tháng trước, cơ quan công an thông báo cho gia đình đón chị ở Lạng Sơn, thì chị L đã bị trầm cảm, sang chấn tâm lý nặng. Chị không thể tiếp xúc với chồng con, thường xuyên đi lang thang, chửi bới, không thể ăn ngủ được… Chị L đã được Hội Phụ nữ và Văn phòng OSSO hỗ trợ thăm, khám, tư vấn và chăm sóc tâm lý…

Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp phụ nữ hồi hương trở về gặp khó khăn khi hoà nhập cộng đồng. Theo báo cáo, tính đến năm 2024, cả nước có khoảng 6 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2,8 triệu phụ nữ. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2024 là gần 36.000 người, trong đó có hơn 30% là lao động nữ.

Bên cạnh những mặt tích cực, di cư quốc tế cũng đặt nhiều thách thức trong vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em như bất đồng ngôn ngữ, bất đồng về văn hoá, bị bạo hành, lạm dụng, bị bóc lột sức lao động…

Khi hồi hương, họ cũng gặp khó khăn như thiếu cơ hội việc làm, kỳ thị hoặc định kiến gia đình/xã hội, bị đẩy trở lại nghèo đói, tổn thương nếu không có sự can thiệp và hỗ trợ thích đáng.

Báo cáo tại Hội nghị họp với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương của Văn phòng OSSO Hà Nội do Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức ngày 4/10/2024, bà Nguyễn Ngọc Ánh, cán bộ quản lý và phát triển mô hình, Trung tâm phụ nữ và phát triển, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Sau 17 năm, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận tạm lánh hơn 1.700 phụ nữ, trẻ em đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Đa số nạn nhân bị mua bán trở về còn có tâm lý e ngại, không muốn công khai hoàn cảnh và quá khứ của mình, cộng đồng còn có định kiến về việc bị mua bán, về di cư hồi hương trở về dẫn tới việc không được tiếp cận một số chính sách hỗ trợ đã có.

Tăng cường dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương - ảnh 2
Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức chương trình truyền thông hưởng ứng tháng hành động quốc gia về phòng, chống mua bán người, bạo lực gia đình và tư ván hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người tại huyện Quốc Oai.

 

Một số nạn nhân bị mua bán khi tạm lánh một thời gian mới phát biện bị mắc một số vấn đề tâm thần nghiêm trọng, do đó cần phải chuyển đến các cơ sở y tế bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

Chị Vũ Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên cũng bày tỏ: Huyện Phú Xuyên có 49 phụ nữ di cư hồi hương trở về. Các chị chủ yếu là đi xuất khẩu lao động tại một số quốc gia như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Nga…, trong đó có 2 chị bị mua bán trở về.

Hội LHPN huyện Phú Xuyên đã rà soát, giới thiệu để các chị em phụ nữ di cư hồi hương và gia đình nhận được nhiều sự giúp đỡ rất thiết thực và hiệu quả, với 41 lượt chị em, trẻ em được giúp đỡ, hỗ trợ; hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, tâm lý, pháp lý và một phần kinh phí để họ có nguồn sinh kế ổn định cuộc sống khi trở về…

Bàn nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương

Tại Hội nghị họp với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương của văn phòng OSSO Hà Nội ngày 4/10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh, để giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với phụ nữ di cư hồi hương, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Di cư quốc tế IOM đã xây dựng và triển khai Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ từ năm 2020 tại 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hậu Giang và Cần Thơ với đầu ra chính là việc xây dựng và vận hành mô hình Văn phòng một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (gọi tắt là Văn phòng OSSO).

Năm 2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Hà Nội ký kết Hợp đồng trách nhiệm số 04/HĐTN/2021, giao Hội LHPN Hà Nội triển khai một số hoạt động của Dự án như: khảo sát phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn; tổ chức hoạt động truyền thông giới thiệu dự án; tư vấn, hỗ trợ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tại địa phương; phối hợp và kết nối hỗ trợ nữ di cư hồi hương và gia đình họ có hoàn cảnh khó khăn. 

Tăng cường dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương - ảnh 3
Các đại biểu cùng thảo luận trong chương trình truyền thông tư vấn, hỗ trợ di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người tại huyện Ba Vì, Hà Nội tháng 6/2024.

 

Năm 2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam có Công văn số 2654/ĐCT-CSLP, ngày 6/11/2023 chỉ đạo và chuyển giao mô hình thí điểm Văn phòng Một điểm đến hỗ trợ Phụ nữ di cư hồi hương – OSSO tại Hà Nội cho Hội LHPN Hà Nội quản lý, vận hành. Hội LHPN Hà Nội đã tiếp nhận quản lý, vận hành Văn phòng OSSO và triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn Hà Nội từ tháng 2/2024 đến nay.

Năm 2024, Văn phòng OSSO Hà Nội đã tiếp và tư vấn tại cho 465 lượt khách hàng là phụ nữ di cư, phụ nữ di cư hồi hương, tư vấn hỗ trợ chuyên sâu cho 5 trường hợp phụ nữ di cư hồi hương trở về pháp lý, tâm lý, y tế, hỗ trợ kinh phí học nghề cho 05 phụ nữ di cư hồi hương, học phí cho 5 trẻ em là con của phụ nữ di cư hồi hương. Ngoài ra tổ chức các cuộc truyền thông, đối thoại, hội thảo trao đổi các chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tái hòa nhập bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cũng đề nghị: Để công tác tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề mà phụ nữ di cư hồi hương, phụ nữ là nạn nhân của mua bán người, nạn nhân bạo lực gia đình gặp phải, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn TP Hà Nội cần tăng cường công tác nắm bắt thông tin ngay từ cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình di cư của hội viên, phụ nữ, các trường hợp phụ nữ di cư hồi hương tại địa phương, đặc biệt là những trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lí, tâm lí, y tế, giáo dục, việc làm… khi trở về; kịp thời thông tin, trao đổi với Hội LHPN Hà Nội thông qua Văn phòng OSSO Hà Nội để phối hợp hỗ trợ kịp thời; tích cực phối hợp chặt chẽ với Văn phòng OSSO Hà Nội trong các hoạt động truyền thông, tư vấn tại cộng đồng.

Văn phòng OSSO cần tiếp tục đảm bảo thực hiện các hoạt động theo chỉ đạo của Trung ương, Thành Hội và kế hoạch hoạt động Dự án được phê duyệt, tiếp thu các ý kiến, giải pháp để thực hiện các hoạt động của Văn phòng OSSO đạt được những kết quả tốt hơn, đảm bảo mục tiêu và tôn chỉ hoạt động của Văn phòng OSSO hướng tới hỗ trợ một cách toàn diện cho chị em phụ nữ di cư hồi hương và con của họ…

Tăng cường dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương - ảnh 4
Các cán bộ Văn phòng OSSO tư vấn giúp người di cư hồi hương và gia đình họ giải quyết những vấn đề của mình. 

Là đơn vị có phụ nữ di cư hồi hương đã và đang được hỗ trợ, bà Vũ Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Xuyên cũng cho biết: Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, thời gian gian tới, Hội LHPN huyện Phú Xuyên tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di cư, hồi hương; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, để chị em phụ nữ, nhất là đối tượng phụ nữ dễ bị tổn thương như phụ nữ cô đơn, phụ nữ nghèo, hỗ trợ cho trẻ em có  hoàn cảnh khó khăn,...

Bên cạnh đó, Hội cũng tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết cảnh giác với thủ đoạn mua bán người, bạo lực, xâm hại; thu hút các hội viên tham gia tổ chức Hội, để Hội trở thành mái nhà chung cho chị em phụ nữ, là nơi để chị em được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và là nơi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sống, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tránh được các nguy cơ bị bạo hành, lợi dụng, xâm hại, xây dựng... 

Ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đề xuất: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng về Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, để mỗi cơ quan, tổ chức và người dân biết rõ việc tố cáo, lên tiếng hành vi bạo lực phụ nữ trẻ em là nghĩa vụ và trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục kiến thức về bình đẳng giới cho người dân để mọi phụ nữ và trẻ em gái có kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại và mua bán người, lên tiếng tìm kiếm sự trợ giúp của mọi người, của cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương.

Cho rằng, cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để phòng chống mua bán người, di cư hợp pháp, bà Tống Thị Thanh Nam, Nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhấn mạnh: Hoạt động truyền thông cần có sự đổi mới và sâu rộng hơn đến nhiều đối tượng phụ nữ. “Tuyên truyền để họ hiểu về những rủi ro khi di dư bất hợp pháp, phòng ngừa tệ nạn mua bán người, để họ tự bảo vệ mình, trước khi người khác đi giúp họ” – bà Thanh Nam nói.

Mô hình văn phòng Dịch vụ một điểm đến - Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (gọi tắt là văn phòng OSSO) có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn/tham vấn miễn phí và kết nối hỗ trợ phụ nữ Việt Nam di cư hồi hương nhằm giúp họ tái hòa nhập bền vững. 

Nhiệm vụ của Văn phòng OSSO là tư vấn và tham vấn giúp khách hàng giải quyết những vấn đề của mình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em di cư hồi hương. Tư vấn và hỗ trợ kết nối dịch vụ, chuyển tuyến về trợ giúp pháp lý, lao động, việc làm, vay vốn, khởi nghiệp kinh doanh.  Kết nối để khách hàng có thể tiếp cận tới các hoạt động của tổ chức Hội (Câu lạc bộ/tổ nhóm sở thích; chi/tổ phụ nữ). Xây dựng mạng lưới phối hợp với các sở, ban ngành và các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm kết nối hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng.

Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ có nhu cầu có thể đến trực tiếp tại Văn phòng OSSO, qua các nền tảng mạng xã hội hoặc tư vấn qua đường dây hotline của Văn phòng: 1800599967.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chia sẻ kinh nghiệm hay, giải pháp tốt từ các mô hình hiệu quả của Dự án 8

Chia sẻ kinh nghiệm hay, giải pháp tốt từ các mô hình hiệu quả của Dự án 8

(PNTĐ) - Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án 8 giai đoạn 2021-2025, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ thành lập và duy trì hiệu quả 6 tổ truyền thông cộng đồng, 2 địa chỉ tin cậy, 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; thí điểm hỗ trợ 8 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ; cùng với đó là các hoạt động truyền thông, đối thoại chính sách
Hội LHPN tỉnh Yên Bái: Sáng tạo nhiều nội dung thực hiện dự án 8

Hội LHPN tỉnh Yên Bái: Sáng tạo nhiều nội dung thực hiện dự án 8

(PNTĐ) - Từ năm 2021, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã tham mưu và ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai Dự án 8; các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng triển khai các mô hình, hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp và đạt được nhiều kết quả, trong đó có những chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Phụ nữ Thủ đô xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Phụ nữ Thủ đô xây dựng văn hóa giao thông an toàn

(PNTĐ) - Chương trình truyền thông “Phụ nữ Thủ đô thượng tôn pháp luật - Xây dựng văn hóa giao thông an toàn” do Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội phối hợp với Ban An toàn giao thông Thành phố tổ chức vừa diễn ra tại hội trường UBND thị trấn Trâu Qùy, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.